Thị xã Mường Lay sau tái định cư

Thứ Tư, 31/08/2016, 08:10 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với mục tiêu tất cả vì dòng điện của Tổ quốc, hàng nghìn hộ dân của Thị xã Mương Lay đã phải nhiều năm vật lộn với vất vả và khó khăn của công cuộc di dân tái định cư. Đến nay, Mường Lay đã dần dần ổn định cuộc sống và bắt tay xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp. Đến với thị xã hôm nay, chúng ta có thể dễ ràng cảm nhận được những đổi thay, một thị xã hiện đại đang dần được hình thành.

c
Thị xã Mường Lay hôm nay

 

Trong những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại Thị xã Mường Lay trong lúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đang ra sức thi đua lao động và sản xuất lập thành tích cao nhất chào mừng 71 năm cách mạng tháng 8 thành công và kỷ niệm 71 Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Có thể khẳng định, sau khi công tác tái định cư ổn định Thị xã Mường Lay đã khoác trên mình một diện mạo mới.

Đổi thay từ tái định cư

Để triển khai công tác tái định cư, Thị xã Mường Lay đã phải di dời hơn 4.300 hộ dân, với gần 13.000 nhân khẩu, chiếm trên 84% dân số của thị xã; cùng với 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã phải di dời, bố trí tái định cư.

Có thể khẳng định sau 7 năm vật lộn giữa công trường lớn với biết bao ngổn ngang, bộn bề từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng và định hướng phát triển kinh tế, Mường Lay đã bố trí được nơi ở mới cho hơn 2.100 hộ dân thuộc diện di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La. Tính đến thời điểm này, tổng nguồn vốn đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi khác trên địa bàn thị xã đã lên tới 6.000 tỷ đồng.

Đến với thị xã hôm nay, chúng ta đã không còn phải chứng kiến một thị xã cũ kỹ hay đi trên còn đường dốc quanh co mà thay vào đó là những con đường được trải bê tông nhựa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên hai bên bờ dòng Đà Giang. Hệ thống giao thông đã phủ kín tại các điểm tái định cư cùng với đó là các công trình phụ trợ khác như: nhà máy xử lý rác thải, xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống công viên, nhà văn hóa cộng đồng... đã được đầu tư xây dựng. Đặc biệt là hệ thống các công trình phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư khá đồng bộ; các khu trung tâm hành chính như: nhà làm việc của Thị ủy, UBND, HĐND và trụ sở UBND các xã phường được xây dựng khá khang trang, đáp ứng được nhu cầu làm việc của cán bộ, công chức.

Nói về những đổi thay từ tái định cư, ông Chu văn Tờn, Bí thư Đảng ủy phường Na Lay cho biết: Sau khi người dân trên địa bàn tái định cư ổn định cuộc sống lâu dài, bộ mặt của phường đã thay đổi khá rõ nét; đường phố khang trang, rộng rãi, bản làng đã được quy hoạch bài bản và sạch đẹp. Các công trình như: trường học, trạm y tế, chợ và nhà văn hóa xây dựng đồng bộ. Đặc biệt, thông qua việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, nhiều hộ gia đình của phường đã chuyển từ nghề nông nghiệp sang phi nông nghiệp, buôn bán tạp hóa. Cuộc sống các hộ làm nông nghiệp đã dần dần ổn định; nhiều hộ đã phát triển nghề phụ, giúp cải thiện đời sống như: nghề trồng nấm, làm bánh và đánh bắt thủy sản.

d
Thiếu đất sản xuất hiện vẫn là vấn đề nan giải mà thị xã đang phải đối mặt

 

Đến với Thị xã Mường Lay những ngày này, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một khu đô thị “có một không hai” của đất nước. Đó là những “phố nhà sàn” trải dài hai bên bờ, soi bóng xuống mặt hồ thủy điện Sơn La. Vào những tháng nước lên, những con thuyền đánh bắt cá, thuyền đưa du khách xuôi ngược cùng những bè cá nhấp nhô, mô hình kinh tế mới có ở phố núi. Giờ đây, Mường Lay đã khoác lên mình một chiếc áo mới, một khuôn mặt mới với nhiều khách sạn, nhà hàng và dịch vụ nằm bên bờ sông Đà Giang thơ mộng. Với cảnh quan này, việc Mường Lay trở thành một thị xã tiềm năng về “du lịch, sinh thái, thương mại là điều hoàn toàn có thể trong tương lai gần.

Bộn bề khó khăn của hậu tái định cư

Đến thời điểm này, công tác tái định cư trên địa bàn của thị xã đã cơ bản đi vào ổn định, các công trình phúc lợi phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đã hoàn thiện; người dân tái định cư đang dần ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Tuy nhiên, Thị xã Mường Lay vẫn đang phải đối đầu với rất nhiều khó khăn của hậu tái định cư. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thị xã Mường Lay, hiện thị xã nhỏ này có 9 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Thái đông nhất, chiếm 70% dân số. Trước đây, khi chưa tái định cư, cả thị xã có hơn 20% hộ nghèo, nhưng đến nay chỉ còn 5,63% hộ nghèo. Trực tiếp đi tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây sau khi tái định cư, sau khi được hỏi về cuộc sống ở nơi mới có tốt hơn nơi cũ không? Hầu hết những người dân được hỏi khá vui mừng và phấn khơi được về nơi ở mới với đầy đủ cơ sở hạng tầng. Tuy nhiên, thiếu đất để sản xuất đang là điều mà hơn 1 nghìn hộ dân làm nông nghiệp của thị xã đang phải đối mặt và có nguy cơ tái nghèo.

Cũng như hàng nghìn hộ dân của thị xã, gia đình bà Sìn Thị Phin đã rời bỏ nơi "chôn rau cắt rốn" để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện. Đến nơi ở mới bà cũng như mọi người dân khác khá vui mừng và phấn khởi bởi đường giao thông đi lại thuận lợi; bản làng khang trang hơn. Tuy nhiên, hiện gia đình bà và hơn 50 hộ dân làm nông nghiệp ở bản Đớ, phường Na Lay đang rơi vào tình trạng không có việc để làm. Bà Sìn Thị Phin chia sẻ: Gia đình có 5 nhân khẩu nhưng chỉ có hơn 300 mét vuông lúa ruộng. Tuy nhiên, 300 mét vuông lúa ruộng cũng không thể canh tác chọn vẹn 2 vụ mà chỉ làm được vụ mùa, còn vụ chiêm thì không có nước để canh tác. Nhà nước đã không còn hỗ trợ gạo, gia đình đành phải đi phát nương làm rẫy trồng ngô, sắn để phụ thêm vào cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình vẫn còn khá vất vả. Để cải thiện cuộc sống gia đình các con của bà đã phải đi làm thuê tại các tỉnh dưới xuôi.

Theo lãnh đạo phường Na Lay cho biết: Hiện phường có hơn 1.900 hộ, trong đó có hơn 700 hộ làm nông nghiệp, hiện số hộ chuyển đổi nghề thành công khá thấp; các nghề người dân chuyển đổi bấp bênh và không có tính bền vững. Những nghề chuyển đổi cho thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống hiện tại. Theo cách tính của lãnh đạo phường cho biết: Nếu trước khi chưa triển khai công tác tái định cư toàn phường có hơn 80ha lúa nước 2 vụ thì nay cả phường chỉ có 15ha lúa nước. Tuy nhiên, số diện tích canh tác lúa nước chỉ có thể canh tác 1 vụ và không ăn chắc. Hiện mỗi lao động làm nông nghiệp của phường chỉ có 100 mét vuông đất để canh tác. Để đích thực sở mục những khó khăn của những hộ làm nông nghiệp, ông Lù Văn Thấm, Chủ tịch UBND phường Na Lay dẫn chúng tôi đến bãi canh tác lúa nước duy nhất của phường tại bản Đớ. Theo ông Thấm cho biết: Sau nhiều năm cải tạo, đến nay khu ruộng mới gieo cấy được. Tuy nhiên, do lượng nước của công trình thủy lợi ít nên chỉ đủ nước canh tác một vụ mùa, còn lại vụ chiêm không đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích canh tác.

d
Để tháo gỡ khó khăn, cấp ủy, chính quyền thị xã đã và đang tích cực vận động những hộ làm nông nghiệp chuyển đổi sang ngành nghề khác, mang tính bền vững hơn.

 

Ông Lù Văn Thấm cho biết thêm: Để tưới phục vụ cho hơn 10ha của của toàn bãi, tuy nhiên vào mùa khô thì lượng nước để phục vụ cho toàn bộ diện tích này, nếu như tận dụng tối đa thì phục vụ cho khoảng hơn 3ha, vào mùa mưa thì tưới cho khoảng 6 - 7ha. Điều kiện nguồn nước, hiện trên tuyến kênh mương do thi công trên địa hình phức tạp, chính vì vậy khi bước vào mùa mưa thì hiệu quả sử dụng tương đối khó khăn.

Trước những khó khăn về sinh kế của người dân sau khi tái định cư, Thị xã Mường Lay đã và đang đưa ra nhiều giải pháp. Thiếu đất sản xuất hiện vẫn là vấn đề nan giải mà thị xã đang phải đối mặt, bởi hiện tại không còn quỹ đất để quy hoạch nữa, đất khai hoang mới tạo được hơn 80ha. Bãi đất bán ngập dưới lòng hồ Thủy điện Sơn La có diện tích khá lớn, hiện địa phương đã tạo được hơn 100ha. Đất bán ngập rất khó khăn về nguồn nước tưới, lại là đất bạc màu. Muốn cải tạo diện tích này cần đầu tư hệ thống thủy lợi, trong khi về nguyên tắc, đây là diện tích thuộc chủ sở hữu khác nên không thể đầu tư công trình cứng. Lãnh đạo chính quyền đã tính đến phương án điều đình với Ban quản lý công trình Thủy điện Sơn La để mượn đất, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước không cố định để cải tạo diện tích này, tăng quỹ đất sản xuất cho nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, thị xã tiếp tục vận động người dân tích cực chuyển đối cơ cấu cây trồng để phù hợp với điều kiện của địa phương hiện tại; tích cực vận động những hộ làm nông nghiệp chuyển đổi sang ngành nghề khác, mang tính bền vững hơn.

Ông Vũ Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Mường Lay cho biết: Sau khi thực hiện bố trí di dân tái định cư cho nhân dân trên địa bàn xong, việc quan trọng nhất của cấp ủy, chính quyền Thị xã Mường Lay là tập trung vào công tác chuyển đổi ngành nghề cho nhân dân, đặc biệt là triển khai xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang mở rộng diện tích; các vấn đề về giao đất bán ngập, đưa cây con giống mới vào sản xuất; huy động các nguồn lực xây dựng các mô hình để tạo điều kiện cho nhân dân có việc làm thường xuyên nhằm tăng thêm thu nhập. Đồng thời, thị xã cũng đang quy hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện cũng như việc giao đất giao rừng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ và phát triển rừng...

Với những giải pháp cùng định hướng mà Đảng bộ và chính quyền thị xã đang nỗ lực triển khai cùng với sự năng động của người dân, chắc chắn rằng Thị xã Mường Lay sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt, để xây dựng thị xã trở thành một đô thị hiện đại và văn minh trên vùng đất Tây Bắc của Tổ quốc./.

 

Duy Linh – Huy Long
 

.