Điện Biên

Sản xuất lúa chất lượng cao trên cánh đồng Mường Thanh

Chủ Nhật, 17/05/2020, 19:59 [GMT+7]

Điện Biên TV - Là vựa lúa lớn nhất khu vực Tây Bắc với diện tích trên 140km2, cánh đồng Mường Thanh nằm trọn trong lòng chảo Điện Biên với điều kiện tự nhiên thuận lợi, đã đem lại nguồn lương thực dồi dào. Để tạo ra thương hiệu gạo thơm ngon nổi tiếng như hiện nay là một quá trình trau dồi kinh nghiệm và thay đổi tư duy sản xuất của người dân trên cánh đồng Mường Thanh.

Việc đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất là cách mà người dân lòng chảo Điện Biên đã và đang thực hiện nhằm tạo ra các sản phẩm gạo chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm gạo Điện Biên. Tuy nhiên, bên cạnh lựa chọn giống phù hợp thì việc áp dụng kĩ thuật vào các khâu sản xuất cũng là yếu tố quyết định làm nên một sản phẩm chất lượng. Từ đó, người dân khu vực lòng chảo Điện Biên đã từng bước áp dụng kĩ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất thay thế cho phương thức sản xuất truyền thống, và đem lại những hiệu quả tích cực.

Hằng năm lượng lương thực từ cánh đồng mường thanh sản xuất ra là rất lớn với chất lượng gạo đã trở thành thương hiệu. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tình trạng lúa lẫn, lúa tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng và chất lượng gạo.  Trước tình hình đó, người dân đã dần thay đổi nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống lúa, áp dụng khoa học kĩ thuật nhằm tìm một hướng đi mới cho cây lúa.

1
Từ khi các hộ dân tham gia mô hình một giống thì năng suất, chất lượng lúa gạo được nâng lên đáng kể

Các giống lúa chất lượng như Séng cù, Bắc thơm số 7 đã được gia đình anh Lò Đức Hạnh, đội 15, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đưa vào sản suất trong mấy năm trở lại đây. Tuy nhiên, do xuất hiện lúa tạp, lúa lẫn đã làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo của gia đình, khiến việc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường gặp khó khăn. Từ khi tham gia mô hình một giống, được tiếp cận, sử dụng máy cấy và tuân thủ quy định: cấy cùng một giống trên diện tích đăng ký, thời gian gieo cấy và khi bón phân, làm cỏ cũng cùng kỳ, thì năng suất, chất lượng lúa gạo của gia đình được nâng lên đáng kể.

Ông Lò Đức Hạnh, Đội 15, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: “Trước đây gia đình gieo theo cách truyền thống thì tình trạng lúa tạp rất nhiều, sâu bệnh cũng nhiều nên chất lượng gạo không được như mong muốn, thương lái họ cũng không thích. Sau khi được nhà nước quan tâm xây dựng mô hình cánh đồng một giống thì đưa máy cấy vào sử dụng thì chất lượng, năng suất tăng lên đáng kể, giảm hẳn lúa tạp”

Mô hình một giống tại xã Thanh Xương đã thu hút gần 100 hộ dân tham gia với tổng diện tích khoảng 20ha. Mô hình được chia làm hai khu, chủ yếu cấy 2 giống chất lượng cao là Séng cù và Nam Hương 4. Từ khi tham gia mô hình người dân đã cùng áp dụng đồng loạt các biện pháp kỹ thuật trên toàn diện tích ngay từ đầu vụ như: Cấy tập trung bằng máy, bón phân, điều tiết nước, phun thuốc bảo vệ thực vật... Tỷ lệ lúa lẫn, cỏ dại giảm tới gần 90% so với diện tích ngoài mô hình; cây lúa sinh trưởng đều, trổ bông tập trung.

Người dân tham gia mô hình còn được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật thu hoạch, sơ chế để lúa không bị lẫn tạp, bảo đảm yêu cầu của đơn vị thu mua. Việc áp dụng máy cấy trong mô hình đã góp phần kiểm soát tốt sinh vật gây hại như: Thời gian xuất hiện muộn, mức độ gây hại thấp hơn so với ngoài mô hình; xuất hiện theo lứa tập trung cho nên việc triển khai phun trừ được đồng loạt, hiệu quả phòng trừ cao hơn.

1
Vụ đông xuân năm nay, vùng lòng chảo Điện Biên gieo cấy hơn 3.500ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm gần 82%

Ông Lò Văn Bun, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp, Dịch vụ Thanh Xương cho biết: “Khi áp dụng mô hình này thì mục tiêu chính áp dụng là do cái đồng đất của huyện Điện Biên nói chung và xã Thanh Xương nói riêng bị lẫn tạp rất nhiều, thì các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện cũng đưa cái máy cấy vào thử thì vụ này là vụ thứ 4 rồi thì thấy cái việc khử tạp chiếm đến 90%. Từ những cái đấy giảm chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, cái thứ hai là chi phí về công khử tạp giảm rất là nhiều, năng suất được tăng lên, lúa đảm bảo chất lượng”

Vụ đông xuân năm nay, vùng lòng chảo Điện Biên gieo cấy hơn 3.500ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm gần 82%, chủ yếu là giống Bắc Thơm số 7, Han Na, Séng cù và Nếp 86. Điều đó cho thấy, các giống lúa chất lượng cao được người dân khu vực lòng chảo ưu tiên, lựa chọn. Tuy nhiên chỉ khi áp dụng kĩ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp thì chất lượng các giống lúa chất lượng cao mới được nâng lên rõ rệt.

Hiện nay các mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mô hình cánh đồng một giống ngày càng thu hút người dân tham gia. Từ việc áp dụng kĩ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tăng giá trị sản phẩm lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh, khẳng định vị thế,  thương hiệu gạo Điện Biên trên thị trường trong và ngoài tỉnh./.

 

Thu Nga – Quang Hùng/DIENBIETV.VN

.