Điện Biên

Lao đao giá lợn hơi xuống dốc và bài học cho người chăn nuôi

Chủ Nhật, 07/05/2017, 14:46 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ đầu năm đến nay, người nuôi lợn ở tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung phải vật vã vì giá lợn hơi xuống thấp. Nhiều hộ nông dân   chăn nuôi  không bán được, nếu bán thì phải chịu lỗ, trong khi giá thức ăn gia súc và thuốc thú y không hề giảm, còn người tiêu dùng vẫn phải mua từ thịt đắt. Đây là cú sốc và cũng là bài học cho người chăn nuôi.

Giá lợn hơi tại miền Bắc bắt đầu trượt giá từ cuối năm 2016. Tháng 12/2016 giá lợn từ 40 – 45 nghìn đồng/1kg giảm xuống còn 30 – 35 nghìn đồng/1kg. Đến tháng 4/2017 giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, tại Hà Nội có giá từ 16 đến 19 nghìn đồng/1kg. Ở tỉnh ta do chi phí chăn nuôi cao nên giá lợn hơi được giữ ở mức từ 25 - 26 nghìn đồng/1kg, giảm trên 40% so với cuối năm 2016.

1
Gía lợn hơi xuống thấp gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi

 

Gia đình chị Poòng Thị Luyến ở thị trấn Mường Chà nuôi 2 con lợn nái và 30 con lợn thịt. Như mọi năm, khi lợn được khoảng 50 – 60kg chị cho xuất chuồng. Chị vẫn bán cho thương lái ở thị xã Mường Lay, huyện Mường Chà và huyện Nậm Pồ với giá 45 – 50 nghìn đồng/1kg lợn hơi. Mỗi năm 2 lứa lợn, gia đình chị thu được từ  60 – 70 triệu. Nhưng năm nay lợn đã đến kỳ xuất chuồng mà gọi mãi không thấy người đến bắt. Theo chị được biết giá lợn hơi thời gian này đang xuống rất thấp, mà lợn ở các tỉnh miền xuôi mang lên bán ở Điện Biên giá lại thấp hơn giá lợn ở địa phương, nên đàn lợn của chị đến ngày xuất chuồng rồi mà vẫn chưa bán được. Biết là tiếp tục đầu tư cho đàn lợn ngày một lớn lên sẽ không có lãi, nhưng chị Luyến không biết phải làm sao.
 
Ông Bùi Văn Kiều, thị trấn Mường Chà huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng trại lợn với quy mô nuôi 1.000 con lợn nái, lợn giống và lợn thịt. Vừa nuôi lứa lợn đầu tiên chủ trại đã vấp phải khó khăn... Ông tính, nếu chăn nuôi thuận lợi sau 3 năm trại lợn sẽ sinh lợi nhuận.

Nhưng không ngờ lứa lợn đầu tiên ông đã phải chịu lỗ đau đớn, khi giá lợn hơi giảm từ 45.000 đồng/1kg xuống còn 26.000 đồng/1kg. Theo tính toán của ông Kiều, để đầu tư nuôi 1 con lợn thịt đến khi đạt trọng lượng 1 tạ, nếu bán với giá 26.000 nghìn đồng/1kg, ông lỗ khoảng 1 triệu 200 nghìn đồng.

Phải bán đàn lợn với giá quá thấp, vậy mà ông vẫn không thể xuất lợn thịt đúng thời điểm. Thương lái còn đang chờ ông xuống giá, bởi lúc này người chăn nuôi ở các tỉnh miền xuôi đang bán tháo lợn với giá hơi chưa đến 20 nghìn đồng/1kg. Không còn cách nào khác, ông Kiều phải cho đàn lợn ăn cầm chừng chờ tìm được mối tiêu thụ. Đàn lợn thịt đang gây cho người chủ trại này không ít lo lắng, bởi chúng càng lớn nhu cầu thức ăn càng nhiều, hơn nữa lợn càng to giá bán lại càng hạ. 1 con lợn thịt từ 70kg đến 1,2 tạ có thể bán với giá 28 – 30 nghìn đồng/1kg, thì từ trên1,2 tạ chỉ có thể bán với giá 25 – 26 nghìn đồng, thậm chí còn thấp hơn. Giá lợn thịt giảm mạnh khiến giá lợn giống cũng giảm theo. Cách đây 5 tháng, giá lợn giống còn ở mức 100 - 120 nghìn đồng/1kg, nay giảm xuống còn 70 – 80 nghìn đồng/1kg.

Với tình hình giá lợn xuống dốc, người chăn nuôi đang phải cố gắng cầm cự thì lợn giống cũng không thể bán được. Trại lợn của ông Kiều vì vậy khó khăn chồng chất khó khăn. Hiện tại trại của ông Kiều đang nuôi 30 lợn nái dòng Đu – rốc, trên 300 lợn giống và 200 con lợn thịt, riêng chi phí tiền cám hàng tháng đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Không xuất được lợn, lãi vay ngân hàng đầu tư cho trại lợn vẫn phải gánh. Nếu không có cách cầm cự, ông Kiều có thể sẽ phải đóng cửa trại ngay khi vừa mới nuôi lứa lợn đầu tiên.
          
Theo khảo sát của Sở NN&PTNT tỉnh vào đầu năm 2017, đàn lợn trên toàn tỉnh ta có số lượng trên 369.500 con, trong đó lợn thịt là trên 29.600 con, sản lượng thịt hơi đạt khoảng trên 11.000 tấn. Đàn lợn được chăn nuôi nhỏ lẻ ở các địa phương, số trang trại quy mô lớn không nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm toàn tỉnh. Tuy nhiên trong thời điểm giá lợn hơi giảm như hiện nay, lợn được nuôi tại địa phương vẫn không bán được, bởi giá cả không thể cạnh tranh được so với lợn nhập từ các tỉnh miền xuôi.

Nông dân Điện Biên không bán được lợn, trong khi ở các chợ đầu mối trên toàn tỉnh, hàng ngày vẫn có hàng trăm tấn thịt lợn được bán với giá cao. Chợ trung tâm I, thành phố Điện Biên Phủ mỗi ngày có hàng chục tấn thịt lợn được xuất đi khắp vùng lòng chảo và các huyện lân cận.

Giá bán lẻ thịt lợn ở đây giảm không đáng kể so với thời điểm này năm trước, như: giá thịt mông sấn vẫn giữ ở mức 80.000 đồng/1kg ; nạc thăn, nạc vai vẫn ở mức 100.000 đồng/1kg. Người tiêu dùng ưa chuộng thịt lợn nuôi không có cám tăng trọng, loại thịt này được bán với giá rất cao: 130 nghìn đồng/1kg thịt mông sấn ; 110.000 đến 120.000đồng/1kg thịt ba chỉ. Các loại thực phẩm làm từ thịt lợn như: giò, chả vẫn giữ ở mức từ 130 – 150 nghìn đồng/1kg. Thịt lợn sấy khô 350 – 400 nghìn đồng/1kg.

Thời điểm này khắp toàn quốc đều nói đến việc chung tay tiêu thụ lợn cho nông dân. Chính thời điểm này cũng đang xuất hiện một nỗi lo mới: sau đợt giảm giá mạnh khiến giá lợn hơi ở Việt Nam rẻ nhất thế giới, sẽ có nhiều người bỏ chuồng trại hoặc chuyển sang hướng khác. Có thể chỉ vài tháng nữa thôi nguồn cung lại thiếu hụt, giá lại tăng đột biến, người chăn nuôi sẽ lại lao vào cái vòng luẩn quẩn, tái đàn, tăng đàn bất hợp lí và lại thua lỗ. Vì vậy nông dân nên thấy sự việc giá lợn hơi xuống dốc thảm hại lần này như một bài học để có hướng chăn nuôi an toàn hơn.
          
Sau đợt giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, nông dân thua lỗ và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi muốn tái đàn. Chiếm 70 - 75% giá thành sản phẩm chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn không hề giảm ngay khi giá lợn hơi chạm đáy. Chịu thua lỗ, người chăn nuôi đang gặp khó khăn về vốn sẽ khó có thể tái đàn. Để giúp người chăn nuôi có thể tái đàn, các ngân hàng cần thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi lợn theo chỉ đạo của Chính phủ như: khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục đồng hành cùng người nông dân với chính sách ưu đãi. Còn cơ quan quản lý nhà nước về chăn nuôi cần giúp người nông dân có cái nhìn xa hơn, thiết thực hơn cho bản thân như: chăn nuôi có quy hoạch, làm việc theo quy trình, có khoa học, tham gia chuỗi giá trị, ký kết thoả thuận rõ ràng với bên bao tiêu sản phẩm, tránh gặp phải cảnh lao đao như hiện nay.
                                                                         

 

Minh Giang

.