Đẩy mạnh hơn nữa thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Thứ Tư, 10/08/2016, 10:35 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhiều vấn đề bức xúc kéo dài trong nhân dân, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà thông qua dân chủ đã được giải quyết triệt để, qua đó cho thấy thực hiện tốt công tác dân chủ ở cơ sở không những bảo đảm được quyền và lợi ích của người dân, mà còn góp phần quan trọng vào củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, mở rộng dân chủ ở cơ sở còn là liều "thuốc" hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 

 

Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 về xây dựng và ban hành Qui chế dân chủ ở cơ sở. Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị cho thấy đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta; Quy chế đã đáp ứng kịp thời tâm tư, nguyện vọng, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về dân chủ, được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình và tích cực. Vì vậy, Qui chế dân chủ ở cơ sở thực sự đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và thực hiện quyền giám sát của mỗi người dân, thiết thực củng cố, tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở, thúc đẩy nhanh tiến trình đổi mới, phát triển đất nước.

Có thể thấy, nhiều địa phương, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện đã gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện Quy chế dân chủ với chủ trương của Đảng về phát huy quyền dân chủ của Nhân dân đó là: “lấy dân làm gốc” với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã mạng lại những hiệu quả và tín hiệu tích cực trong đời sống xã hội, tác động mạnh mẽ đến công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Qua thực hiên quy chế dân chủ ở cơ sở, nhiều vụ việc tiêu cực đã được làm sáng tỏ, nhiều chế độ chính sách dành cho đồng bào các dân tộc được minh bạch, các công trình phúc lợi dân sinh được xây dựng chất lượng hơn, đem lại niềm vui, phấn khởi cho nhân dân, người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng vào sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền hơn. Bên cạnh đó, Đảng quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để phòng chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực, là chủ trương vô cùng đúng đắn, được người dân đồng thuận cao.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kết quả và tín hiệu phấn khởi bước đầu, vì hiện nay tình trạng vi phạm dân chủ, hay dân chủ hình thức còn diễn ra ở không ít ở các địa phương, đơn vị. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở nhiều cơ sở làm còn thiếu nền nếp, hiệu quả chưa cao. Một số nơi hiện tượng vi phạm quyền dân chủ của người dân rất nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân, làm giảm sút lòng tin đối với Đảng và Nhà nước. Vẫn còn đâu đó những cán bộ, đảng viên hách dịch, cửa quyền, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, sống xa dân, tham ô, tham nhũng, lãng phí và còn nhiều biểu hiện tiêu cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình trước dân. Không ít địa phương, đơn vị thực hiện dân chủ vẫn còn chiếu lệ, thiếu công khai, minh bạch làm cho tham nhũng có biểu hiện phức tạp, người dân bức xúc. Không ít cán bộ chủ chốt, người đứng đầu địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Qui chế một cách hời hợt, qua loa nên đã không ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, quan liêu. Bên cạnh đó, là những sơ hở, thiếu đồng bộ của cơ chế chính sách, nhất là quyền lực không đi cùng với cơ chế giám sát của người dân, nên đã vô tình tạo lỗ hổng cho tệ quan liêu, tham nhũng lộng hành...

Hiện nay, không phải mọi người dân ai cũng hiểu đầy đủ về dân chủ và thực hiện quyền làm chủ của mình, hơn nữa ý thức và nhận thức về quyền làm chủ của người dân nhiều nơi còn rất hạn chế. Vì thế, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về quan điểm về thực hiện dân chủ của Đảng, về mục tiêu phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, bằng những qui định cụ thể làm cho người dân có ý thức, có khả năng, có trách nhiệm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, công tác kiểm tra của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp với thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở, đi sâu nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ngay trong cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp; thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, tự phê bình, phê bình để đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, tham nhũng ngay từ ở cơ sở. Có như vậy, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực mới không có đất để dung thân.

Thực tế cho thấy, không có việc gì có thể qua được tai mắt của nhân dân, do vậy cần phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ, những ý kiến đóng góp và những phát hiện từ thực tế sinh động của cuộc sống là những ý kiến bổ ích để xây dựng, thực thi đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng để ngăn chặn kịp thời các sai phạm pháp luật. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần cụ thể hóa Qui chế dân chủ ở cơ sở bằng những qui định rất cụ thể về những điều dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình với tư cách là chủ thể của xã hội. Có thể khẳng định, khi Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện đầy đủ thì tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực sẽ khó có đất để dung thân. Dân chủ chính là "Thuốc" để chống tiêu cực./.

 

     Khánh Toàn
                                          
                              

.