Lưu giữ nét đẹp gói bánh chưng ngày Tết
Điện Biên TV - Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những chiếc bánh chưng xanh không chỉ nhắc nhở mọi người về một sản vật đặc trưng cho hương vị Tết của dân tộc. Ngày Tết, cùng nhau quây quần gói bánh chưng là để duy trì một nét đẹp văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời. Ở tỉnh Điện Biên cũng vậy, trong nhịp sống hiện đại hối hả nhưng phong tục gói bánh chưng vẫn được gìn giữ và tiếp nối.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, gia đình chị Đỗ Thị Hải, thôn C1, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên quây quần gói bánh chưng |
Đã thành thông lệ, cứ đến những ngày giáp Tết Nguyên đán, gia đình chị Đỗ Thị Hải ở thôn C1, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên lại quây quần cùng nhau gói bánh chưng. Mỗi người một việc, các thành viên trong gia đình đã tự tay chuẩn bị những nguyên liệu tốt nhất, để gói những chiếc bánh thơm ngon dâng lên bàn thờ tổ tiên; đồng thời cùng nhau thưởng thức sản vật đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền.
Chị Đỗ Thị Hải, thôn C1, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, chia sẻ: “Gói bánh chưng tết là một nét đẹp văn hóa dân tộc truyền thống của gia đình tôi, để gói được nồi bánh chưng chuẩn vị và ngon thì đòi hỏi gạo phải thật là ngon, thịt lợn phải là thịt lợn ba chỉ có cả nạc, cả mỡ thì bánh mới ngậy. Mình giã lá riềng, lấy nước cốt, trộn với gạo thì khi luộc lên bánh sẽ có mùi thơm và màu xanh rất đẹp mắt.”
Cùng gia đình gói những chiếc bánh chưng xanh khi Tết đến, Xuân về, bé Lê Thị Hồng Quyên, thôn C4, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên được bố mẹ giao cho việc lau lá dong và đặt từng chiếc bánh chưng đã được gói cẩn thận vào nồi. Dù chỉ là công việc nhỏ tham gia giúp đỡ các thành viên trong gia đình, nhưng với Quyên, đây là trải nghiệm để thêm yêu thương gắn bó với gia đình.
“Vào những dịp tết đến xuân về nhà con thường gói bánh chưng để thắp hương, con cũng mong được giúp một phần nho nhỏ để gói bánh. Con rất vui khi được làm những công việc này”.- Em Lê Thị Hồng Quyên, thôn C4, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, nói.
Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đưa hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng trở thành hoạt động thường niên. |
Với mỗi người dân Việt Nam, cứ vào mỗi dịp Tết cổ truyền, trong nhà không có sự xuất hiện của những chiếc bánh chưng thì chắc hẳn sẽ thiếu đi cả không khí Tết. Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều phong tục truyền thống đã phần nào bị mai một, nhưng tục gói bánh chưng ngày Tết vẫn được gìn giữ.
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đưa hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng trở thành hoạt động thường niên, giúp con trẻ hiểu thêm về ngày Tết truyền thống, về tục gói bánh chưng; giúp các em biết trân trọng, gìn giữ và tiếp nối giá trị văn hoá truyền thống
Cô giáo Từ Thị Thu, Trường Mầm non Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ, cho biết: “Hàng năm trường thường tổ chức ngày tết yêu thương đó là một hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa nhân văn để giúp các em biết về cội nguồn của dân tộc. Qua đó, hình thành cho trẻ những tình cảm yêu thương, yêu quý và tự hào, biết giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam”.
Bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam; bánh chưng cũng chính là biểu chưng về sự sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh chưng xanh đã trở thành biểu tượng ẩm thực truyền thống của cả dân tộc Việt Nam và được bạn bè khắp năm châu biết tới. Dù nhịp sống hiện đại có hối hả và bận rộn hơn, nhưng truyền thống văn hóa từ phong tục gói bánh chưng ngày Tết vẫn được trao truyền, tiếp nối giữa các thế hệ.
Thu Nga – Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN