Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021

Thảo luận tại tổ: Bàn về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Tư, 03/08/2016, 18:26 [GMT+7]

Điện Biên TV – Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, trong phiên làm việc buổi chiều (3/8), HĐNĐ tỉnh đã chia 5 tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2016; tham gia ý kiến vào các báo cáo của HĐND tỉnh và Tờ trình.

Tại các tổ thảo luận, hầu hết đại biểu khẳng định: Trong những tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước mặc dù đã được phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, song các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Dự ước 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 20/36 chỉ tiêu đạt trên 50%.

Đồng thời, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Tình hình cháy rừng vẫn xảy ra cục bộ trên địa bàn; một số chỉ tiêu tuy tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng chưa đạt 50% kế hoạch cả năm; Chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực tại các cơ sở, khu du lịch hạn chế; thiếu các sản phẩm du lịch cao cấp, độc đáo, hấp dẫn, nên thời gian lưu trú của khách du lịch ngắn...

v
Đại biểu HĐND tỉnh Nhữ Văn Quảng tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 5

 

Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, có đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần xem xét lại số liệu trồng rừng, giao đất giao rừng theo Kế hoạch 388, bởi vì không trùng khớp với báo báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn và Sở Tài nguyên - Môi trường.

Hiện nay, 60% thực phẩm (thịt lợn) của Điện Biên vẫn lấy từ xuôi lên, trong khi đó đại bàn lại có tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào giải pháp phấn đấu hết nhiệm kỳ đảm bảo thực phẩm của địa phương; đồng thời sớm có quy hoạch các khu chăn nuôi, trồng trọt, bán nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Hiện nay, gạo tám thơm Điện Biên đã được biết đến từ lâu và mới đây là gạo séng cù, được nhiều người dân trong tỉnh và khách du lịch ưa chuộng. Tuy nhiên, do lợi nhuận đã xuất hiện tình trạng người bán pha trộn gạo từ nơi khác làm ảnh hưởng tới uy tín, chất lượng gạo. Vì vậy, đề nghị tỉnh cần có biện pháp để quản lý chặt chẽ thương hiệu gạo Điện Biên.

Liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư, nhiều đại biểu cho rằng tỉnh Điện Biên nên đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh hàng năm của tỉnh; tỉnh cũng cần sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, trong đó cần rà soát kỹ khi phê duyệt đầu tư; các công trình thi công phải đảm bảo tiến độ nhằm tránh phát sinh chi phí đầu tư.

Đối với vấn đề lao động, giải quyết việc làm, các đại biểu đề nghị tỉnh không nên tập trung cho xuất khẩu lao động, mà thay vào đó là liên kết với các khu công nghiệp trong nước để tạo việc làm cho công nhân (6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 182 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước). Bởi vì, nếu tập trung cho xuất khẩu lao động thì trình độ tay nghề của công nhân còn thấp, thêm nữa là nhiều lao động không chịu được cảnh xa nhà, thường bỏ về trước thời hạn.

Tại các tổ thảo luận, đại biểu còn đề nghị bổ sung giải pháp về công khai, minh bạch các điểm được khai thác khoáng sản; đưa vào trồng thí điểm các loại cây công nghiệp có giá trị; đề nghị tỉnh tăng cường các giải pháp, có chế tài hợp lý nhằm giảm thiểu nạn phá rừng; Việc quyết toán các dự án trồng rừng theo chương trình 327 và 662 khó thực hiện do thời gian đã lâu mà hồ sơ thanh quyết toán đã thất lạc, cần phải kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này; tỉnh cần vào cuộc đồng bộ để đầu tư kiến thiết xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chuẩn đô thị loại II theo kế hoạch; đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng khu hạ tầng trung tâm hành chính mới; đề nghị tập trung đầu tư cơ sở vật chất giáo dục mầm non…

Cũng trong phiên làm việc, các tổ thảo cơ bản đồng tình với các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

 

Diệp Xuân

 

.