Về nơi có sức người sỏi đá... cũng chẳng thành cơm

Thứ Ba, 12/05/2015, 14:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cách trung tâm thị trấn huyện lỵ gần 100km, Huổi Mí là xã khó khăn nhất của huyện Mường Chà, với tỷ lệ hộ nghèo 74%. Trong chuyến thăm Huổi Mí mới đây đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Sơn tỏ rõ những băn khoăn, trăn trở khi chứng kiến cuộc sống “thiếu trăm bề” của người dân nơi đây.

n
Đồng chí Trần Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (thứ 3 từ trái sang) làm việc tại UBND xã Huổi Mí, huyện Mường Chà.

 

Mờ sáng, khi cuộc hành trình của đoàn công tác từ TP. Điện Biên Phủ đến xã Huổi Mí bắt đầu cũng là lúc trời mưa lất phất. Chủ tịch UBND huyện Mường Chà Lý Nụ Phình mở đầu câu chuyện kèm theo lời “cảnh báo”: “Mưa thế này đường vào Huổi Mí khó lắm đấy nhé”. Câu nói phần nào thấy được cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây. Đúng như lời nói của ông Phình, sau gần nửa ngày ngồi trên ô tô, chúng tôi mới thấy khuất sau những dãy núi thấp thoáng những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Thái, Mông... Dọc đường từ đầu xã vào, đoàn công tác qua nhiều điểm trường mầm non, tiểu học ở các bản. Gọi là điểm trường nhưng thực chất chỉ là gian nhà cấp 4 nằm chơ vơ trên đỉnh dốc. Gian nhà nhỏ hẹp, liêu xiêu đến nỗi dường như không thể trụ được với thời gian lâu hơn. Mỗi lớp chỉ vỏn vẹn vài ba em nhỏ chăm chú nghe thầy cô giáo giảng bài. Những ánh mắt háo hức, thơ ngây của các em, bất giác tôi chạnh lòng nghĩ đến học sinh ở những nơi có điều kiện tốt hơn.

Là xã được thành lập vào tháng 4/2013 trên cơ sở chia tách từ xã Hừa Ngài nên trụ sở UBND xã được đầu tư xây dựng một số phòng chức năng mới, còn lại phần đa vẫn tạm bợ. Trong hội trường ủy ban xã với sức chứa chỉ chừng 20 người, ông Giàng A Sếnh, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Mí cho biết: “Tuy là xã nghèo nhưng an ninh trật tự trên địa bàn rất tốt. Bởi cả xã không có quán xá nên lớp thanh niên ít có điểm tụ tập hơn. Vì không có quán xá nên mỗi khi có khách xa về làm việc, lỡ bữa cán bộ xã đều mời về nhà... Lật từng trang sổ công tác, ông Sếnh đọc vanh vách cho chúng tôi biết thông tin sơ lược về tình hình của xã Huổi Mí: 572 hộ, với 3.320 nhân khẩu. Thu nhập bình quân lương thực năm 2014 đạt 290 kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 74%. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực 558ha, trong đó lúa nước 37ha, lúa nương 143ha, ngô 212ha. Chính vì vậy, giải pháp để người dân có cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc, diện mạo nông thôn khởi sắc, hệ thống chính trị vững chắc hơn... luôn là những trăn trở của cấp ủy, chính quyền đoàn thể xã trong mỗi cuộc giao ban. Đất nương thì bạc màu; năng suất lúa thì “nhờ trời”. Thấy chúng tôi thắc mắc, ông Sếnh giải thích: Vì diện tích đất ruộng đều ở những nơi khá cao, hàng năm để có thể trồng được lúa nước, mỗi khi có mưa người dân phải tranh thủ be bờ giữ nước thì mới mong đảm bảo mùa vụ. Còn nếu trời không mưa thì phải chuyển sang trồng cây màu. Qua số liệu báo cáo của ông Sếnh và giá cả thực tế khi người dân bán nông sản, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Sơn nhẩm tính: Trung bình thu nhập của xã chỉ đạt 3,8 tỷ đồng/năm, mỗi gia đình thu nhập được 7 triệu đồng/năm... Con số này đủ nói nên cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn đến mức nào.

v
Trụ sở UBND xã Huổi Mí hiện đang là nhà tạm, cần được đầu tư xây dựng kiên cố.

 

Trong phút giải lao, ông Sùng Dũng Cử, Chủ tịch UBND xã Huổi Mí tâm tư: Dù có gần 14.000ha đất tự nhiên nhưng toàn là đất đá, nên việc trồng hoa màu gặp rất nhiều khó khăn. Nhớ lại, suốt chặng đường gần 30km từ Quốc lộ 6 vào đến trung tâm xã Huổi Mí toàn là đồi trọc, đá “mọc” lô nhô. Mặc dù khi đoàn công tác vào Huổi Mí mới khoảng 10 giờ sáng nhưng trên các nương đồi vắng hoe, hiếm hoi lắm mới thấy một vài phụ nữ cặm cụi nhổ cỏ, làm nương. Không như nhiều nơi khác ở huyện Mường Chà, bà con nông dân đang tất bật cho mùa vụ mới, thì ở xã Huổi Mí đất đai bỏ hoang với lý do thường trực: thiếu nước, thừa đá. Theo người dân Huổi Mí, nguyên nhân khiến cái nghèo đeo đẳng mãi là do đất đai cằn cỗi, đá nhiều hơn đất, khí hậu trong vùng khắc nghiệt, thường thiếu nước vào mùa khô, trong khi kinh tế chủ yếu vẫn là trồng trọt. Không có nước tưới, diện tích gieo cấy của nhiều hộ gia đình phải bỏ hoang. Ông Cử than thở: “Người ta có tài nguyên đá thì giàu, còn người dân xã mình sống trên đá mà vẫn cứ nghèo. Dù chúng tôi lao động cật lực nhưng đá… chẳng thành cơm”, nên lương thực chính của bà con ở đây vẫn chủ yếu là ngô.

Một trong những cái nghèo nữa ở Huổi Mí là thiếu điện lưới, thiếu đường giao thông, muốn lên xã chủ yếu đi bộ. Cách duy nhất để vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm lên các bản là bằng đôi vai người dân. Chỉ một số ít gia đình có ngựa thồ. Vào đợt mưa kéo dài, có bản gần như cô lập. Nhiều gia đình đứt bữa, trẻ nhỏ phải nghỉ học. Khi đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy hỏi bây giờ bà con mong muốn nhất điều gì? Thì nhiều người mạnh dạn ý kiến xin con đường và điện lưới là được rồi. Lắng nghe những tâm tư, chia sẻ của bà con, tôi lại càng thêm thấm thía, xót xa trước cái nghèo, cái khó của người dân Huổi Mí. Hơn ai hết, bà con dân bản mong muốn được cải thiện đời sống, mong muốn con em được học tập để vươn cao, vươn xa, thoát khỏi cái đói, cái nghèo và sự lạc hậu. Nhưng cái khó bó cái khôn, đường lên bản còn quá khó nên những nhu cầu tối thiểu như được chăm sóc sức khỏe, được hưởng thụ văn hóa dường như vẫn còn xa xôi với người dân Huổi Mí.

Chia sẻ với lãnh đạo xã và người dân Huổi Mí, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Sơn giao cho các sở, ban ngành, đặc biệt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất thí điểm các mô hình phát triển kinh tế bền vững, hướng dẫn, giúp đỡ bà con tìm ra các loại con giống phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Đồng thời, giao cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn thiện các tuyến đường qua xã Huổi Mí, điện lưới quốc gia cho người dân.

Trên đường trở về nhưng trong lòng mỗi chúng tôi vẫn “nặng trĩu” những băn khoăn, trăn trở. Hy vọng rằng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng lòng vượt khó của người dân, Huổi Mí sẽ sớm có điện, có đường...

 

Văn Tâm
 

.