Nguy cơ tụt hậu của đồng bào Xinh Mun ở Điện Biên Đông

Thứ Ba, 23/07/2019, 07:43 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xinh Mun là một trong những dân tộc ít người cư trú lâu đời trên khu vực Tây Bắc Việt Nam. Họ sống tập trung ở hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Ở Điện Biên người Xinh Mun cư trú tại 9 bản thuộc xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông với dân số trên 2.000 người. Kinh tế chậm phát triển, phong tục tập quán chịu ảnh hưởng nhiều từ các dân tộc khác, cộng đồng người Xinh Mun vì vậy đang đứng trước nguy cơ tụt hậu.

Ở Việt Nam dân tộc Xinh Mun hiện có gần 24.000 người, riêng Điện Biên có hơn 2.000 người. Người Xinh Mun ở Điện Biên sống tập trung trên khu vực ven Sông Mã đoạn chảy qua xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông.

Bản làng người Xinh Mun nằm xen kẽ với các bản dân tộc Thái. Họ sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy, rất ít hộ có ruộng nước. Canh tác trên đất dốc, sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên nên năng suất trồng trọt, chăn nuôi của họ không cao, đời sống người dân tộc Xinh Mun ở Điện Biên Đông phần lớn rơi vào cảnh nghèo khó.

1
Đời sống người dân tộc Xinh Mun ở Điện Biên Đông phần lớn rơi vào cảnh nghèo khó.

Bản Nà Ly xã Chiềng Sơ nằm ngay đường quốc lộ từ huyện Điện Biên Đông đi sang huyện Sông Mã tỉnh Sơn La. Bản có 38 hộ dân, là người dân tộc Xinh Mun. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 38 hộ dân ở đây có tới 34 hộ nghèo. Nhìn vào nơi cư trú là những căn lều vách liếp của các hộ gia đình trong bản chúng ta có thể thấy phần nào đời sống khó khăn của họ. Người dân bản Nà Ly sống dựa vào gieo trồng trên nương rẫy.

Tập quán phá rừng làm nương và nhu cầu mở rộng diện tích canh tác nương rẫy hàng năm của họ, đã khiến những ngọn núi quanh đây không còn rừng che phủ. Gieo trồng theo lối quảng canh sản xuất phụ thuộc tự nhiên nên năng suất gieo trồng của họ không cao. Hơn nữa, vùng đất dốc này hàng năm đều bị xói mòn, rửa trôi ảnh hưởng lớn đến sản xuất lương thực và đời sống của người dân. Sản xuất nông nghiệp khó khăn, bà con dân bản cũng không có nghề phụ nên nguồn thu nhập hạn chế.

Được hưởng chính sách của 62 huyện nghèo, người dân Nà Ly không chỉ được Nhà nước hỗ trợ đời sống mà còn được hỗ trợ giống vật nuôi. Từ nguồn hỗ trợ này, mỗi gia đình có thêm từ 1 đến 2 con lợn hoặc dê, bò để chăn nuôi tăng thu nhập, tuy nhiên kỹ thuật chăn nuôi của bà con còn lạc hậu nên đàn gia súc không phát triển. Cho đến nay, cuộc sống của người Xinh Mun ở bản Nà Ly vẫn bị vây bủa bởi cái nghèo.

Ông Lò Văn Kim, Trưởng bản Nà Ly, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông cho biết: Bản có 38 hộ, chỉ có 4 hộ thoát nghèo. Người dân thì chủ yếu sản xuất nương rẫy, nhưng năng suất thấp nên các hộ vẫn nghèo đói. Nhà nước có hỗ trợ dê, bò, lợn nhưng người biết nuôi thì còn được, người không biết nuôi thì bị bệnh, chết hết. Cuộc sống của người dân thì rất khó khăn.

1
Nghèo đói, thất học khiến cơ hội phát triển của thế hệ trẻ người Xinh Mun ở đây bị hạn chế rất nhiều.

Cách bản Nà Ly không xa là bản Hin Óng. Bản có vài chục nóc nhà, nhưng cũng chỉ có một số hộ ở dựng được nhà sàn gỗ bền chắc. Bí thư chi bộ bản Hin Óng cho biết, bản này mới có 6 hộ thoát nghèo. Nương rẫy bạc màu, gieo trồng một vụ không đủ ăn, người dân lại không có nghề phụ, hết mùa nương đàn ông có sức khỏe thì đi làm thuê để thêm thắt sinh nhai, phụ nữ, người già thì chỉ quanh quẩn ở nhà, ở bản chịu đựng thiếu thốn.

Cuộc sống đói nghèo đeo đuổi họ từ đời này sang đời khác. Vì nghèo đói mà trẻ em trong bản cũng thiếu cơ hội để vươn lên. Bản Hin Óng và cả bản Nà Ly chúng tôi vừa đến, có cả trăm học sinh trong độ tuổi đến trường nhưng không có học sinh nào tốt nghiệp THPT. Nghèo đói, thất học khiến cơ hội phát triển của thế hệ trẻ người Xinh Mun ở đây bị hạn chế rất nhiều.

Ông LòVăn Bình, Bí thư chi bộ bản Hin Óng, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông cho biết: Người dân bản Hin Óng ít ruộng nước, chủ yếu làm nương mà nương đồi thì thường bị xói mòn, năng suất kém. Người dân ở đây cũng không có nghề phụ, chủ yếu đi làm thuê, cuộc sống khó khăn. Trẻ em đi học thì dù đến năm học mới Nhà trường cũng vận động, nhưng trẻ em chỉ học hết lớp 9, không có ai tốt nghiệp cấp 3. Nói chung vì nghèo đói nên người dân cũng không để ý đến các sinh hoạt văn hóa tinh thần.  

Tình trạng nghèo đói, khó khăn của người Xinh Mun ở các bản Nà Ly, Hin Óng cũng là tình trạng chung của cộng đồng người Xinh Mun sống ở 7 bản khác thuộc xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông. Nghèo đói, thất học khiến cho việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Xinh Mun ở Điện Biên Đông không được quan tâm.

Sống xen kẽ với các bản làng người Thái, từ nếp nhà tới các tập quán cưới hỏi, ma chay, người Xinh Mun đều chịu ảnh hưởng từ đồng bào dân tộc Thái. Trang phục truyền thống của họ hiện nay cũng không còn giữ được. Người Xinh Mun không có chữ viết, vì vậy người ta chỉ có thể nhận ra tộc người này qua tiếng nói của họ.  

Nghệ nhân Lò Văn Pháng ở bản Nà Ly là một trong số hiếm hoi những người Xinh Mun ở Chiềng Sơ còn biết rõ về các nghi lễ thờ cúng, phong tục, tập quán của dân tộc. Những bài hát dùng trong nghi lễ cầu an hay trong ma chay, cưới hỏi của dân tộc, cũng chỉ còn mình ông nhớ, thuộc. Ngày nay thế hệ trẻ người Xinh Mun không mấy người hiểu biết về phong tục, tập quán cha ông.

Vì vậy, mà ông Vì Văn Pháng càng tha thiết muốn trao truyền lại những hiểu biết của mình cho cộng đồng và nhất là cho các thế hệ kế tiếp. Một trong những nỗ lực của ông là cố gắng học cách ghi chép các bài hát cúng dân gian của người Xinh Mun bằng chữ cái la tinh để lưu truyền lại. Không thể phủ nhận những nỗ lực của người nghệ nhân già, tuy nhiên những nỗ lực của ông sẽ khó có kết quả, khi thế hệ trẻ bỏ dở học hành và không mấy quan tâm đến những kiến thức cổ xưa cha ông lại.

1
Vì nghèo đói mà trẻ em trong bản cũng thiếu cơ hội để vươn lên

Nghệ nhân Lò Văn Pháng, Bản Nà Ly, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông cho biết: Người xinh Mun thì có lễ cầu an, có lễ cơm mới, có lễ hoa ban. Trong các nghi lễ ma chay, cưới hỏi thì đều có bài hát, có tiếng sáo. Người Xinh Mun có trang phục truyền thống nhưng bây giờ thì không có nữa rồi. Dân tộc Xinh Mun không có chữ viết, chỉ dạy con cháu bằng truyền miệng. Mình học viết chữ để ghi chép lại nhưng cũng chưa làm được, các cháu thì mải đi làm ăn xa không ai học, không ai biết nữa.

Trong lịch sử phát triển của các cộng đồng dân tộc trên đất nước Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa truyền thống được đúc kết, tạo thành hệ thống nhân sinh quan, thế giới quan, chi phối tới hành động, cách ứng xử của mỗi con người trong cộng đồng xã hội. Các giá trị văn hóa truyền thống vì vậy có ý nghĩa quan trọng với việc gìn giữ sự ổn định và phát triển của cộng đồng các dân tộc. Tuy nhiên, phát triển kinh tế và văn hóa phải luôn đi đôi với nhau. Làm thế nào để đồng bào Xinh Mun gìn giữ và phát huy được các giá trị truyền thống, tạo động lực vươn lên cùng các dân tộc anh em ? Cho đến nay đây vẫn là câu hỏi gây không ít bối rối cho chính quyền địa phương.

Ông Lường Văn Liên, Cán bộ văn hóa xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông cho biết: Các bản người Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ kinh tế đều chậm phát triển, hộ nghèo cao, vì vậy mà ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần. Nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào đang dần mai một, khi xã có các hoạt động văn hóa, bà con các bản người Xinh Mun cũng ít tham gia.
 
Dân tộc Xinh Mun là dân tộc có lịch sử phát triển lâu đời và có nét văn hóa riêng trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Do kinh tế chậm phát triển, đói nghèo, lac hậu khiến họ rơi vào nguy cơ mai một về văn hóa, tụt hậu về kinh tế. Ðể giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xinh Mun được gìn giữ và phát triển, rất cần có những chính sách phù hợp để tạo ra đổi thay về đời sống vật chất cũng như tinh thần và ý thức cho đồng bào. Phát triển văn hóa và kinh tế luôn phải đi đôi với nhau, có như vậy, văn hóa mới thực sự trở thành động lực giúp cộng đồng các dân tộc Xinh Mun nói riêng và các dân tộc ít người ở Điện Biên nói chung vươn lên phát triển bền vững./.


                                                                           

 

Minh Giang – Trọng Lâm/DIENBIENTV.VN

.