Điện Biên: Không đạt chỉ tiêu Xuất khẩu lao động các huyện nghèo

Thứ Năm, 12/11/2015, 14:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau gần 5 năm thực hiện Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020”, hàng trăm lao động các huyện nghèo trong tỉnh đã đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập nhưng kết quả đạt được vẫn không như mong đợi...
  

Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính phủ là điều kiện vô cùng thuận lợi để người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số các huyện nghèo trên địa bàn tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ). Trong thời gian học tập, người lao động được hỗ trợ toàn bộ học phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tài liệu học tập, sinh hoạt phí... Ngoài ra, Nhà nước còn có chính sách ưu đãi tín dụng cho vay theo nhu cầu tối đa bằng các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo từng thị trường lao động từ ngân hàng chính sách - xã hội... Để nhân dân, nhất là người trong độ tuổi lao động ở các huyện nghèo hiểu được được chính sách ưu việt của Nhà nước, sở phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động, phổ biến nội dung các văn bản liên quan đến công tác XKLĐ bằng nhiều hình thức, như tổ chức các các đợt tuyên truyền chính sách XKLĐ tới từng xã, thị trấn; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các cuộc họp bản, họp tổ dân phố; phối hợp với các doanh nghiệp được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) giới thiệu về các địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn về XKLĐ… nhưng sau gần 5 năm thực hiện, kết quả số người xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài cũng chẳng mấy khả quan. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, từ năm 2011 đến tháng 9/2015, chỉ có 1.024 lao động ở các huyện nghèo đăng ký tham gia XKLĐ; trong đó, có 715 lao động được tham gia học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết;  số lao động đã xuất cảnh rất khiêm tốn với 281 người, đạt 33,85% kế hoạch giao. Huyện có số lao động xuất cảnh nhiều nhất là Điện Biên Đông 163 người, tiếp đến là huyện Tủa Chùa 49 lao động... Lao động đã xuất cảnh chủ yếu làm việc tại Malaysia, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, Đài Loan, Ả rập xê út. Còn lại 434 lao động không hoặc chưa xuất cảnh phần vì bỏ ngang trong quá trình đào tạo và thi không đạt kết quả, phần đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết chờ xuất cảnh.

s
Cán bộ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông tuyên truyền chính sách XKLĐ cho người dân trên địa bàn xã Keo Lôm.

 

Qua tìm hiểu cho thấy, phần nhiều lao động ở các huyện nghèo chưa mặn mà tham gia XKLĐ là vì thu nhập tại Malaysia – thị trường chủ yếu của người lao động các huyện nghèo đã xuất cảnh sang làm việc không cao hơn nhiều so với làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; Ả rập xê út từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Còn tại thị trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản thu nhập cao hơn, dao động từ 15 - 25 triệu đồng/người/tháng nhưng quá trình tuyển chọn, doanh nghiệp yêu cầu cao về trình độ ngoại ngữ, tay nghề trong khi chất lượng đào tạo, tay nghề của lao động phần lớn chưa đáp ứng nên khó “lọt”. Bên cạnh đó, tâm lý không muốn xa quê hương bản quán đi làm việc, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số tồn tại khá phổ biến dẫn đến không ít trường hợp đã học xong định hướng, học xong ngoại ngữ và được bồi dưỡng kiến thức cần thiết chờ ngày xuất cảnh lại tự ý bỏ...

Tại Điện Biên Đông - Huyện dẫn đầu các địa phương trong tỉnh về số lao động xuất cảnh làm việc ở nước ngoài. Thị trường làm việc chủ yếu tại Malaysia.

Ông Vàng A Hờ, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, toàn huyện có 592 lao động đăng ký sơ tuyển XKLĐ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi XKLĐ, huyện chỉ đạo phòng lao động - thương binh và xã hội phối hợp với phòng giao dịch ngân hàng chính sách – xã hội hướng dẫn người lao động hoặc thân nhân người lao động làm thủ tục vay vốn, chuyển nguồn kinh phí được vay cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động đưa đi đào tạo quản lý và chi trả chi phí cho người lao động. Cách làm này giúp người đi XKLĐ thuận lợi trong thủ tục tiếp cận, vay vốn nên số lao động đi xuất khẩu khá khả quan, đến nay đã có 163 đi làm việc ở nước ngoài. Qua theo dõi cho thấy, đời sống của các hộ có người tham gia XKLĐ có nhiều cải thiện, đặc biệt là không có hộ nghèo.

Còn huyện Mường Nhé gần 5 năm qua chỉ có 37 lao động đi xuất cảnh làm việc tại Lào, Malaysia (trong đó có 25 người đi làm việc tại Lào) bước đầu đem lại thu nhập ổn định góp phần phát triển kinh tế gia đình. Song trên thực tế, thị trường dành cho lao động trên địa bàn chủ yếu là những hợp đồng tuyển chọn lao động phổ thông, thu nhập thấp nên không thu hút được người dân tham gia. Bên cạnh đó, một số công ty được sự cho phép của cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tuyển dụng lao động tham gia XKLĐ chưa thực hiện hết trách nhiệm đối với người lao động sau khi xuất cảnh, dẫn đến tình trạng quyền lợi, công việc, mức thu nhập... không theo đúng hợp đồng đã ký kết, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động đang làm việc tại nước ngoài, thậm chí có trường hợp đã bỏ về nước trước thời hạn. Điều đó khiến những lao động khác trên địa bàn muốn đăng ký tham gia XKLĐ hoang mang, e ngại những rủi ro có thể xảy ra khi đi làm việc ở nước ngoài.


 Minh Thùy

.