Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến vào các dự thảo Luật

Thứ Tư, 07/05/2025, 20:19 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chiều 7/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh đánh giá dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu đồng tình với nội dung quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, đồng thời giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng làm việc trong hệ thống chính trị - xã hội. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn chính sách trọng dụng và đãi ngộ cũng như nguồn lực tài chính để thực hiện việc này.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng dự thảo Luật mới chỉ quy định Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội là chưa đầy đủ. Đề nghị bổ sung nội dung Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng là công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và trong tổ chức cơ yếu vào khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật. 

Về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ liên quan đến tiền lương của cán bộ, công chức, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành đó là cán bộ, công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Trong phiên thảo luận, ĐBQH tỉnh cũng đánh giá cao quy định đánh giá công chức căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao của tháng, quý, 6 tháng thể hiện bằng số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm. Đây là cách tiếp cận hiện đại của dự thảo Luật, chuyển từ các tiêu chí định tính sang tiêu chí định lượng như kiểu KPI của khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo Luật đang quy định theo hướng công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm hay 2 năm liên tiếp đều có thể bị cho thôi việc.

Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị quy định theo hướng đối với công chức xếp loại đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong 1 năm thì cơ quan quản lý công chức xem xét, bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn. Trong trường hợp không có vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn phù hợp để sắp xếp thì cơ quan quản lý công chức xem xét cho thôi việc. Đối với công chức có 2 năm liên tiếp xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc, có như vậy mới chặt chẽ và đảm bảo quyền lợi của công chức.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.
Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Về thời hiệu xử lý kỷ luật, dự thảo Luật quy định thời hiệu 5 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, 10 năm đối với hành vi vi phạm khác và không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp. Theo đại biểu Tạ Thị Yên, nên quy định theo hướng không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với tất cả các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức để đảm bảo tính răn đe.
Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Lò Thị Luyến cho biết dự thảo Luật quy định việc phân loại đơn vị hành chính phải dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, miền núi, hải đảo. Tuy nhiên, quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, dự thảo Luật mới đề cập đến bảo đảm phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, chưa tính đến đặc điểm của miền núi. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương phải bảo đảm phù hợp với đặc điểm của miền núi vào dự thảo Luật.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã. ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí với chủ trương bổ sung quy định này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, để chặt chẽ đề nghị làm rõ trường hợp cần thiết và bổ sung nguyên tắc áp dụng quy định này, tránh tình trạng lạm quyền, can thiệp không cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cấp nào làm cấp đó chịu trách nhiệm.

Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán, thuyết minh cụ thể hơn về lý do, cơ sở của việc đề xuất số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã như trong dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, việc đề xuất số lượng đại biểu HĐND cần bảo đảm tương quan giữa các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp và các đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp, đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND trong giai đoạn hiện nay.

 

 

CTV Mai Hồng/DIENBIENTV.VN

 

.