Mường Nhé chăm lo cho người khuyết tật
Điện Biên TV - Những người khuyết tật dù do bị bẩm sinh hay sau tai nạn đáng tiếc đều phải gánh chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Không chỉ bị mất mát, đau đớn về thể xác, đời sống tinh thần của họ cũng bị tổn thương khi không thể sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng như người bình thường. Tại huyện vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn như Mường Nhé những người khuyết tật càng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Bởi vậy, ngoài những chính sách hỗ trợ của Đảng, nhà nước người khuyết tật rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ đến từ những tấm lòng hảo tâm gần xa để vơi bớt đi những khó khăn, thiệt thòi vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Mường Nhé, huyện miền núi biên giới xa xôi của tỉnh Điện Biên. Huyện có 11 đơn vị hành chính cấp xã với dân số khoảng 38 nghìn người. Theo số liệu thống kê của phòng lao động thương binh và xã hội huyện tính đến thời điểm hiện tại huyện Mường Nhé có 168 người khuyết tật trong đó có 21 người thuộc diện khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng 113 người và khuyết tật nhẹ 34 người. Trong những năm qua cùng với những chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước như thực hiện trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật, huyện Mường Nhé cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ, trợ giúp người khuyết tật. Nhờ đó, hiện nay 100% người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 134 người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, các hộ khuyết tật thuộc diện hộ nghèo được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi của nhà nước, của địa phương.
Các trường hợp người tàn tật trên địa bàn huyện Mường Nhé đại đa số thuộc hộ gia đình dân tộc thiểu số, hộ nghèo nên việc quan tâm, chăm sóc những đối tượng này gặp nhiều khó khăn, nhất là với đối tượng người tàn tật là trẻ em và người cao tuổi |
Nhìn chung người khuyết tật đã được quan tâm hơn và cuộc sống có nhiều cải thiện hơn trước. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù của địa phương, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế xã hội kém phát triển nên đời sống của người khuyết tật cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ đến từ cộng đồng còn nhiều hạn chế. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ y tế kỹ thuật cao nhằm cải thiện thể trạng, cải thiện sức khỏe của người khuyết tật trên địa bàn huyện hết sức khó khăn, hầu như chỉ trông chờ vào các chương trình từ thiện. Cùng với đó, việc tham gia học nghề, đào tạo nghề tìm việc làm chưa được triển khai, các hoạt động cụ thể có sự tham gia của người khuyết tật chưa được tổ chức...là những khó khăn lớn nhất người khuyết tật trên địa bàn huyện Mường Nhé gặp phải hiện nay
Bà Đỗ Thị Hà – Phó phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Mường Nhé cho biết: Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của Phòng Lao động thương binh và xã hội trong những năm qua phòng luôn tham mưu cho UBND huyện tổ chức triển khai thực hiện các chế độ chính sách cho người khuyết tật theo đúng luật người khuyết tật cũng như thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động thương binh và xã hội. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện tại huyện Mường Nhé còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như việc vận động các nguồn lực xã hội để giúp đỡ cho những người khuyết tật, các chính sách về an sinh xã hội chưa đi sâu được đa số người khuyết tật trong huyện Mường Nhé thuộc hộ gia đình nghèo.
Gia đình anh Sùng A Chá chị Thào Thị Ganh bản Nậm Là xã Mường Nhé. Hai anh chị lấy nhau từ năm 2004 và một năm sau gia đình vui mừng chào đón đứa con đầu lòng Sùng A Của. Nhưng khi mới sinh ra Của đã không bình thường như những đứa trẻ khác. Cuộc sống khó khăn, ngoài lo cho 2 em lại phải lo cho Của nên gia đình không có đủ điều kiện cho Của chữa trị sớm. Nay đã lên 10 tuổi nhưng Của không biết làm gì khác ngoài việc nằm bất động trên chiếc giường giữa nhà. Mọi việc chăm sóc cho ăn uống, vệ sinh đều một tay mẹ làm cho. Thuộc diện khuyết tật nặng nên hàng tháng em được hưởng mức trợ cấp 540 nghìn đồng và gia đình em được hưởng thêm 180 nghìn đồng cho người chăm sóc. Có lẽ với chị Ganh mẹ em Của, mong mỏi duy nhất bây giờ là làm sao giúp Của có thể cử động, có thể ngồi và ngồi được xe lăn thoát khỏi chiếc giường đã giữ Của cả chục năm nay.
Chị Thào Thị Ganh - Bản Nậm Là, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé cho biết: Từ khi sinh con ra bị tàn tật gia đình cực kỳ vất vả, thương con nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không cho con đi điều trị được. Gia đình mong trong thời gian tới được Đảng, Nhà nước, các tổ chức từ thiện giúp gia đình tạo điều kiện cho cháu được đi chữa trị cho sức khỏe tốt hơn.
Chia tay gia đình em Của chúng tôi đến với hoàn cảnh của bà Mào Thị Én ở bản Phiêng Kham xã Mường Nhé. Có lẽ bà Én là người hiểu rõ nhất những thiệt thòi cay đắng của người khuyết tật bởi bà bị tàn tật từ nhỏ. Hàng ngày, bà chỉ có thể quẩn quanh trong căn nhà nhỏ xíu được dựng lên từ sự ủng hộ, giúp đỡ của người thân và bà con trong bản. Mọi việc chăm sóc bản thân đều phải tự mình làm nên bà rất vui mừng khi có người đến thăm. Được biết bà có một người con gái nhưng đã đi lấy chồng và hoàn cảnh cũng hết sức khó khăn nên không giúp đỡ được gì nhiều cho mẹ. Mọi nhu cầu sinh hoạt bà Én trông cả vào tiền trợ cấp xã hội cho người tàn tật với mức 540 nghìn đồng/ tháng. Những lúc túng thiếu thì trông vào sự giúp đỡ sẻ chia của bà con trong bản. Năm nay đã 73 tuổi nhưng mong muốn được bà nhắc đi nhắc lại khi trò chuyện cùng chúng tôi chỉ là được ăn no, ngủ ấm và có cuộc sống đầm ấm hơn.
Bà Mào Thị Én ở bản Phiêng Kham xã Mường Nhé bị khuyết tật từ bé đến nay đã 73 tuổi mọi nhu cầu sinh hoạt bà Én trông cả vào tiền trợ cấp xã hội cho người tàn tật với mức 540 nghìn đồng/ tháng |
Trong thực tế, các trường hợp người tàn tật trên địa bàn huyện Mường Nhé đại đa số thuộc hộ gia đình dân tộc thiểu số, hộ nghèo nên việc quan tâm, chăm sóc những đối tượng này gặp nhiều khó khăn, nhất là với đối tượng người tàn tật là trẻ em và người cao tuổi. Ngoài ra, việc cập nhật danh sách người khuyết tật, xét duyệt hưởng trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật còn gặp một số khó khăn, vướng mắc đặc biệt là đối với dân di cư tự do cũng là một trong những nguyên nhân khiến người tàn tật chưa được quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.
Như trường hợp của cháu Sùng A Páo - bản Mường Toong 4 - xã Mường Toong. Khi mới sinh được 2 tháng thì mẹ của em tự tử, bản thân em bị ốm và sau đó bị liệt. Nay em đã hơn 2 tuổi bị tàn tật và sức khỏe rất yếu. Ngoài thời gian đi nương, bố em anh Sùng A Vì chỉ quanh quẩn ở nhà bế con mà không biết làm gì hơn; còn họ hàng người thân cũng mới chuyển về điểm bản Mường Toong 4 này được một thời gian nên kinh tế rất khó khăn không có điều kiện giúp đỡ nhiều. Trong khi đó, em Páo vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp xã hội dành cho trẻ bị khuyết tật nên việc chăm sóc em gặp rất nhiều khó khăn. Rõ ràng để giúp những người khuyết tật và gia đình họ vơi bớt đi khó khăn vượt qua tự ti, mặc cảm từng bước vươn lên trong cuộc sống việc đảm bảo các chế độ, chính sách của nhà nước kịp thời là việc làm hết sức quan trọng. Tiếp đó là sự quan tâm, sẻ chia không chỉ bằng vật chất mà cả sự quan tâm động viên khích lệ kịp thời đến từ cộng đồng xã hội. Từ đó, tạo điều kiện cho người khuyết tật huyện Mường Nhé có cơ hội được tiếp cận, được nhận sự giúp đỡ đến từ các chương trình từ thiện, các chương trình hỗ trợ người khuyết tật khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, tham gia học nghề, tìm việc làm.v.v.
Từ năm 1998 thực hiện pháp lệnh người khuyết tật, ngày 18/4 hàng năm đã trở thành ngày khuyết tật Việt Nam. Và từ 2010 Luật người khuyết tật có hiệu lực thị hành. Đó không chỉ thể hiện là sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với người khuyết tật mà còn là lời nhắc nhở toàn xã hội nêu cao tinh thần giúp đỡ, trợ giúp những người tàn tật thiếu may mắn trong cộng đồng. Hi vọng với những chính sách của nhà nước, sự sẻ chia của cộng đồng xã hội những người khuyết tật như em Của, em Páo và bà Én sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm, giúp đỡ góp phần giảm bớt đi những mặc cảm, khó khăn thiệt thòi và có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng./.
Chu Linh - Trọng Lâm