Hà Nội siết chặt quản lý rượu sau các vụ ngộ độc

Chủ Nhật, 12/03/2017, 08:46 [GMT+7]

Các vụ ngộ độc do uống rượu chứa cồn công nghiệp liên tiếp xảy ra ở Hà Nội buộc các nhà quản lý phải siết chặt kiểm tra cơ sở sản xuất và kinh doanh.

Siết chặt quản lý

Chỉ trong một tuần từ ngày 22 - 27/2, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 5 trường hợp ngộ độc rượu nặng. Theo kết quả xét nghiệm, nồng độ methanol trong máu bệnh nhân lên tới 318 mg/dL, trong khi chỉ ở ngưỡng 20 mg/dL là đủ để đe dọa tổn thương thần kinh.

Trước tình hình trên, Sở Y tế và Sở Công Thương Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu hoặc các dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bán rượu, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Sau một tuần ra quân, đoàn kiểm tra đã niêm phong 1.970 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiến hành xử phạt 18 cơ sở với số tiền gần 70 triệu đồng.

Việc thanh tra, kiểm soát chất lượng rượu được người tiêu dùng hoan nghênh và ủng hộ. Anh Phạm Khanh, công nhân xây dựng ở Tây Hồ, Hà Nội bộc bạch: “Từ dạo xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu, tôi sợ không dám uống nữa”. Đặt niềm tin vào sự thay đổi sau lần kiểm tra, chị Trần Ngọc Linh, chủ một quán ăn ở Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: “Rượu không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường đã lâu, nay đã đến lúc phải lập lại trật tự để bảo vệ vị thế của các sản phẩm có chất lượng”.
 
Trông chờ ý thức người dân

Trước tình trạng ngộ độc rượu tăng cao, việc thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu là hợp lý và kịp thời. Tuy nhiên việc này cần phải làm thường xuyên, tránh trường hợp chỉ làm đối phó rồi để đấy. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân là yếu tố rất quan trọng.

Hiện nay, nhiều hộ sản xuất lấy cớ tự cung tự cấp để “né” đăng kí giấy phép. Các cơ sở nấu rượu chật chội, bụi bẩn, các loại can, chai đều tận dụng từ các sản phẩm khác, thế nhưng rượu của họ vẫn được tuồn ra khắp nơi trên thị trường.

Điều đáng nói là chính người tiêu dùng cũng xuề xoà chấp nhận rượu “nút lá chuối” không tem không nhãn. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam nêu quan điểm: “Rượu cần sử dụng một cách có văn hóa, có ý thức trách nhiệm với bản thân và xã hội. Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền để người sử dụng đừng tham rẻ, người sản xuất đừng vì lợi nhuận mà gây nguy hại cho cộng đồng”./.

 

Theo VOV

.