Chuyện vui buồn sau tái định cư ở thị xã Mường Lay

Thứ Ba, 07/02/2017, 16:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn để lại mảnh đất đã gắn bó bao đời, đó là những gì mà người dân thị xã Mường Lay đã phải hy sinh cho dòng điện của cả nước. Sau nhiều năm vật lộn với vất vả và khó khăn của công cuộc di dân tái định cư, đến nay người dân thị xã Mường Lay đã dần dần ổn định cuộc sống và bắt tay xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp. Đến với thị xã hôm nay, chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được những đổi thay, một thị xã hiện đại đã và đang dần được hình thành. Người dân thị xã Mường Lay đang nỗ lực để xây dựng cuộc sống sau tái định cư giàu đẹp hơn.

c
Một góc của thị xã Mường Lay hôm nay

 

Phải di dời cả một thị xã đó là việc chưa có tiền lệ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Mường Lay. Để triển khai công tác tái định cư nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La, thị xã Mường Lay đã phải di dời hơn 4.300 hộ dân, với gần 13.000 nhân khẩu, chiếm trên 84% dân số của thị xã. Cùng với 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã phải di dời, bố trí tái định cư.

Có thể khẳng định, sau 7 năm vật lộn giữa công trường lớn với biết bao ngổn ngang, bộn bề từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng và định hướng phát triển kinh tế, Mường Lay đã bố trí được nơi ở mới cho hơn 2.100 hộ dân thuộc diện di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La. Tính đến thời điểm này, tổng nguồn vốn đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi khác trên địa bàn thị xã đã lên tới 6.000 tỷ đồng.

Đến với thị xã hôm nay, chúng ta đã không còn phải chứng kiến một thị xã cũ kỹ hay đi trên còn đường dốc quanh co mà thay vào đó là những con đường được trải bê tông nhựa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên hai bên bờ dòng Đà Giang. Hệ thống giao thông đã phủ kín tại các điểm tái định cư, cùng với đó là các công trình phụ trợ khác như: nhà máy xử lý rác thải, xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống công viên, nhà văn hóa cộng đồng... đã được đầu tư xây dựng. Đặc biệt là hệ thống các công trình phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư khá đồng bộ; các khu trung tâm hành chính như: nhà làm việc của thị ủy, UBND, HĐND và trụ sở UBND các xã phường được xây dựng khá khang trang, đáp ứng được nhu cầu làm việc của cán bộ, viên chức.

Nói về những đổi thay từ sau tái định cư, ông Chu Văn Tờn, Bí thư Đảng bộ phường Na Lay cho biết: Sau khi người dân trên địa bàn thực hiện tái định cư ổn định cuộc sống lâu dài, bộ mặt của phường đã thay đổi khá rõ nét; đường phố khang trang, rộng rãi, bản làng đã được quy hoạch bài bản và sạch đẹp. Các công trình như: trường học, trạm y tế, chợ và nhà văn hóa xây dựng đồng bộ. Đặc biệt, thông qua việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhiều hộ gia đình của phường đã chuyển từ nghề nông nghiệp sang phi nông nghiệp, buôn bán tạp hóa. Cuộc sống các hộ làm nông nghiệp đã dần dần ổn định; nhiều hộ đã phát triển nghề phụ, giúp cải thiện đời sống như: nghề trồng nấm, làm bánh và đánh bắt thủy sản.

Đến với thị xã Mường Lay những ngày này chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một khu đô thị “có một không hai” của đất nước. Đó là những “phố nhà sàn” trải dài hai bên bờ, soi bóng xuống mặt hồ thủy điện Sơn La. Vào những tháng nước lên những con thuyền đánh bắt cá, thuyền đưa du khách xuôi ngược cùng những bè cá nhấp nhô, mô hình kinh tế mới chỉ có ở phố núi. Giờ đây, Mường Lay đã khoác lên mình một chiếc áo mới, một khuôn mặt mới với nhiều khách sạn, nhà hàng và dịch vụ nằm in bóng bên bờ sông Đà Giang thơ mộng. Với cảnh quan này, việc Mường Lay trở thành một thị xã tiềm năng về “du lịch, sinh thái, thương mại" là điều hoàn toàn có thể trong tương lai gần.

Đến thời điểm này, công tác tái định cư trên địa bàn của thị xã đã cơ bản đi vào ổn định, các công trình phúc lợi phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đã hoàn thiện; người dân tái định cư đang dần ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Tuy nhiên, thị xã Mường Lay vẫn đang phải đối đầu với rất nhiều khó khăn của hậu tái định cư. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thị xã Mường Lay, hiện thị xã nhỏ này có 9 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Thái đông nhất, chiếm 70% dân số. Trước đây, khi chưa tái định cư, cả thị xã có hơn 20% hộ nghèo, nhưng đến nay chỉ còn 5,63% hộ nghèo. Trực tiếp đi tìm hiểu về cuộc sống của người dân thị xã Mương Lay sau khi tái định cư, sau khi được hỏi về cuộc sống ở nơi mới có tốt hơn nơi cũ không? Hầu hết những người dân được hỏi khá vui mừng và phấn khởi được về nơi ở mới với đầy đủ cơ sở hạng tầng phát triển kinh – xã hội. Song thiếu đất để sản xuất đang là điều mà hơn 1 nghìn hộ dân làm nông nghiệp của thị xã đang phải đối mặt và nếu không có phương án khắc phục tình trạng này thì nguy cơ tái nghèo sẽ khó tránh khỏi cũng là nỗi lo chung của người dân thị xã.

Các t
Thiếu đất để sản xuất đang là điều mà hơn 1 nghìn hộ dân làm nông nghiệp của thị xã đang phải đối mặt và nếu không có phương án khắc phục tình trạng này thì nguy cơ tái nghèo sẽ khó tránh khỏi


Tại bãi trồng rau xanh của người dân tổ 6, phường Sông Đà, nếu nhìn vườn rau xanh tốt ít người có thể hình dung trước kia nó là bãi đất bán ngập, bị hoang hóa sau nhiều năm bỏ quên. Đây là kết quả mà Đảng bộ, chính quyền phường Sông Đà khi thực hiện chủ trương và được UBND thị xã đồng ý chuyển đổi để cải tạo lại và phân cho những hộ làm nông nghiệp. Theo đó, mỗi hộ được nhận 400 mét vuông để trồng màu, lãnh đạo phường hy vọng người dân sẽ có một phần thu nhập từ việc trồng rau để cải thiện đời sống. Còn đối với những hộ thuộc tổ 6 sau nhiều năm không có đất để canh tác, việc được phân đất trồng rau đã phần nào giải tỏa được việc làm gì để kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, việc sống bằng cây rau xem ra vẫn chưa phải lời giải hữu hiệu cho bài toán thiếu đất sản xuất sau tái định cư cho những hộ nông nghiệp của phường.

Năm nay đã ngoài 50 tuổi, cũng như hàng nghìn hộ dân của thị xã gia đình bà Sìn Thị Phin đã rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện. Đến nơi ở mới bà cũng như mọi người dân khác khá vui mừng và phấn khởi, bởi đường giao thông đi lại thuận lợi; bản làng khang trang hơn. Tuy nhiên, hiện gia đình bà và hơn 50 hộ dân làm nông nghiệp ở bản Đớ, phường Na Lay đang rơi vào tình trạng không có việc để làm. Bà Sìn Thị Phín chia sẻ: Gia đình có 5 nhân khẩu nhưng chỉ có hơn 300 mét vuông lúa ruộng. Tuy nhiên, 300 mét vuông lúa ruộng được phường chia cho cũng không thể canh tác trọn vẹn 2 vụ mà chỉ làm được vụ mùa còn vụ chiêm thì không có nước để canh tác. Nhà nước đã không còn hỗ trợ gạo, gia đình đành phải đi vào rừng phát nương làm rẫy để trồng ngô, sắn phụ thêm vào cuộc sống.

Theo lãnh đạo phường Na Lay cho biết: Hiện phường có hơn 1.900 hộ, trong đó có hơn 700 hộ làm nông nghiệp, hiện số hộ chuyển đổi nghề thành công khá thấp; các nghề người dân chuyển đổi bấp bênh và không có tính bền vững. Những nghề chuyển đổi cho thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống hiện tại. Theo cách tính của lãnh đạo phường cho biết: Nếu trước khi chưa triển khai công tác tái định cư toàn phường có hơn 80ha lúa nước 2 vụ thì nay cả phường chỉ có 15ha. Tuy nhiên, số diện tích canh tác lúa nước chỉ có thể canh tác 1 vụ và không ăn chắc. Hiện mỗi lao động làm nông nghiệp của phường chỉ có 100 mét vuông đất để canh tác. Để hiểu rõ hơn những khó khăn của những hộ làm nông nghiệp, ông Lù Văn Thấm, Chủ tịch UBND phường Na Lay dẫn chúng tôi đến bãi canh tác lúa nước duy nhất của phường tại bản Đớ. Theo ông Thấm: Sau nhiều năm cải tạo, đến nay khu ruộng mới gieo cấy được, tuy nhiên do lượng nước của công trình thủy lợi ít nên chỉ đủ nước canh tác một vụ mùa, còn lại vụ chiêm không đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích canh tác.

Thiếu đất sản xuất hiện vẫn là vấn đề nan giải mà thị xã Mường Lay đang phải đối mặt, bởi hiện tại không còn quỹ đất để quy hoạch nữa, đất khai hoang mới tạo được hơn 80ha. Bãi đất bán ngập dưới lòng hồ thủy điện Sơn La có diện tích khá lớn, hiện địa phương đã cải tạo được hơn 100ha. Đất bán ngập rất khó khăn về nguồn nước tưới, lại là đất bạc màu. Muốn cải tạo diện tích này cần đầu tư hệ thống thủy lợi, trong khi về nguyên tắc, đây là diện tích thuộc chủ sở hữu khác nên không thể đầu tư công trình cứng. Lãnh đạo chính quyền đã tính đến phương án điều đình với Ban quản lý công trình thủy điện Sơn La để mượn đất, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước không cố định để cải tạo diện tích này nhằm tăng quỹ đất sản xuất cho nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, thị xã tiếp tục vận động người dân tích cực chuyển đối cơ cấu cây trồng để phù hợp với điều kiện của địa phương hiện tại; tích cực vận động những hộ làm nông nghiệp chuyển đổi sang ngành nghề khác, mang tính bền vững hơn.

Ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND  thị xã Mường Lay cho biết: Sau khi thực hiện bố trí tái định cư cho nhân dân trên địa bàn xong, việc quan trọng nhất của cấp ủy, chính quyền thị xã Mường Lay là tập trung vào công tác đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho nhân dân; đồng thời triển khai đầu tư các công trình thủy lợi, khai hoang mở rộng diện tích, giao đất bán ngập và vận động nhân dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật đưa cây con giống mới vào sản xuất. Ngoài ra, người dân cũng làm một số nghề truyền thống như làm bánh khẩu xén, phát triển cây trồng trên nương để tăng thêm thu nhập.

Mặc dù còn có những khó khăn và thách thức trước mắt, song với những giải pháp cùng định hướng mà Đảng bộ và chính quyền thị xã đang nỗ lực triển khai, bên cạnh đó với sự năng động của người dân chắc chắn rằng thị xã Mường Lay sẽ sớm giải quyết được vấn đề thiếu đất phục vụ sản xuất cũng như các vấn đề liên quan đến thu nhập, việc làm đẻ sớm ổn định theo hướng bền vững./.

 

Duy Linh – Anh Tuấn

 

.