Tranh chấp đất sản xuất ở Lay Nưa: Nhập nhằng ranh giới
Điện Biên TV - Việc tranh chấp đất sản xuất giữa các hộ dân bản Hua Huổi Luông với bản Mo 1, 2, xã Lay Nưa (T.X Mường Lay) kéo dài từ năm 1990 đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây mất ổn định cuộc sống người dân. Thậm chí, một số người dân “tuyên bố” sẽ phá rừng để lấy đất sản xuất nếu không đòi lại được đất đã cho mượn. Để đảm bảo an ninh trật tự, giúp người dân ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương cần có những giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Trong những năm qua, người dân bản Hua Huổi Luông như “ngồi trên đống lửa”, vì theo họ một số diện tích đất sản xuất mà trước đó quyền sử dụng thuộc về họ thì nay lại thuộc về bản Mo 1, 2. Tuy nhiên, theo người dân bản Mo 1, 2 thì đất đó là đất của bản Mo từ thời ông cha để lại. Hai quan điểm trái chiều, không bên nào chịu thừa nhận, vì vậy đã xảy ra mâu thuẫn giữa người dân hai bản trong nhiều năm qua. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là từ năm 2012, khi Nhà nước đầu tư cho bản Hua Huổi Luông con đường cấp phối theo chương trình di dân tái định cư. Con đường có chiều dài khoảng 5km, đi qua các bản Nậm Cản (phường Na Lay), bản Na Ka, Mo 1, 2 và Hua Huổi Luông, vì thế người dân bản nào cũng muốn đất thuộc về mình để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo anh Phía, diện tích đất do gia đình ông Điêu Chính Anh trồng chuối trước đây là của bản Hua Huổi Luông. |
Để hoàn thiện con đường đúng kế hoạch đề ra, chủ đầu tư (Phòng Quản lý Đô thị, T.X Mường Lay) và chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã xác định ranh giới, phạm vi đất đai để đền bù cho các hộ dân có đất qua con đường. Theo đó, đã có hai hộ dân bản Mo 1, 2 trả lại đất cho người dân bản Hua Huổi Luông. Tuy nhiên, sau khi con đường hoàn thành thì đến nay vẫn tái diễn tình trạng tranh chấp đất. Không ít lần người dân hai bản họp thống nhất nhưng vẫn chưa có “hồi kết”, vì vậy họ lại tiếp tục làm đơn, kiến nghị lên chính quyền xã Lay Nưa. Nhiều cuộc bàn bạc, thảo luận đã được xã tổ chức để xác định rõ ranh giới, nhưng trái ngược với mong muốn, việc tranh chấp ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, đến đời sống tinh thần của nhân dân, gây mất ổn định an ninh chính trị.
Để hiểu rõ hơn về việc tranh chấp đất giữa hai bản, chúng tôi tìm đến ông Giàng Dũng Hầu, nguyên trưởng bản Hua Huổi Luông (từ năm 1990 - 2004) cho biết: Năm 1990, khi ấy bản Hua Huổi Luông mới có 6 hộ, hơn 20 nhân khẩu, diện tích đất sản xuất rộng, bà con không canh tác hết, trong khi người dân bản Mo 1, 2 lại thiếu đất sản xuất, nên chúng tôi đã cho một số người dân bản Mo 1, 2 mượn với thời hạn 5 năm để canh tác. Song sau khi hết hạn người dân bản Mo vẫn chưa trả lại đất cho chúng tôi. Những năm gần đây, tình hình dân số gia tăng nhanh, nhu cầu đất sản xuất cho bà con ngày càng cao nên chúng tôi muốn đòi lại số đất đã cho mượn, nhưng họ không trả mà còn cho rằng đó là đất của bản họ. Theo anh Giàng A Phía, Trưởng bản Hua Huổi Luông, hiện còn 7 hộ ở bản Mo 1, 2 đang mượn đất với diện tích khoảng hơn 2ha nhưng chưa trả. Họ cho rằng đây là đất họ tự khai hoang từ thời xưa để lại không liên quan đến đất bản Hua Huổi Luông.
Trong khi hiện nay cả bản Hua Huổi Luông có 47 hộ, hơn 300 nhân khẩu, người đông nhưng đất sản xuất thiếu nên một số hộ gia đình hiện nay không có đất sản xuất. Điển hình, gia đình anh Hờ A Hồng, Giàng A Sung... không có đất sản xuất phải nhờ một phần đất của người thân để canh tác. Anh Hồng chia sẻ: “Gia đình mình có 5 người, nhưng không có đất sản xuất nên cuộc sống khó khăn, may có anh em trong bản cho mượn ít đất để “cắm dùi” nên mới có thóc ăn không thì... Chúng tôi mong muốn có ít đất để sản xuất, chứ nhà nông mà không có thóc ăn thì chỉ có nước chết”. Cũng theo anh Phía, trong nhiều cuộc họp bản gần đây, bà con yêu cầu phải đòi lại đất bằng được, nếu không đòi được sẽ phá rừng để lấy đất sản xuất. Khi chúng tôi nói, phá rừng là vi phạm Luật Bảo vệ rừng, nhưng bà con cho biết, nếu không phá thì không có đất sản xuất, cả gia đình có 5 - 6 người thì ăn bằng gì.
Trái với những ý kiến của người dân bản Hua Huổi Luông thì người dân bản Mo 1, 2 lại cho rằng đất đó thuộc của bản họ, không liên quan đến bản Hua Huổi Luông. Ông Lò Việt Dũng, Trưởng bản Mo 2 cho biết: Trước đây, việc người dân hai bản cho nhau mượn đất như thế nào chúng tôi không biết, chỉ là sự thỏa thuận giữa các hộ dân với nhau. Trải qua nhiều thời kỳ, bà con có tập quán xác định ranh giới đất sản xuất giữa các bản theo dòng chảy khe, suối hoặc dựa vào những ngọn đồi núi... Bởi vậy, việc tranh chấp đất giữa các bản khó tránh khỏi. Vì lý do này nên tình trạng tranh chấp đất sản xuất giữa hai bản cứ kéo dài. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương có phương án giải quyết sớm để người dân ổn định cuộc sống. Ông Điêu Chính Anh, bản Mo 2 (hộ mà người dân bản Hua Huổi Luông cho rằng đang lấn chiếm đất của họ) cho biết: Diện tích đất này trước đây thuộc gia đình tôi, bây giờ nằm ngay sát bản Hua Huổi Luông nên họ đòi lại chúng tôi không đồng ý.
Để giải quyết vấn đề tranh chấp đất đã nhiều lần các hộ dân của hai bản cho rằng cần có sự điều chỉnh lại ranh giới giữa bản với bản cho phù hợp với thực tế quản lý đất đai và cuộc sống của người dân. Thực tế thời gian từ năm 1990 đến nay đã quá lâu, cũng như không có giấy từ về việc cho mượn, hay là đất khai hoang của các bản nên rất khó xác định là đất của bản nào. Ngay cả chính quyền còn lúng túng trong xác định ranh giới giữa các bản. Được biết, tại cuộc họp tiếp xúc cử tri xã Lay Nưa vừa qua, cử tri bản Hua Huổi Luông đề nghị chính quyền xã xác định rõ ranh giới giữa hai bản để người dân sớm ổn định cuộc sống, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Ông Phạm Hữu Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Lay Nưa cho biết: Ranh giới giữa hai bản Hua Huổi Luông và bản Mo 1, 2 từ trước đến nay rất nhập nhằng. Năm 2013, chúng tôi đã có đoàn kiểm tra lên tận ranh giới giữa hai bản, xác minh lại. Thực tế, theo yếu tố lịch sử thì diện tích đất hiện hai bản đang tranh chấp thì thuộc bản Mo 1, 2, nhưng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 09 năm 2010, về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thì căn cứ vào diện tích đất để chi trả tiền cho người dân thì phần đất đó thuộc bản Hua Huổi Luông. Chính vì sự chồng chéo giữa yếu tố lịch sử và Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chi trả môi trường rừng nên dẫn đến sự tranh chấp chưa giải quyết được. Hiện nay, chúng tôi đang vận động, tuyên truyền người dân hai bản ổn định cuộc sống, chia sẻ khó khăn trong đất canh tác.
Mặc dù sự việc trên đã được chính quyền bàn bạc, đưa ra hướng giải quyết nhưng trên thực tế nếu việc tranh chấp trên không được giải quyết triệt để sẽ gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý bảo vệ rừng; tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra gay gắt ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực. Bên cạnh đó, việc quản lý địa giới hành chính giữa các bản cũng bị xáo trộn. Trước mắt, chính quyền địa phương cần phân định rõ ràng địa giới hành chính, đặc biệt là khu vực xảy ra tranh chấp đất sản xuất; việc điều chỉnh cần thực hiện sớm bởi thực tế đã có nhiều vụ xô xát liên quan đến tranh chấp, gây mất an ninh trật tự và khó khăn cho công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Văn Tâm