Thất nghiệp ở làng lập nghiệp

Thứ Tư, 09/04/2025, 09:21 [GMT+7]

Điện Biên TV - Dự án làng thanh niên lập nghiệp được triển khai ở bản Tân Quang, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, nay là bản Na Ố, xã Na Tông, huyện Điện Biên, với kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi kinh tế - xã hội ở vùng đất khó. Thế nhưng sau gần 2 thập kỷ, các hộ dân ở làng thanh niên lập nghiệp lại không thể lập nghiệp. Có hộ đã bỏ làng về nơi ở cũ, có hộ lại phải mưu sinh nơi đất khách quê người, người ở lại cũng khốn khó khi thiếu đất và thiếu nước sản xuất.

Năm 2007 sau khi có quyết định phê duyệt và triển khai dự án Làng thanh niên lập nghiệp đã có 50 thanh niên đăng ký về bản Tân Quang sinh sống. Hầu hết là những thanh niên trai tráng ở xã Mường Nhà, xã Noong Luống, huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông. Kỳ vọng ban đầu của dự án là đưa các thanh niên trong tỉnh về đây khởi nghiệp, lập nghiệp làm giàu vùng đất khó, tiến tới xây dựng mô hình nông thôn kiểu mẫu.

Trên danh sách 50 hộ đăng ký, 50 ngôi nhà vách đất 3 gian đã được dựng lên để các hộ an cư lập nghiệp. Hệ thống điện thắp sáng, bể nước sinh hoạt cũng được đầu tư. Ngoài ra mỗi hộ còn được nhận 5.000m2 đất sản xuất, trong đó hơn 1.000m2 đất ruộng, còn lại là đất nương.

Những điều kiện ban đầu ấy những tưởng sẽ giúp thanh niên có đất ở, đất sản xuất để an cư lập nghiệp nhưng thực tế vẫn có nhiều hộ phải chật vật sau gần nhiều năm sống ở làng.

1
Trưởng bản Na Ố dẫn phóng viên đi xem những nương ruộng bạc màu, khô cằn do thiếu nước sản xuất.

Gia đình chị Lò Thị Sơn chuyển về sinh sống ở làng lập nghiệp năm 2012. Sau 13 năm an cư nơi làng lập nghiệp gia đình chị Sơn vẫn trong diện hộ nghèo của xã. Tài sản hiện có là 1 con bò và chú bê con vừa mới được bố mẹ chồng cho để bắt đầu cơ nghiệp. Ngoài diện tích nương sắn bạc màu năng suất hằng năm đạt thấp, hằng ngày chồng chị Sơn vẫn phải đi làm thuê để có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt cho 5 thành viên của gia đình.

“Khi về ở đây nhà nước cấp đất cấp nương, nhà vách đất 3 gian. Bây giờ cuộc sống vợ chồng tôi rất khó khăn. Có 3 con 1 con bị khuyết tật chồng đi làm vợ ở nhà trông. Mỗi tháng đứa con đều ốm đau co giật. Cuộc sống của vợ chồng chúng tôi dựa vào làm nương sắn thôi, không đủ ăn phải đi làm thuê. Chúng tôi rất lo lắng cuộc sống sau này không biết sẽ đi về đâu.” - chị Sơn, chia sẻ.

Ngôi nhà của gia đình ông Sùng A Và đã được dựng thay thế ngôi nhà vách đất 3 gian của dự án sau nhiều năm tích cóp. An cư nhưng chưa thể lập nghiệp bởi diện tích đất lúa được cấp không có nước sản xuất chuyển sang trồng sắn nhưng giá cả lại bấp bênh. Ngôi nhà giờ chuyển lại do người con trai thứ sinh sống bởi cả 2 vợ chồng anh đang đi làm thuê ở các tỉnh thành miền xuôi.

“Gia đình tôi năm nay cũng không làm được sắn nhiều. Sắn mất giá nên bố mẹ đi làm thuê, thu nhập khó khăn. Hằng tháng bố mẹ gửi một ít tiền mua sữa cho con thôi.” - anh Sùng A Cở, con ông Sùng A Và, nói.

Tình trạng đi làm thuê ở làng thanh niên lập nghiệp hiện nay không hiếm. Nhiều hộ cả vợ chồng đi làm thuê để lại con cái hoặc bố mẹ già ở lại. Hộ không bám trụ được thì bán đất để tha phương cầu thực. Bởi vậy đến Na Ố hôm nay rất khó để gặp được những thanh niên của làng lập nghiệp trước đây.

1
Gọi là làng lập nghiệp nhưng sau gần 20 năm những thanh niên tràn đầy sức trẻ năm xưa vẫn đang thất nghiệp hoặc tha phương. Cái khó vẫn mãi đeo đẳng, không giống như kỳ vọng ban đầu...

Đất đai khô cằn, không có nước sản xuất nên những diện tích đất khai hoang thành ruộng lúa nước trước đây phân cho các hộ thanh niên làng lập nghiệp chỉ còn trơ những bờ ruộng. Cây trồng thay thế trên những khu đất này không gì khác ngoài cây sắn. Nhưng canh tác lâu năm không được đầu tư nên đất bạc màu, mùa được, mùa không. Thời điểm đầu triển khai dự án, chính quyền địa phương đã đưa các dự án cây trồng mới về triển khai nhưng không có nước tưới nên các dự án này cũng lụi tắt.

Ông Lò Văn Thuận, Trưởng bản Na Ố, xã Na Tông, huyện Điện Biên, cho biết: “Bản Tân Quang trước đây có 46 hộ chuyển về sinh sống. Chủ trương của nhà nước hỗ trợ giống cây trồng như cây cà phê, dự án trồng cây xoài và một số cây khác nữa nhưng cơ bản không hiệu quả vì đặc thù ở địa phương này không có nước tưới tiêu. Nhiều hộ ở được thời gian nhưng sau cảm thấy không đáp ứng được cuộc sống nên chuyển nhượng cho các hộ dân gần đây để về nơi ở trước đây. Nhiều hộ đi làm thuê các tỉnh dưới xuôi để trang trải cuộc sống của mình”.

Năm 2019, bản Tân Quang được sáp nhập với bản Na Ố, xã Na Tông và được lấy tên là Na Ố. Trở lại làng thanh niên lập nghiệp sau gần 20 năm, điều thay đổi duy nhất là những ngôi nhà tạm bợ ban đầu đã dần được thay thế. Còn lại các tuyến đường nội bản vẫn chưa được đầu tư, kinh tế chưa có những định hướng phát triển đột phá như kỳ vọng ban đầu triển khai dự án.

Với sức trẻ và hoài bão của những thanh niên độ tuổi dưới 30, dự án làng thanh niên lập nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo nên luồng gió mới góp phần thay da đổi thịt của vùng đất khó. Nhưng kỳ vọng bao nhiêu thì thực tế càng thất vọng bấy nhiêu khi lập nghiệp chưa thấy đâu chỉ thấy nhiều thanh niên năm xưa vẫn đang thất nghiệp hoặc tha phương.

 

 

Hoàng Út - Văn Hùng/DIENBIENTV.VN

 

.