Tăm từ thiện trong trường học: Mua và bán thế nào?

Thứ Năm, 13/10/2016, 09:55 [GMT+7]

Mua tăm ủng hộ người tàn tật là một hành động nhân văn nhưng các em học sinh chưa hẳn đã biết hết ý nghĩa của việc làm này.
 
Tôi đã có lần hỏi con có biết vì sao lại mua những gói tăm của người khiếm thị không? “Con nói không biết”. Thật đáng tiếc!
Thường ở buổi chào cờ, giáo viên nói vài câu, đại ý mỗi lớp phải mua bao nhiêu gói tăm, cũng có thể có đôi lời phân tích ý nghĩa của việc làm này. Nhưng buổi tập trung toàn trường, rất ồn, lại nóng bức, nên học sinh nghe câu được câu chăng. Cuối cùng, giáo viên chủ nhiệm và trò nhớ nhất một điều là chỉ tiêu và hình phạt.
 

1
Ảnh minh họa.

 

Khi về tới lớp, do bận rộn với chương trình nên giáo viên chủ nhiệm cũng chỉ thông báo mỗi em mua tối thiểu bao nhiêu gói, hết bao nhiêu tiền. Học sinh về thúc cha mẹ nộp tiền, nhận tăm. Vậy là hết!
Phụ huynh không tiếc tiền cho những việc làm này nhưng cái đáng tiếc nhất, điều tất cả chúng ta đều mong mỏi, là các cháu đã không tìm thấy ở đó một việc làm ý nghĩa, đầy tình người. Thay vào đó, rất có thể là một sự phiền hà, bị đánh đồng, chìm nghỉm vào vô số khoản chi phí khác ở trường học hiện nay.
Nếu như học sinh được một lần tới thăm xưởng sản xuất tăm của người khiếm thị, tận mắt thấy họ phải “làm việc trong bóng tối”, và chỉ những đồng tiền ít ỏi bằng chính đôi bàn tay bé nhỏ của mình, để nhận lấy những gói tăm từ những ngón tay chai sần đang quờ quạng của người khiếm thị, tôi tin chắc các em sẽ thấy niềm vui, trách nhiệm và ý nghĩa trong việc làm nhỏ bé của mình.

Nếu không tới được xưởng sản xuất, cho các em tới thăm trường học của người khiếm thị cũng tốt. Học sinh cũng hình dung ra cái tăm các em cầm trên tay được làm ra trong sự nhọc nhằn như thế nào.
Làm được như vậy, một hoạt động mang tính phong trào, nghĩa vụ và bổn phận sẽ âm thầm chuyển thành một hành vi mang tính tự giác, tự nguyện, nảy mầm từ chính sự cảm phục và tình yêu thương người khuyết tật của các em.

Nhân đây cũng cần phải nói thêm, ngành giáo dục cứ hô hào phân luồng và hướng nghiệp, nhưng phân vào đâu, hướng vào nghiệp nào, các các em chỉ biết qua sách vở. Học sinh hiện nay phần lớn có thường xuyên được đến cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nhà máy nào đâu mà biết nghề với nghiệp? Hệ quả là hầu hết học sinh cứ lao lên đại học, rồi cảm thấy thích thích một ngành nào đó rồi nộp đơn thi nhưng chẳng biết ngành đó hiện tại và tương lai như thế nào?!

Một hoạt động nữa có thể nói rất nhàm chán ở phổ thông hiện nay là kế hoạch nhỏ. Phong trào này có từ thời đất nước chưa thống nhất. Tới nay nó còn vai trò gì nữa không, nhất là ở những khu vực khác nhau, các nhà giáo dục nên nghiên cứu. Đừng bắt phụ huynh phải bỏ tiền ra mua giấy vụn, vỏ hộp bia… ở kho đồng nát, vựa ve chai để đem nộp cho nhà trường.

Những hoạt động nói trên đều có tính giáo dục và đều nhằm mục đích giáo dục. Nhưng cách tổ chức thực hiện hiện nay, của cả nhà trường lẫn gia đình đã biến nó thành phi giáo dục, thậm chí phản giáo dục nếu một ngày nào đó các em trở nên chai lì và vô cảm trước những việc làm nhân văn và hướng thiện./.

 

Theo VOV

.