Gian khó Chiềng Sơ

Thứ Tư, 11/09/2024, 14:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với gần 60% hộ gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo, Chiềng Sơ vẫn là xã đặc biệt khó khăn ở huyện vùng cao Điện Biên Đông. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể kể đến như: Diện tích canh tác cây lương thực ít; phương thức sản xuất còn lạc hậu; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào chính sách ưu đãi.

Gia đình anh Lò Văn Thăm là một hộ thuộc diện nghèo ở bản Ten Luống, xã Chiềng Sơ. Gia đình anh Thăm không có diện tích sản xuất trên nương, cũng không có gia súc để chăn nuôi, nên đời sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất lúa ruộng. Vụ đông xuân năm nay gia đình anh Thăm cũng gieo cấy gần 1.000m2 lúa nước.

Tuy nhiên vào thời điểm cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, những cơn lũ dữ bất ngờ xuất hiện, nước và khối lượng đất đá tràn về quá lớn nên đã vùi lấp trên 70% đất sản xuất của gia đình anh. Thu nhập phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên giờ đây đời sống gia đình anh Thăm càng thêm khó khăn.

“Mưa lũ to quá đã làm diện tích lúa nước của tôi mất trắng hết. Tôi làm 2 vụ, vụ đông xuân này cấy 2 lần rồi, không biết làm thế nào, ruộng thành suối rồi, giờ mất trắng rồi. Tôi có 2 đứa con, một đứa lơp 2, 1 đứa lớp 5. Tôi mất mùa rồi, chẳng có gì mua sách vở cho con đi học.” - anh Thăm, chia sẻ.

1
Do điều kiện về tự nhiên nên diện tích đất canh tác nông nghiệp của xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông chiếm khá nhỏ trong tổng diện tích của xã.

Bản Ten Luống có gần 40 gia đình với hơn 140 nhân khẩu sinh sống; 100% người dân trong bản là người dân tộc Lào. Những năm gần đây nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trong bản, đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cây trồng vật nuôi được chính quyền địa phương triển khai thực hiện.

Người dân Ten Luống cũng được đội ngũ cán bộ xã và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn các phương thức trồng trọt và chăn nuôi mới theo hướng cầm tay chỉ việc, nhưng việc áp dụng vào thực tế không đạt kết quả như mong muốn. Tư duy và tập quán canh tác lạc hậu, nên việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi của người dân còn chậm. Vì vậy mà tỷ lệ hộ nghèo trong bản vẫn còn cao. Bản Ten Luống vẫn còn tới hơn ¼ số hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Trong tổng số hơn 1.200 hộ ở xã vùng khó Chiềng Sơ, cộng đồng dân tộc Xinh Mun chiếm tới gần 41%. Đồng bào Xinh Mun sinh sống rải rác ở 6 bản. Trước đây, bà con Xinh Mun sinh sống ở trên cao, gần với diện tích canh tác nương rẫy. Gần 20 năm trở lại đây, bà con được vận động chuyển về những diện tích đất bằng, gần với các tuyến giao thông để sinh sống. Tuy nhiên qua nhiều đời, đồng bào Xinh Mun vẫn duy trì tập quán canh tác trên nương và có rất ít hộ sản xuất lúa nước.

1
Hiện toàn xã Chiềng Sơ có gần 60% hộ gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Do diện tích nương nhỏ hẹp, chăn nuôi còn manh mún và phụ thuộc chủ yếu là tự nhiên, nên năng suất cây trồng vật nuôi đạt rất thấp. Cộng đồng dân tộc Xinh Mun có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất ở Chiềng Sơ. Ví như tại bản Kéo Đứa, cả bản có hơn 50 hộ với trên 260 nhân khẩu sinh sống, nhưng chỉ có 5 gia đình có mức sống từ trung bình trở lên, còn lại 87% số hộ đều thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Ông Lò Văn Hom, Trưởng Ban công tác Mặt trận bản Kéo Đứa, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, cho biết: “Chúng tôi cũng tuyên truyền nhiều, nhận thức bà con cũng kém, thoát nghèo cũng khó. Bà con không phát huy được, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của bà con vẫn còn. Bà con ít học, áp dụng khoa học kỹ thuật thấp, theo tiêu chí mới thì tỷ lệ hộ nghèo lại ngày càng cao hơn”.

Tuy nhiên, nếu nói việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo ở xã Chiềng Sơ chỉ gặp khó khăn thì hoàn toàn không chính xác. Bởi trên địa bàn xã đang có khoảng 10 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập khá, có thể kể đến như các mô hình nuôi trâu bò vỗ béo, nuôi vịt cổ ngắn và nuôi lợn theo hướng thương phẩm tại một số bản như: Nà Muông, Háng Tàu, bản Cang, Pá Nậm hay Háng Pa.

1
Việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao tại xã Chiềng Sơ luôn gặp khó, nguyên nhân xuất phát từ trình độ nhận thức của người dân và chính tư tưởng trông chờ, ỷ lại của rất nhiều hộ nghèo trong xã.

Các mô hình này đều được Nhà nước hỗ trợ con giống, thức ăn và người dân được hướng dẫn chăn nuôi theo phương thức mới. Nhưng việc nhân rộng các mô hình này tại xã Chiềng Sơ luôn gặp khó, nguyên nhân xuất phát từ trình độ nhận thức của người dân và chính tư tưởng trông chờ, ỷ lại của rất nhiều hộ nghèo trong xã.

Đứng trước những tồn tại khó khăn xuất phát từ thực tiễn, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của xã Chiềng Sơ xác định cần phải quyết liệt hơn trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã, nhằm đẩy mạnh cuộc cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tìm ra cách làm thay đổi nhận thức và tư duy của phần đa người dân trong xã.

Theo ông Lường Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa cán bộ xã đi học tập, sau đó về tuyên truyền cho người dân, làm sao đưa được nhiều mô hình vào thực tế. Có thể như chăn nuôi trâu bò, chuyển đổi cây sắn hoặc cây lấy bột khác không có giá trị kinh tế cao sang trồng cây ăn quả, tăng thu nhập cho bà con”.

Thực tế của xã Chiềng Sơ cũng là tình trạng chung ở huyện Điện Biên Đông. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền địa phương là cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt và đổi mới hơn nữa trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

 

 

Bùi Quang - Anh Tuấn/DIENBIENTV.VN
 

.