Quốc hội nghe tờ trình về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Thứ Sáu, 06/06/2014, 16:36 [GMT+7]

Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng lấy phiếu quy định tại Nghị quyết 35 là phù hợp.

Sáng 6/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề:

Theo Tờ trình, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, quy trình, thủ tục lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị của nước ta. Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng lấy phiếu quy định tại Nghị quyết 35 là phù hợp.

Liên quan đến mức đánh giá tín nhiệm, nhiều ý kiến đề nghị phiếu tín nhiệm vẫn nên ở 3 mức như quy định tại Nghị quyết 35. Một số ý kiến đề nghị chỉ để 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Nghị quyết 35 đã xác định mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ, làm cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu chỉ quy định 2 mức thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ 3 mức đánh giá tín nhiệm.

Cũng trong sáng 6/6, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số nội dung như quy định trình độ trung cấp nghề đối với người tốt nghiệp trung học cơ sở, về dạy nghề gắn với doanh nghiệp, xã hội hóa hoạt động dạy nghề./.

 

Theo VOV.VN

.