Điện Biên: Những vấn đề cần quan tâm trong công tác xây dựng và thực hiện nghị quyết của chi bộ thôn, bản

Thứ Bảy, 10/09/2016, 13:38 [GMT+7]

Điện Biên TV - Công tác xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết có ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy Đảng, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh ở cơ sở. Việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết có hiệu quả, chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò lãnh đạo của cấp ủy chi bộ đối với các vấn đề ở địa phương. Bởi vậy, công tác xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết là nội dung rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ thôn, bản ở khu vực nông thôn Điện Biên hiện nay.

Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới, có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức không đồng đều. Đảng bộ tỉnh Điện Biên có 14 đảng bộ trực thuộc với 633 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 222 đảng bộ cơ sở, 411 chi bộ cơ sở và 2.495 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 33.460 đảng viên. Toàn tỉnh hiện nay có 1.813 tổ dân phố, bản; trong đó 1.399 thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ, chiếm tỷ lệ 77,2%; hiện còn 324 thôn, bản đảng viên đang sinh hoạt ghép, chiếm tỷ lệ 17,87%; còn 90/1.813 thôn, bản chưa có đảng viên.

Nhiều năm qua, công tác xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ thôn, bản còn nhiều bất cập và hạn chế, một trong những nguyên nhân của tình trạng này đó là, công tác tổ chức sinh hoạt đảng ở thôn, bản còn yếu, kém hiệu quả, nhiều chi bộ việc tổ chức sinh hoạt còn chưa theo quy định của Đảng như: Tổ chức sinh hoạt thất thường, có nơi ba đến sáu tháng mới tổ chức sinh hoạt một lần, đảng viên tham gia ít với nhiều lý do như thăm thân, việc gia đình, làm ăn xa… Bên cạnh đó, thời gian và nội dung sinh hoạt không bảo đảm, nhiều chi bộ còn lấy sinh hoạt chuyên môn thay cho sinh hoạt chi bộ; nội dung sinh hoạt còn dàn trải, do vậy chưa thực sự phát huy dân chủ, chưa huy động được trí tuệ của từng đảng viên trong việc cộng đồng trách nhiệm tìm ra những chủ trương, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết những vấn đề bức thiết nảy sinh tại địa phương. Hơn nữa, việc ghi chép biên bản, nghị quyết sinh hoạt chi bộ cũng không được thực hiện nghiêm túc, nội dung ghi chép, biên bản chưa thể hiện đầy đủ các ý kiến đóng góp của đảng viên. Ý kiến của chủ tọa sau khi thảo luận từng nhóm vấn đề hoặc kết luận tất cả các nội dung ở cuối buổi họp, chưa được ghi chép, tổng hợp kịp thời… Do vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ ở thôn, bản.

c
Chi bộ bản Mường Toong 3, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé họp thông qua các nghị quyết

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ thôn, bản ở một số địa phương cho thấy, phần lớn nội dung nghị quyết nghèo nàn, tính lãnh đạo, giáo dục, chiến đấu và tinh thần tự phê bình và phê bình yếu. Việc xây dựng nghị quyết còn chung chung, chưa xác định được trọng tâm, trọng điểm phải lãnh đạo. Do vậy, chưa trúng, đúng và sát với thực tế của chi bộ, nhiều chi bộ còn lúng túng trong xác định nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh ở địa phương.

Có thể thấy, công tác xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ thôn, bản ở Điện Biên còn rất nhiều hạn chế. Nguyên nhân khách quan là do chi ủy, nhất là bí thư chi bộ năng lực yếu hoặc do kiêm nhiệm nhiều việc nên thời gian dành cho công tác đảng hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là do nhiều bí thư chi bộ còn đơn giản trong xây dựng và thực hiện nghị quyết, chưa nghiên cứu sâu về nguyên tắc của Đảng và chưa dành thời gian đầu tư suy nghĩ, chưa xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần phải tập trung để lãnh đạo nên chất lượng ra nghị quyết chưa cao, còn tính chất chiếu lệ, một số chi bộ việc xây dựng Nghị quyết còn hình thức, không đáp ứng được yêu cầu thực tế của địa phương.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Vì Văn Khiên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhà, huyện Điện Biên cho biết: “Việc xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ thôn, bản là hết sức quan trọng, nhằm thể cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương. Trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện nghị quyết phải tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên để có những uốn nắn, chỉ đạo kịp thời những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Trên cơ sở đó, rút ra những kinh nghiệm cho việc tổ chức thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết đề ra, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi đảng viên và quần chúng nhân dân trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng”.

Trong thời gian tới, để công tác xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết đáp ứng được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ thôn, bản ở khu vực nông thôn Điện Biên hiện nay thì cấp ủy chi bộ thôn, bản cần làm tốt công tác chuẩn bị dự thảo nội dung nghị quyết, cấp ủy và đồng chí bí thư chi bộ căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết, phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cần lãnh đạo, cùng với sự đóng góp của tập thể chi ủy, ý kiến của đảng viên vào dự thảo nghị quyết. Sau khi chuẩn bị xong dự thảo nghị quyết, bí thư chi bộ tiến hành họp chi bộ để thông qua nội dung, nếu chi bộ không có chi ủy cần hội ý với phó bí thư và đảng viên.

Khi xây dựng nghị quyết chỉ cần nêu ngắn gọn những đặc điểm chi phối đến kết quả lãnh đạo của chi bộ trong tháng và bổ sung những thông tin mới liên quan đến xây dựng nghị quyết. Căn cứ vào nghị quyết tháng trước, chi bộ tiến hành đánh giá kết quả lãnh đạo của chi ủy, chi bộ, tập trung đánh giá sâu các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ rõ những ưu, khuyết điểm và trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Phần xác định phương hướng, nội dung, biện pháp lãnh đạo của chi bộ tháng tiếp theo cần căn cứ vào chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, chú ý những yêu cầu của cấp ủy cấp trên và dự kiến những nội dung đột xuất có thể phát sinh. Nhiệm vụ đặt ra cần có chỉ tiêu, tỷ lệ cụ thể; các biện pháp đề ra cần đồng bộ, nhất là những giải pháp đột phá, giải quyết dứt điểm những yếu kém, những vấn đề bức xúc của thôn bản, tránh để nảy sinh những điểm nóng trên địa bàn.

Công tác xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ thôn, bản ở Điện Biên là nội dung công việc thường xuyên của cấp ủy và bí thư chi bộ. Đây là khâu có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của chi bộ. Vì vậy, bí thư chi bộ phải nắm vững nội dung, cách làm để không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới./.

 

Phong Lâm
                                                                           Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên


 

.