Cấm xe máy để giảm ùn tắc ở Hà Nội: "Dục tốc bất đạt"?

Thứ Hai, 08/04/2019, 07:49 [GMT+7]

Khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ mà thực hiện cấm xe máy sẽ dẫn đến việc cấm chỗ này sẽ “phình” tắc chỗ khác, không giải quyết được bản chất ùn tắc.
 
Đó là nhận định của các chuyên gia giao thông, đô thị tại buổi tọa đàm “Cấm xe máy Hà Nội, giải pháp nào?” tổ chức ngày 4/4 vừa qua. Đi tìm câu trả lời cho nguyên nhân ùn tắc nghiêm trọng tại Hà Nội hiện nay, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, quá tải dân cư nội đô đang là thủ phạm chính.
 

1
Hà Nội vẫn liên tục ùn tắc kể cả không phải trong giờ cao điểm .


Còn khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ mà thực hiện cấm xe máy ở Hà Nội sẽ dẫn đến việc cấm chỗ này sẽ “phình” tắc chỗ khác, không giải quyết được bản chất ùn tắc.

Quá tải dân cư nội đô, gây áp lực lên hạ tầng

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, các quy hoạch trong đó có quy hoạch chung Hà Nội và quy hoạch giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều yêu cầu, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, vùng nội đô lịch sử gồm 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) chỉ có 80 vạn dân. Nhưng nay chưa đến mốc thời gian trên dân cư tại đây đã là 1,3 triệu, vượt 50 vạn dân- tương đương gần 40%.
 

1
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Cấm xe máy Hà Nội, giải pháp nào?”.


Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, việc hạn chế xe máy sẽ tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của một bộ phận người dân khu vực hạn chế và những người có nhu cầu đến, đi qua khu vực này. Vì vậy, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, xe buýt và đường sắt đô thị.

“Trong phạm vi hẹp, phải có hệ thống xe buýt với tần suất và thời gian hoạt động đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân cũng như dần tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện công cộng”, TS. Nghiêm nói.
 

1
Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, việc quá tải dân cư nội đô, gây áp lực lên hạ tầng giao thông.


Cũng theo TS. Nghiêm, để người dân từ bỏ xe máy, Hà Nội phải quyết tâm đầu tư vận tải hành khách công cộng phù hợp và theo đúng các quy hoạch đã được phê duyệt. Cùng đó, thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ về hạ tầng giao thông, bến xe, bãi đỗ xe cùng với sự vào cuộc quyết liệt trong tổ chức giao thông.

Cần có sự chuẩn bị kỹ cho phát triển vận tải hành khách công cộng đảm bảo tính kết nối và các giải pháp đồng bộ về tổ chức giao thông khu vực, hạ tầng bãi đỗ, điểm trông giữ xe, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn đường sắt đô thị, xe buýt nhanh thì đề án mới khả thi.

Đề cập đến lộ trình hạn chế xe máy tại các quận vào năm 2030 và phương án Sở GTVT sẽ chọn gần 10 tuyến phố trong đó có Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Cầu Giấy - Xuân Thủy…triển khai thí điểm trước, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để giảm được ùn tắc tại Hà Nội cần có giải pháp đồng bộ chứ không chỉ nhằm đến đối tượng là xe máy.
 

1
Để giảm được ùn tắc tại Hà Nội cần có giải pháp đồng bộ chứ không chỉ nhằm đến đối tượng là xe máy.


Theo ông, giải pháp đồng bộ ở đây phải là cùng hạn chế tất cả xe cá nhân (cả xe máy và ô tô); phân bố lại dân cư giữa nội và ngoại thành; thực hiện nghiêm túc quy hoạch của Thủ tướng…

Với hệ thống nhà cao tầng, từ năm 2010, Thủ tướng đã yêu cầu không xây nhà cao quá 10 tầng trong khu vực nội đô, nhưng qua thống kê, từ năm 2010 đến nay khu vực nội đô đã có 370 nhà cao trên 10 tầng mọc lên.
 
“Với các tuyến đường như Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy như hiện nay, ngoài mật độ lưu lượng phương tiện cao, đây còn là các tuyến đường hướng tâm, nếu chỉ chọn xe máy thì khó lắm, cấm sao được”, ông Nghiêm nói thêm.

Làm nóng vội sẽ dẫn đến cấm chỗ này sẽ “phình” tắc chỗ khác
 
Tại buổi tọa đàm, chuyên gia giao thông TS Lương Hoài Nam cho rằng, để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường và hướng đến đô thị văn minh, cần ủng hộ chủ trương cấm xe máy trong khu vực nội đô.
 

1
TS Lương Hoài Nam cho rằng, nếu hạ tầng chưa đồng bộ mà thực hiện cấm thì cấm chỗ này sẽ “phình” (tắc) chỗ khác, không giải quyết được bản chất ùn tắc.


Tuy nhiên, để thực hiện việc này, ông Nam lưu ý, thành phố và Sở GTVT Hà Nội phải thực hiện các bước chuẩn bị thật kỹ càng, trong đó vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) phải được phát triển đồng bộ, thuận lợi, để làm sao khi bỏ xe máy, người dân dễ dàng tiếp cận xe buýt, BRT và metro. Giải pháp này các nước phát triển trên thế giới đã thực hiện và rất thành công.

TS Lương Hoài Nam cho rằng không nên gói gọn xe máy là đối tượng chủ yếu của đề án và mục tiêu cũng không duy nhất là chống ùn tắc giao thông.

"Sau khi xem đi xem lại, tôi thấy mục tiêu của đề án rất rộng. Ngoài chống ùn tắc còn là giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ô nhiễm, cải thiện cảnh quan môi trường đô thị. Tất nhiên, mục tiêu cuối cùng, quan trọng nhất là phát triển bằng được giao thông công cộng ở Hà Nội", ông Nam phát biểu.

Ông Nam cũng nhắc công tác truyền thông, tuyên truyền của các cấp chính quyền, cơ quan xây dựng đề án không nên chỉ chú trọng vào mục tiêu ùn tắc giao thông, sẽ khiến người dân hiểu không đầy đủ các mục tiêu quan trọng khác.

Vị chuyên gia nhận định việc đưa ra đề xuất cấm xe máy vào thời điểm này là rất nhạy cảm, chắc chắn sẽ vấp phải nhiều phản ứng dữ dội trong dư luận. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần phải hết sức thận trọng, nhất là khi xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân. Nói cấm xe máy mà không cấm ôtô dễ dẫn đến tâm lý tiêu cực rằng có sự bao che, lợi ích nhóm trong xã hội.

Ngoài ra, vị tiến sĩ kinh tế nhận định việc thí điểm cấm xe máy ở một vài tuyến đường là cần thiết. Nhưng ông cũng lo ngại việc cấm xe máy ở 2 trục đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương sẽ đẩy người dân đi vào các tuyến đường song song và có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn còn nguy hiểm hơn.

"Nói cấm xe máy để giảm ùn tắc, mà cấm xong vẫn tiếp tục tắc thì rất nguy hiểm. Người dân sẽ ngay lập tức có các tâm lý phản đối", vị chuyên gia nhận định.

Đánh giá về phương án Sở GTVT Hà Nội dự kiến thực hiện cấm thí điểm trên một số tuyến phố, ông Nam cho rằng, nếu hạ tầng chưa đồng bộ mà thực hiện cấm thì cấm chỗ này sẽ “phình” (tắc) chỗ khác, không giải quyết được bản chất ùn tắc./.

 

 

Theo Phi Long/VOV

.