Hệ lụy từ những lao động nông thôn đi làm ăn xa
Điện Biên TV - Những năm gần đây, do đất canh tác ít, bạc màu, cuộc sống khó khăn nên nhiều lao động nông thôn ở các bản vùng cao trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã lựa chọn rời quê hương đi làm ăn xa, với mong muốn có tiền trang trải cuộc sống tốt hơn. Nhưng phía sau những chuyến đi làm ăn xa là câu chuyện được và mất đến nao lòng.
Bản Phù Lồng, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông có trên 100 hộ dân, đều là đồng bào Mông sinh sống. Những năm qua mặc dù được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng Nhà nước, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, số hộ đói nghèo còn cao.
Bởi kinh tế của người dân bản Phù Lồng đều dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó đất canh tác ít và chủ yếu là đất nương dốc, bạc màu nên dù cố gắng lao động vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn, còn năm nào thời tiết không thuận lợi mất mùa thì chỉ có thể trông chờ vào những cân gạo cứu đói của Nhà nước, không biết lấy gì để cải thiện cuộc sống.
Đời sống người dân Bản Phù Lồng, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông còn nhiều khó khăn |
Anh Hạng Vàng Pó, Trưởng bản Phủ Lồng, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, Điện Biên cho biết: “Những năm gần đây bản chúng tôi được Đảng Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều công trình nông thôn đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Tuy nhiên về nguồn thu nhập thì người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi vì ở vùng cao này ruộng ít, đất canh tác chủ yếu là nương dốc, bạc màu nên chỉ có thể trồng được lúa, sắn và rong giềng nhưng cũng chỉ được 1-2 vụ đầu và cố gắng thì cũng chỉ đủ ăn.
Vì vậy để có thêm thu nhập và có điều kiện làm được nhà cửa kiên cố thì hiện nay nhiều thanh niên trong bản đã đi làm thuê tại các công ty, nhà máy ở dưới huyện, tỉnh và các tỉnh miền xuôi cũng như đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều”.
Những năm gần đây, số lao động ở các bản vùng cao rời quê hương đi làm ăn xa đã ngày càng trở nên phổ biến. Đó cũng vì cuộc sống nông thôn nơi vùng cao gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, mà đất canh tác ít, bạc màu, trong khi đó những nhu cầu thiết yếu như điện thoại, phương tiện đi lại và mong muốn có nhà cửa kiên cố, có tiền nuôi con cái ăn học và trăm thứ chi tiêu đều cần đến tiền... thì việc lao động nông thôn đi làm ăn xa tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng là tất yếu, là chính đáng không thể phủ nhận. Và thực tế nhiều lao động nông thôn từ việc đi làm ăn xa đã giúp gia đình có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói nghèo. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, thì việc lao động nông thôn đi làm ăn xa đã để lại nhiều hệ lụy và ít ai lường tới những rủi ro, bất trắc.
Thăm gia đình chị Cứ Thị Tông (gia đình nạn nhân Hạng A Sở bị thiệt mạng trong vụ nổ mìn tại mỏ khai thác đá của Công ty TNHH Hoàng Anh ở Na Ư, huyện Điện Biên), dù đã gần một tháng nay kể từ ngày chồng mất, nhưng ngôi nhà chị vẫn u ám nỗi buồn mất mát chưa thể nguôi.
Theo chị cho biết: vì cuộc sống gia đình khó khăn, lại mới chuyển nhà sang bên bản này nên chưa có đủ tiền làm nhà kiên cố, vì vậy chồng mới tranh thủ đi làm cho công ty khai thác đá sau nghỉ dịch Covid-19, nhưng không may mới chỉ đi làm được vài ngày thì tai nạn ập đến cướp đi vĩnh viễn tính mạng của người chồng.
Chị Cứ Thị Tông, Bản Phủ Lồng, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: “Vợ chồng tôi chuẩn bị bao nhiêu năm nay mới có được những cột, xà đó đủ để dựng cái nhà, nhưng vì đang thiếu tiền thuê nhân công dựng nhà nên chồng tôi mới đi làm thuê để có tiền cuối năm nay dựng nhà, nhưng chồng vừa đi làm được 13 ngày thì gặp nạn. Giờ chỉ còn 3 mẹ con tôi, 2 con thì còn quá nhỏ, tôi không biết phải làm sao để sống tiếp ...”.
Gia đình chị Cứ Thị Tông, Bản Phủ Lồng, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông đã mất đi người trụ cột trong gia định do bị tai nạn lao động |
Ước mơ có tiền dựng nhà kiên cố vẫn còn dang dở, nhưng người chồng thì đã ra đi mãi mãi, để lại người vợ và 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn, khiến cuộc sống gia đình chị Tông vốn khó khăn, nay lại càng thêm bế tắc khi thiếu đi trụ cột chính trong gia đình.
Không chỉ gia đình chị Tông, những năm gần đây trên địa bàn xã Pu Nhi đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong do đi làm ăn xa, chỉ tính riêng trong tháng 6 năm 2020 này xã Pu Nhi đã xảy ra ít nhất 2 trường hợp thiệt mạng do bị tai nạn lao động trong khi đi làm ăn xa và đều là những lao động còn rất trẻ.
Cũng bởi cuộc sống khó khăn nên nhiều thanh niên tuổi lao động ở các bản vùng cao xã Pu Nhi nói chung và bản Phù Lồng nói riêng, đã phải dứt lòng rời gia đình, quê hương đi làm ăn xa. Chỉ tính riêng ở bản Phù Lồng, đã có gần 30 lao động đi làm tại các Công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Anh Hạng A Dính cũng là một trong những thanh niên ở bản đã từng đi làm tại nhiều Công ty, nhà máy trong khu vực tỉnh Điện Biên và Hà Nội… tuy thu nhập 1 tháng cũng được từ 4 đến 8 triệu đồng, tùy vào từng công việc nhưng cũng chỉ làm theo mùa vụ và thường là những công việc nặng nhọc, như bốc vác, phụ xây... rất dễ gặp rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng.
Anh Hạng A Dính, Bản Phủ Lồng, xã Pu Nhi huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: “Cũng vì cuộc sống khó khăn ở bản không biết làm gì để kiếm ra tiền, vì nương rẫy thì ít, đất lại bạc màu nên sau 1 năm thu hoạch giỏi lắm thì cũng chỉ đủ ăn. Vì vậy, tôi cũng như nhiều người trong bản mới đi tìm việc làm thuê ở xa để có tiền trang trải cho cuộc sống và nuôi con cái ăn học.
So với việc làm nương rẫy thì đi làm thuê có thu nhập cao hơn nhưng công việc thì cũng rất nặng nhọc và cũng phải biết tiết kiệm thì mới giữ được tiền về giúp gia đình, bởi vì đi làm xa nhà cũng nhiều thứ phải chi tiêu nên nhiều người không biết giữ đến khi về còn không có đồng nào mang về..."
Cuộc sống của người dân Bản Phủ Lồng, xã Pu Nhi huyện Điện Biên Đông vẫn còn nhiều khó khăn, số hộ đói nghèo còn cao. |
Anh Hạng Vàng Pó, Trưởng bản Phủ Lồng, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, Điện Biên cho biết: “Người dân chúng tôi rất mong muốn có những việc làm mang lại hiệu quả và tạo được nguồn thu ngay tại địa phương, để giúp giảm được số lao động đi làm ăn xa, tránh được những rủi ro đáng tiếc xảy ra...
Như thực tế tôi thấy, số lao động ở bản đi làm thuê thì 1 số người khi trở về cũng có khoản tiền về giúp gia đình sửa sang lại nhà cửa, có cuộc sống khá hơn, nhưng trong đó cũng có không ít những trường hợp đi làm ăn xa về vợ chồng lại xích mích, đòi bỏ vợ, bỏ con hay dính vào ma túy, nghiện hút… khiến cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn hơn”.
Vì miếng cơm manh áo và vì mong muốn có cuộc sống no đủ hơn nên những lao động nông thôn đành chấp nhận rời quê hương, gia đình đi làm ăn xa với nhiều rủi ro bất trắc. Với họ, cũng chỉ mong muốn có những cây, con giống thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao để đưa vào gieo trồng, chăn nuôi, sản xuất hoặc có nhiều những công ty, nhà máy ngay trên địa bàn tỉnh để người dân có việc làm, có thu nhập ổn định giúp xóa đói nghèo, ổn định cuộc sống./.
Giàng Ly – A Di/DIENBIENTV.VN