Điện Biên và Sơn La họp bàn thống nhất chủ trương, phương án giải quyết tranh chấp đất đai

Thứ Hai, 15/08/2016, 16:00 [GMT+7]

Điện Biên TV -Tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La vừa tiến hành họp bàn để thống nhất chủ trương, phương án giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến đường địa giới hành chính 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La. Các đồng chí: Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì buổi làm việc.

Tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La có 18 điểm địa giới hành chính xảy ra tranh chấp, thay đổi địa giới, trong đó 13 điểm đã được 2 tỉnh thống nhất, giải quyết.

Tại hội nghị lần này, 2 tỉnh thống nhất chủ trương, phương án đối với 5 điểm đó là: Đối với điểm giữa xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp với xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, với 500ha, khi chưa phân vạch đường địa giới hành chính theo Chỉ thị 364-CT thì diện tích này thuộc xã Sam Kha, sau khi phân vạch, lại thuộc xã Tìa Dình. Điểm này được 2 tỉnh thống nhất: Giao 300ha thuộc địa giới hành chính tỉnh Sơn La và 200ha thuộc địa giới hành chính tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, có thể điều chỉnh trên cơ sở thực địa.

c
Quang cảnh buổi làm việc

 

Đối với điểm giữa xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp với xã Mường Lói, huyện Điện Biên, với 820ha. Diện tích này trước đây là của xã Mường Lói nhưng khi phân vạch đường địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 thì lại thuộc xã Mường Lèo. Điểm này 2 tỉnh thống nhất: Điều chỉnh 300ha thuộc địa giới hành chính tỉnh Điện Biên, diện tích còn lại giao về cho tỉnh Sơn La quản lý.

Đối với điểm giữa xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai với xã Phình Sáng huyện Tuần Giáo, với 160ha. Đây là diện tích đất của xã Pá Ma Pha Khinh nhưng người dân bản Phiêng Hoa, xã Phình Sáng đã di cư sang sinh sống được gần chục năm nay. Điểm này 2 tỉnh thống nhất: Giao cho tỉnh Điện Biên quản lý 2 bản này, không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xã Pá Ma Pha Khinh. Diện tích cụ thể sẽ được tính toán lại trên thực địa.

Đối với điểm giữa xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai với xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, với gần 1.500ha. Diện tích này trước đây thuộc xã Tủa Thàng nhưng khi phân vạch đường địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 thì thuộc xã Cà Nàng. Điểm này 2 tỉnh đã thống nhất: Nếu như diện tích nào đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thực hiện theo ranh giới trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Diện tích nào chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chuyển về tỉnh Điện Biên. Nhưng đối với diện tích đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc tỉnh Sơn La nhưng thuộc đất di tích lịch sử vùng cách mạng thì vẫn phải giao lại cho tỉnh Điện Biên.

Đối với điểm thứ 5 là giữa xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai với các xã: Phình Sáng, huyện Tuần Giáo; Xá Nhè, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn, huyện Tủa Chùa. Đây là điểm thuộc vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La của xã Pá Ma Pha Khinh, dân ở đây đã được di chuyển đi nhưng lại có 8 hộ thuộc các xã nêu trên của 2 huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo di cư đến và đã ổn cư, ổn canh. Nhưng hiện đã có 4 hộ trở về quê hương. Do đó, tại điểm này 2 tỉnh thống nhất: tỉnh Điện Biên sẽ đưa 4 hộ còn lại về quê hương và địa phương sẽ bố trí, sắp xếp ổn định đời sống cho các hộ.

Việc giải quyết theo các chủ trương, phương án thống nhất đối với các điểm trên, lãnh đạo 2 tỉnh cũng mong muốn các cơ quan chức năng 2 tỉnh khi thực hiện cần đảm bảo các yếu tố: Đáp ứng tương đối nhu cầu, nguyện vọng của dân; đảm bảo tính pháp lý; đảm bảo yêu cầu kỹ thuật phân vạch; tôn trọng lịch sử đất; đảm bảo tính ổn định, phát triển và gìn giữ được văn hóa truyền thống, đặc thù, tập quán canh tác, đảm bảo an ninh trật tự, duy trì được mối đoàn kết... đồng thời cố gắng không để gây phát sinh mâu thuẫn.

 

Diệp Xuân
 

.