Điện Biên

Những sắc màu và hoa văn thổ cẩm

Thứ Bảy, 08/09/2018, 15:57 [GMT+7]

Điện Biên TV - Quan niệm sống của các dân tộc Á Đông luôn coi trọng sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Vì vậy, thiên nhiên như hiện diện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống con người. Trong trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói riêng, màu sắc và hoa văn thổ cẩm, không chỉ phán ánh vẻ đẹp của thiên nhiên mỗi vùng, miền, mà còn phản ánh ý niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng tâm linh và lịch sử, văn hóa của mỗi dân tộc. 

Điện Biên có 19 dân tộc với trang phục truyền thống đa dạng về kiểu dáng, hoa văn và màu sắc. Dân tộc Thái có váy đen, áo cóm và khăn piêu;  dân tộc Mông có trang phục dệt bằng sợi lanh, váy xòe hoa văn vẽ bằng sáp ong, thêu chỉ màu ; dân tộc Dao có áo dệt bằng sợi bông nhuộm chàm; dân tộc Lào có các loại thổ cẩm hoa văn tinh tế. Màu sắc và hoa văn thổ cẩm của mỗi dân tộc đều toát lên tính cách riêng, được truyền giữ qua nhiều thế hệ,  trở thành nét đẹp văn hóa rất đáng trân trọng của cộng đồng các dân tộc Điện Biên.

1
Chiếc khăn thêu và họa tiết hoa văn trên đó là nét độc đáo tạo nên bản sắc trong trang phục của người dân tộc Thái Điện Biên.

 

Nói về màu sắc và hoa văn thổ cẩm của các dân tộc Điện Biên, chúng ta không thể không nhắc tới chiếc khăn piêu của các cô gái Thái. Người Thái vốn có nghề dệt cổ truyền phát triển. Phụ nữ dân tộc Thái thường trồng bông, trồng dâu nuôi tằm và tự dệt vải may trang phục cho cả gia đình. Tuy nhiên, ngày nay trang phục dân tộc của họ hầu hết đều được may bằng các loại vải sợi công nghiệp. Chị em phụ nữ chỉ còn tự dệt khăn piêu và chiếc túi đeo họ hay mang bên mình.

Khăn piêu của phụ nữ dân tộc Thái màu chàm, dài khoảng một sải tay, diềm khăn được khâu bằng vải màu xanh, đỏ. Hai đầu khăn thêu hoa văn màu sắc tươi tắn, trang nhã. Hoa văn trên khăn piêu khá đa dạng với các biểu tượng tín ngưỡng như tà leo là các đường thẳng cặp ba chạy song song và hình khau cút, là những biểu tượng xua đuổi tà ma, bảo vệ cho người đội khăn.

Ở các góc khăn là tai piêu và các nhóm cút piêu, biểu tượng phẩm vật cao quý của người bề trên. Ngoài ra trên chiếc khăn piêu người phụ nữ dân tộc Thái còn thêu hình hoa bầu, hình ngôi sao năm cánh hoặc hình con cua, con nhện cách điệu. Với những hoa văn mang tính biểu tượng cao, màu sắc được phối hợp hài hòa, khăn piêu khiến các cô gái Thái thêm duyên dáng. Khăn piêu cũng được coi như vị thần che chở cho người phụ nữ khi nắng, khi mưa. Chiếc khăn thêu và họa tiết hoa văn trên đó là nét độc đáo tạo nên bản sắc trong trang phục của người dân tộc Thái Điện Biên.

Quần cư xen kẽ với các bản Thái là bản làng của người dân tộc Khơ Mú. Người Khơ Mú vốn sống đời sống du canh du cư trên nương rẫy, nghề dệt của họ phát triển khá muộn, do học hỏi từ các dân tộc sống xung quanh như dân tộc Thái, dân tộc Lào. Trang phục của họ có ảnh hưởng bởi trang phục dân tộc Thái, nhưng được biến tấu tạo nên phong cách riêng.

Phụ nữ dân tộc Khơ Mú ở bản Tọ Cuông – xã Ảng Tở - huyện Mường Ảng học được nghề dệt vải khá lâu. Họ có thể tự dệt khăn, dệt túi và tự may váy áo dân tộc. Trang phục truyền thống của họ có áo ngắn, bên trong có yếm, đai lưng bằng vải, váy dài, đầu đội khăn piêu. Chiếc áo ngắn của phụ nữ Khơ Mú thường là áo tối màu, có hàng cúc bướm như áo cóm của phụ nữ dân tộc Thái, nhưng cổ xẻ thấp hơn.

Bên hàng bướm bạc họ đính hai dải đồng xu màu bạc. Áo của họ có nẹp cổ, nẹp ngực và các dải vải hoa trang trí trên cổ tay. Hoa văn trên áo của phụ nữ người Khơ Mú không mang tính tượng hình, nhưng là các hoa văn thể hiện màu sắc tươi đẹp của thiên nhiên, với mong ước mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no. Phụ nữ Khơ Mú cũng đội khăn piêu. Tuy nhiên, họa tiết hoa văn trên khăn piêu khơ mú đơn giản và khăn không có cút piêu.

Để trang trí cho chiếc khăn piêu đội đầu, họ đính vào góc khăn chùm sợi màu hồng hoặc màu đỏ. Họ có thể mặc váy của phụ nữ dân tộc Thái hoặc váy của phụ nữ dân tộc Lào. Tuy có ảnh hưởng từ các dân tộc sống xung quanh, nhưng cách trang trí hoa văn trên trang phục thổ cẩm truyền thống, cũng thể hiện quan niệm về cái đẹp và tín ngưỡng dân gian của người Khơ Mú.

1
Họa tiết hoa văn trên thổ cẩm dân tộc Lào được phối màu và tạo hình một cách tinh tế

 
Trong số các dân tộc có nghề dệt phát triển ở Điện Biên thì nghề dệt của dân tộc Lào được đánh giá là đạt tới trình độ tinh xảo. Sản phẩm của nghề dệt truyền thống có trình độ cao này là các sản phẩm thổ cẩm hoa văn phong phú, màu sắc đa dạng. Hoa văn trên thổ cẩm dân tộc Lào không phải là hoa văn đính hay thêu trên mặt vải, mà là hoa văn được tạo nên ngay trên khung dệt bằng cách đan kết các sợi màu theo công thức nhất định.

Phụ nữ dân tộc Lào bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên vẫn đang giữ gìn và phát huy tốt nghề dệt của dân tộc. Hàng năm, họ sản xuất được nhiều loại thổ cẩm có màu sắc và hoa văn đẹp tinh tế. Hoa văn thổ cẩm dân tộc Lào được tạo ngay trên khung dệt nhờ các công thức vắt chỉ được sáng tạo và lưu truyền từ ngàn xưa. Hình hoa lá, cỏ cây, hình chim, rồng, voi, hổ…  đều được thể hiện trên thổ cẩm. Sự phong phú, đa dạng các loại hoa văn trên thổ cẩm dân tộc lào thể hiện trình độ thẩm mĩ cao của dân tộc này.

Họa tiết hoa văn trên thổ cẩm dân tộc Lào được phối màu và tạo hình một cách tinh tế. Tuy nhiên, sự độc đáo của những hoa văn này lại được thể hiện ở những thông điệp của chúng. Hoa văn hình người cưỡi voi – con vật biểu tượng của đất nước “vạn tượng”, hay hoa văn hình chùa tháp với dáng mái cong vút, tao nhã, là hình ảnh về vùng đất trước đây người dân tộc lào từng sinh sống. Hoa văn hình con hổ, nói về tập tục kiêng kị không được giết hổ của một số dòng họ người Lào. Hoa văn hình con rồng nói về truyền thuyết người hóa rồng: Có người chị dâu muốn hại em chồng, nhặt được quả trứng rồng, chị ta bèn đem luộc lên cùng với một quả trứng vịt, chị dặn chồng ăn trứng vịt, còn em ăn trứng rồng. Nhưng vì thương anh, người em nhường quả trứng to cho anh. Người anh ăn vào liền hóa thành rồng bay đi mất. Đây là câu chuyện nhắc nhở về tình cảm yêu thương trong gia đình và luật nhân quả ở đời. Những thông điệp từ hoa văn thổ cẩm, khiến cho thổ cẩm Lào càng thêm cuốn hút.

Màu sắc trang trí trên thổ cẩm của người Mông đỏ thường tươi tắn với màu hồng và màu đỏ là chủ đạo.
Màu sắc trang trí trên thổ cẩm của người Mông đỏ thường tươi tắn với màu hồng và màu đỏ là chủ đạo.

 

Nếu thổ cẩm của người dân tộc Thái và dân tộc Lào chủ yếu làm từ sợi bông và tơ tằm, thì thổ cẩm dân tộc Mông dệt từ sợi cây lanh. Với người Mông, sợi lanh vốn đã được coi là một loại sợi tâm linh. Sợi lanh được dệt thành những súc vải trắng, vẽ sáp ong rồi nhuộm chàm. Váy áo của phụ nữ Mông được ghép vải màu và thêu thùa thành bộ trang phục có hoa văn rực rỡ. Trang phục của các ngành Mông, nổi bật nhất là trang phục của phụ nữ Mông đỏ. Phụ nữ dân tộc Mông đỏ ở các xã Sa Lông, Huổi Lèng, Ma Thì Hồ huyện Mường Chà vẫn còn giữ phong tục tự may, vẽ, thêu trang phục truyền thống trên thổ cẩm. Nghệ thuật vẽ sáp ong trên thổ cẩm của họ vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những bộ trang phục thổ cẩm thêu, vẽ hoa văn là tài sản vô giá đối với họ.

Trang phục của phụ nữ Mông đỏ gồm chiếc áo xẻ ngực được nẹp vải màu từ cổ áo tới vạt áo, phía sau có một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn hài hòa. Hai ống tay áo cũng thường thêu những đường vằn ngang với đủ màu sắc từ nách đến cửa tay. Trên chiếc váy xòe, ngoài các họa tiết có cấu tạo bằng đường thẳng, đoạn thẳng, người phụ nữ Mông còn thêu các hoa văn hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc hay các đường lượn sóng đuổi nhau liên tiếp.

Hoa văn trên cổ áo và hoa văn tượng hình
Hoa văn trên cổ áo và hoa văn tượng hình

 

Đó là những họa tiết hoa văn mang tính biểu tượng, thể hiện mặt trời, sấm chớp, cỏ cây và thể hiện sự vận động của vũ trụ. Những hoa văn này, cho thấy tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, ước mong mưa thuận, gió hòa của đồng bào Mông. Trên váy áo của phụ nữ Mông đỏ, chúng ta cũng có thể bắt gặp các biểu tượng hoa văn gắn liền với cuộc sống như hình ảnh hoa đào, hình chữ thập, hình chữ X, tượng trưng cho sừng trâu, một con vật vừa gắn với nhà nông, vừa dùng trong lễ hiến tế. Màu sắc trang trí trên thổ cẩm của người Mông đỏ thường tươi tắn với màu hồng và màu đỏ là chủ đạo. Những màu sắc này biểu trưng cho sự ấm áp, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Màu sắc ấy giúp những cô gái Mông nổi bật giữa núi rừng và cũng phù hợp với tâm lí của những cư dân sống trên núi cao, quanh năm sương mù, giá lạnh.

Thổ cẩm của mỗi dân tộc lại có nét đặc trưng riêng. Đó là các nét hoa văn thể hiện vẻ đẹp của hoa lá, cỏ cây, chim muông. Đó còn là những câu chuyện thể hiện tình đời, tình người và là những hình ảnh phản ánh lịch sử dân tộc trên bước đường di cư. Ngày nay, thổ cẩm không chỉ được ca ngợi bởi có nghệ thuật phối màu và tạo hoa văn mang phong cách riêng, người ta còn ưa chuộng thổ cẩm bởi chất liệu thiên nhiên, mang lại cho con người nhiều cảm hứng. Với những giá trị riêng, thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Điện Biên đã trở thành nét văn hóa độc đáo đáng được trân trọng và gìn giữ.
                                                         

 

 

 

Minh Giang – Anh Tuấn/DIENBIENTV.VN

.