Những ai vi phạm chưa bị "lộ", hãy tự giác nhận lỗi trước Đảng, trước Nhân dân

Thứ Hai, 29/06/2020, 06:43 [GMT+7]

Cán bộ, đảng viên tự nhận lỗi, biết đề xuất mức độ kỷ luật, biết từ chức cũng là hình thức nêu gương trong Đảng và trong Nhân dân.

Bình luận về những sai phạm của cán bộ, đảng viên giữ trọng trách cao trong Đảng thời gian qua, ông Lê Truyền – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc chỉnh đốn Đảng đã mang lại những kết quả tích cực, nhiều mặt công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh và có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua các cuộc chỉnh đốn Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái, tham nhũng, tiêu cực đã bị xử lý với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có hạ cánh an toàn”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13, ông Lê Truyền nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng....

1
Ông Lê Truyền – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tiêu cực, tham nhũng bắt nguồn từ buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát

"Chưa có nhiệm kỳ nào như nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ra nhiều quyết định, quy định rất cụ thể về vấn đề nội bộ để công khai trước nhân dân, như nhận dạng những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hay vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng về xây dựng nội bộ mọi mặt sao cho trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong tình hình mới".

Ông Lê Truyền nêu thực tế, đồng thời nhấn mạnh: Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Tuy rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, số lượng cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật không phải ít, song theo ông Lê Truyền, năng lực tự phát hiện và xử lý sai phạm từ trong nội bộ sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng ở một số cấp ủy vẫn là khâu yếu, các sai phạm bị phát hiện chủ yếu từ các cơ quan chuyên trách, từ dư luận nhân dân và từ thông tin phản ánh của báo chí.

Nguyên nhân là do ý thức tự giác, tinh thần tự phê bình của đảng viên không được thực hiện một cách nghiêm túc nên những hiện tượng tiêu cực khi đang ở dấu hiệu manh nha, mầm mống chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Trong nội bộ tập thể đảng viên còn biểu hiện dĩ hòa vi quý, đóng cửa bảo nhau, nể nang đã tạo điều kiện cho những yếu tố tiêu cực phát sinh, nên còn nhiều người mắc vi phạm mà chưa bị “lộ”.

“Nếu tổ chức Đảng làm thật nghiêm, tinh thần tự giác thật cao, từng cá nhân phát huy tinh thần trách nhiệm kiểm soát lẫn nhau và tự kiểm soát chính mình thì tất cả những tiêu cực sẽ được hạn chế. Thực tế cho thấy, những tiêu cực, lãng phí, tham nhũng đều bắt nguồn từ những nơi buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát ”- ông Lê Truyền nhấn mạnh.

Những ai vi phạm chưa bị “lộ”, hãy tự giác nhận lỗi trước Đảng, trước Nhân dân

Theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong thực tế, việc phát huy vai trò của nhân dân nhiều mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chưa tương xứng với mong muốn của nhân dân.

Ở cơ sở, người dân còn né tránh, e ngại trong việc góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên, không dám tố giác tham nhũng, tiêu cực. Trong tổ chức cơ sở Đảng, không phải ai cũng dũng cảm nói ra những tiêu cực trong nội bộ, vì vẫn còn tâm lý ngại va chạm, sợ khi nói ra sẽ bị lực lượng khác phản đối, bị trù úm, thậm chí bộ phận có chức có quyền có thể trù dập, dùng quyền hành của họ để làm cho những ý kiến đó bị thui chột đi.

Theo ông Lê Truyền, nếu tập hợp được đầy đủ tiếng nói của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thì sẽ tạo được nguồn lực rất lớn về trí tuệ, tạo cả áp lực xã hội để “tuyên chiến” với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó phải có cơ chế cụ thể và các biện pháp bảo vệ người tố cáo trong trường hợp họ bị trả thù, trù dập.

Trong sinh hoạt tập thể, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tự giác, tính chiến đấu, chân thành, thẳng thắn phản ánh những thói hư, tật xấu, những tiêu cực của đồng chí mình và bản thân mình. Làm sao tiếng nói phản ánh tiêu cực trở thành tiếng nói của số đông để tạo ra lực lượng, tạo ra xu hướng thì mới đấu tranh, giải quyết được.

Và ngay trong chính sách cũng phải có sự rạch ròi, phân biệt giữa người bị phát hiện mắc sai phạm, khuyết điểm với những người tự khai báo khuyết điểm của mình với tổ chức để từ đó có mức xử lý cho phù hợp.

“Rạch ròi như vậy vừa tạo điều kiện, khuyến khích các đảng viên tự giác kiểm điểm, vừa nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trên vị trí công tác của mình” – ông Lê Truyền nói.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng vẫn đang trên tinh thần liên tục, không ngừng nghỉ. Những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII tạo tiền đề, cơ sở để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ đạt được kết quả tích cực hơn.

Theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhân dân mong muốn những ai nằm trong trường hợp vi phạm mà hiện nay chưa bị “lộ” thì hãy tự giác nhận lỗi với Đảng, với nhân dân. Việc này đòi hỏi tinh thần tự giác rất cao nhưng đây cũng chính là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

“Cán bộ, đảng viên tự nhận lỗi, biết đề xuất mức độ kỷ luật, biết từ chức cũng là hình thức nêu gương trong Đảng và trong nhân dân. Bằng tinh thần đấu tranh trong nội bộ tổ chức Đảng làm sao phát hiện được hết những biểu hiện tiêu cực đang bị che lấp bởi rất nhiều hình thức khác nhau như tham nhũng, lãng phí, giảm sút ý chí, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Làm sao đấu tranh, phát hiện kịp thời những đảng viên mắc sai phạm để xử lý nghiêm, góp phần làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh” – ông Lê Truyền nhấn mạnh./.

Link: https://vov.vn/chinh-tri/dang/nhung-ai-vi-pham-chua-bi-lo-hay-tu-giac-nhan-loi-truoc-dang-truoc-nhan-dan-1065033.vov

 

Theo Kim Anh/VOV

.