Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người

Thứ Năm, 11/08/2016, 22:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày 11/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Lâm Văn Năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Thiếu tướng Sùng A Hồng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Tỉnh ủy Điện Biên đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 35 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Dự hội nghị có các đồng chí: Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

 

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lâm Văn Năm, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì vậy các đại biểu cần tập trung thảo luận; đóng góp ý kiến, các kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phòng chống tội phạm về mua, bán người tại địa phương, ngành mình quản lý, để từ đó làm rõ những âm mưu, thủ đoạn của loại hình tội phạm này, qua đó góp phần giảm thiểu đến mức tối đa tình trạng mua, bán người qua biên giới trong thời gian tới.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU, ngày 01-11-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người (gọi tắt là chỉ đạo số 35-CT/TU) tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm mua bán người còn diễn biến phức tạp nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Mông, Thái sinh sống tại địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Nậm Pồ. Thống kê từ ngày 01-11-2013 đến 31-06-2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện 29 vụ mua bán người, mua bán trẻ em, với 72 nạn nhân và 507 phụ nữ, trẻ em nghi bị mua bán ra nước ngoài.

Tham luận của các đại biểu đã làm rõ một số phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm này. Trong qua trình thực hiện tội phạm thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, đối tượng ban đầu đứng ra lừa gạt nhưng đối tượng đưa đi lại là đối tượng khác, trên đường đi, thường xuyên thay đổi phương tiện, lịch trình đi và đối tượng đưa đi. Các đối tượng trong đường dây trước đây không có mối quan hệ ruột thịt, thì nay đã có sự câu kết giữa các đối tượng là anh em trong cùng gia đình tham gia phạm tội tạo nên đường dây khép kín.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống mua bán người của các ngành chức năng trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế như: Vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, nhất là người đứng đầu chưa thực sự phát huy; chưa sâu sát, quyết liệt trong phòng chống mua bán người; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ văn hóa của một bộ phận nhân dân còn thấp nên nhận thức về phòng, chống mua bán người ít được quan tâm; công tác tuyên truyền nội dung chưa sâu, chưa phong phú để thu hút người dân…

Phát biểu kết luận hội nghị, một lần nữa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Văn Năm đã nhấn mạnh: Nếu chúng ta có nỗ lực, quyết tâm, nêu cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, nhất định tội phạm mua bán người ở tỉnh ta sẽ được ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, có chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, làm cho người dân có đời sống kinh tế ổn định; làm tốt công tác phổ cập giáo dục giúp người dân nâng cao kiến thức tự bảo vệ bản thân trước những cạm bẫy của bọn buôn người.

Nhân dịp này, đã có 2 tập thể và 5 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người thời gian qua./.

 

Phạm Hải - Lê Nam
 

.