Giải pháp bền vững nào cho cây trồng Điện Biên?
Điện Biên TV - Được mùa mất giá, được giá mất mùa; trồng rồi lại chặt, chặt rồi lại trồng, cây trồng Điện Biên đang trong vòng luẩn quẩn này từ nhiều năm nay. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là đầu ra tiêu thụ nông sản không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Điện Biên cần phải có định hướng lâu dài và bài bản cho cây trồng Điện Biên phát triển bền vững.
Xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo có diện tích trồng cây sơn tra lớn nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên với hơn 150ha. Nhiều năm trước, cây sơn tra được coi là cây trồng chủ lực của địa phương này, khi mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân vùng cao. Trong khi đó, người trồng sơn tra không phải lo đầu ra tiêu thụ, bởi tư thương đến tận vườn thu mua, thế nên diện tích trồng cây sơn tra tăng đều qua các năm. Nhưng vài năm trở lại đây, câu chuyện này đã khác.
Những cây sơn tra trồng được từ 5 đến 7 năm, thậm chí là hơn 10 năm đã bị chặt ngổn ngang, có gốc thì đã mục, có gốc thì vừa mới chặt vẫn còn chảy nhựa. Những cây chưa bị chặt thì quả rụng đầy gốc. Nguyên nhân chính là do việc tiêu thụ quả sơn tra gặp rất nhiều khó khăn. Được mùa mất giá, thậm chí là mất mùa cũng không được giá, thế nên đây là lý do tại sao người dân ở đây không còn mặn mà với cây trồng này.
“Trước đây gia đình tôi trồng hơn 2 ha cây táo mèo. Nhưng nay do giá bán táo mèo thấp, thậm chí bán không được nên tôi đã chặt đi nhiều cây táo mèo, hiện còn 1ha. Nếu giá như hiện tại thì gia đình tôi sẽ chặt hết để chuyển sang cây trồng khác.” - anh Mùa A Minh, bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, cho biết.
Nhiều hộ dân tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo chặt bỏ cây sơn tra do cây trồng này hiện không mang lại hiệu quả kinh tế. |
Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo được thành lập năm 2021, chuyên sản xuất các sản phẩm từ quả sơn tra như: Giấm táo mèo, táo mèo khô sấy lạnh, mứt táo mèo… Trong đó có 2 sản phẩm là táo mèo khô sấy lạnh và giấm táo mèo được UBND tỉnh xếp loại 3 sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hợp tác xã được thành lập với kỳ vọng là nơi tiêu thụ quả sơn tra cho bà con trong xã, thế nhưng hiện nay việc hoạt động cũng không được thuận lợi.
Mặc dù đang là mùa thu hoạch quả sơn tra nhưng Hợp tác xã vẫn cửa đóng then cài, máy móc chất đầy trong kho. Nguyên nhân vẫn là do làm ra nhưng không tiêu thụ được sản phẩm. “Một số sản phẩm khi đưa ra thị trường lượng tiêu thụ rất ít, chủ yếu trên địa bàn tỉnh và số ít tại Hà Nội. Hiện Hợp tác xã đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm.” - chị Mùa Thị Hoa, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tây Bắc, thông tin.
Trên thực tế, trước đây đã có nhiều bài học từ việc phá bỏ các cây trồng chủ lực ở địa phương để trồng ồ ạt các loại cây trồng khác. Hậu quả là nông sản thừa, ế, không có đầu ra hoặc bị tư thương ép giá.
Huyện Mường Ảng, địa phương được coi là thủ phủ cà phê của tỉnh Điện Biên cũng có chung thực trạng này. Với điệp khúc được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, thậm chí là mất mùa, mất giá diễn ra trong nhiều năm. Và kết quả là nhiều người dân đã quyết định chặt hoặc bỏ không chăm sóc cà phê. Thực trạng trên đã diễn ra cách đây 4,5 năm về trước, nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng và diện tích trồng cà phê của huyện.
Xác định cây cà phê là cây công nghiệp chủ lực giúp địa phương thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn, việc làm cho người dân trên địa bàn và các huyện lân cận, huyện Mường Ảng đã và đang triển khai nhiều giải pháp giúp người dân yên tâm gắn bó với cây cà phê và có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Cây cà phê tại Mường Ảng cũng từng rơi vào tình trạng: được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, thậm chí là mất mùa - mất giá. |
Để vận động người dân mở rộng diện tích trồng cà phê, sau khi rà soát diện tích trồng và thay thế những diện tích đã già cỗi, năm 2024 địa phương này đã và đang tận dụng kinh phí từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ bà con các thôn bản về giống, phân bón, kỹ thuật trồng. Huyện đang phấn đấu trồng đạt 600ha, nâng tổng diện tích cà phê toàn huyện lên gần 3 nghìn ha.
Để phát triển bền vững và phát huy giá trị của cây cà phê thì nhiệm vụ đang đặt ra cho địa phương hiện nay chính là xây dựng thương hiệu. Theo đó huyện đang hoàn thành xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cà phê Mường Ảng. Có chỉ dẫn địa lý thì cà phê Mường Ảng có thể xuất khẩu một cách chính danh mà không cần phải thông qua các vùng nguyên liệu khác. Đây không chỉ tín hiệu vui cho người dân trồng cây cà phê trên địa bàn, mà còn là cơ sở nền tảng để ngành sản xuất, chế biến cà phê ở huyện Mường Ảng phát triển sau nhiều năm thăng trầm.
Toàn huyện Mường Ảng hiện có hơn 2.300ha cà phê, sản lượng ước đạt khoảng 2.700 tấn cà phê thóc, tương đương hơn 13 nghìn tấn cà phê tươi. Thế nên, một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đối với chính quyền địa phương chính là giải quyết đầu ra tiêu thụ ổn định và lâu dài của sản phẩm cà phê. Đó chính là vấn đề sống còn của cây công nghiệp này. Ngoài đưa Nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu với diện tích gần 3ha tại khu công nghiệp của huyện vào hoạt động đã tạo niềm tin để người dân, chủ vườn yên tâm chuyên canh cây cà phê thì chính quyền địa phương cũng đang tích cực kết nối, quảng bá sản phẩm và kêu gọi đối tác đầu tư tiêu thụ sản phẩm cà phê.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng, cho biết: “Huyện đặc biệt quan tâm vấn đề bao tiêu sản phẩm, tìm đầu ra cho nhân dân. Hiện nay, huyện đã có nhà máy sản xuất cà phê ướt, chúng tôi ưu tiên các cơ sở chế biến được công nhận OCOP chế biến sâu, giúp các cơ sở tìm kiếm thị trường để tiêu thụ trong và ngoài nước.”
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã và đang trồng nhiều loại cây công nghiệp được kỳ vọng mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tránh để tiếp diễn như thực trạng cây sơn tra, cà phê trước đây, thì rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các sở ngành liên quan trong việc định hướng, liên kết từ khâu chọn cây trồng, chọn giống, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản. Nhất là trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, cần phải có sự kết hợp và liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà “nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học”. Những giải pháp căn cơ và quan trọng đó sẽ là yếu tố giúp nông sản Điện Biên phát triển bền vững và tiêu thụ ổn định hơn./.
Trần Quỳnh - Anh Tuấn/DIENBIENTV.VN