Điện Biên: Thành lập Quỹ hoàn lương giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng

Thứ Ba, 28/11/2017, 10:52 [GMT+7]

 Điện Biên TV - Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn, UBND tỉnh Điện Biên đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền. Phần nào xoá bỏ được sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù, tạo cho người dân có thái độ đúng đắn, cởi mở hơn và chủ động tham gia vào các hoạt động giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng.

Đại tá ò Văn Khụt - Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị Sơ kết thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16/09/2011 của Chính phủ về công tác bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tập trung làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt chế độ, chính sách và tư vấn, trợ giúp pháp lý đối với người chấp hành xong án phạt tù. Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phổ biến, gioá dục pháp luật cho 1.409 người; tổ chức dạy nghề cho 32 người; hướng nghiệp, giới thiệu, giải quyết việc làm cho 46 người; tạo điệu kiện thuận lợi trong việc đăng ký thường trú, tạm trú cho 1.732 người; cấp giấy chứng minh thư nhân dân cho 1.341 người, đảm bảo cho họ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, lực lượng chức năng từ tỉnh đến huyện đã trực tiếp gặp gỡ, kiểm tra các loại giấy tờ có liên quan, đề nghị cam kết không tái phạm tội, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nội quy, quy định của địa phương; đồng thời tổ chức có hiệu quả công tác theo dõi, quản lý, giáo dục, cảm hoá và thường xuyên rà soát, phân loại, cập nhật thông tin, bổ sung hồ sơ, số liệu về người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú trên địa bàn. UBND các xã, phường, thị trấn đã phân công người trực tiếp theo dõi, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Định kỳ 6 tháng, 1 năm có nhận xét, đánh giá về tình hình chấp hành pháp luật cũng như khả năng hoà nhập cộng đồng dân cư nơi sinh sống và thái độ của người dân đối với họ.

Nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã vượt qua mặc cảm, khó khăn, nỗ lực phấn đấu trở thành công dân tiêu biểu, thành đạt trong sản xuất kinh doanh và tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương. Tiêu biểu như các mô hình dòng họ như: dòng họ Giàng, dòng họ Mào, dòng họ Tòng, dòng họ Điêu, dòng họ Sùng, dòng họ Lò... ở Tủa Chùa. Việc thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện cần thiết cho người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng là  một trong những điều kiện cho sự phát triển của dòng họ. Ngoài ra, một số người là trưởng dòng họ và các thành viên thường xuyên quyên góp giống cây trồng, vật nuôi, tiền của giúp những người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn để họ có vốn làm ăn sinh sống, sớm trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội.

Đối với huyện Điện Biên, hàng năm đều ban hành kế hoạch tạo điều kiện cả về vật chất, tinh thần để người chấp hành xong án phạt tù xoá bỏ mặc cảm, yên tâm làm ăn. Do vậy, tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện luôn ở mức thấp dưới 2%. Đặc biệt nhờ sự giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương đã có nhiều người thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng như anh Phạm Văn Lộc (đội 18, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên), anh Trần Minh Diệm (đội 19, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên)...

Bên cạnh công tác tuyên truyền, UBND tỉnh Điện Biên còn thành lập Quỹ hoàn lương để hỗ trợ kinh phí và vận động sự đóng góp tài chính, vật chất của các tổ chức, cá nhân cho công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh. Sau khi thành lập, Quỹ đã phát động, quyên góp ủng hộ được 905 triệu đồng; trong đó: UBND tỉnh trích từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 500 triệu đồng,  Công an tỉnh hỗ trợ 245 triệu đồng, các doanh nghiệp 160 triệu đồng. Quỹ hoàn lương đã giải quyết cho 17 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với tổng số tiền là 320 triệu đồng, bước đầu góp phần giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng. Điển hình như anh Đặng Ngọc Khanh (thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) sau khi được vay vốn từ Quỹ hoàn lương với số tiền 20 triệu đồng, anh đã đầu tư máy móc, mua nguyên vật liệu phục vụ kinh doanh, làm khung nhôm, cửa kính, bước đầu đã tạo công ăn việc làm cho anh và người thân trong gia đình. Chị Đặng Thị Đoàn (đội C17C, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) vay vốn Quỹ hoàn lương để mua con giống, phát triển kinh tế chăn nuôi hộ gia đình, tạo thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình.

Đại tá Lò Văn Khụt – Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Để thực hiện tốt Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16/09/2011 của Chính phủ về công tác bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh cần tập trung vào công tác giáo dục, tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho họ. Các đơn vị, cơ quan chức năng mà lực lượng nòng cốt là công an tiếp tục tổ chức theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng, không để họ bị lôi kéo, xúi giục phạm tội, phục vụ tốt cho công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh.

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.