Cần đầu tư, khai thác tiềm năng lòng hồ Nậm Ngám

Chủ Nhật, 07/05/2017, 10:28 [GMT+7]

Điện Biên TV - Được khởi công xây dựng từ năm 2010, đến nay hồ chứa nước Nậm Ngám, xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) đã hoàn thành đưa vào tích trữ nước, cung cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống cho người dân thuộc các xã: Pú Nhi, Noong U (huyện Điện Biên Đông) và một phần của xã Na Sang (huyện Điện Biên). Với diện tích lòng hồ lớn, cảnh quan đẹp, thiên nhiên thơ mộng, hồ Nậm Ngám hứa hẹn trở thành địa điểm lý tưởng để nuôi trồng thuỷ sản, phát triển tiềm năng du lịch sinh thái.

Chúng tôi đến xã Pú Nhi đúng dịp Tổ hợp tác đồng quản lý hồ chứa nước Nậm Ngám hạ thủy một chiếc thuyền sắt do các thành viên tự chế tạo, phục vụ cho việc khai thác, đánh bắt thủy sản. Chứng kiến chiếc thuyền gắn động cơ lướt trên mặt hồ mênh mông, 30 thành viên trong tổ hợp tác rất phấn khởi, đặc biệt là đối với ông Lò Văn Loan, Tổ trưởng Tổ hợp tác đồng quản lý hồ chứa nước Nậm Ngám. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt, ông Loan bày tỏ cảm xúc: “Để xây dựng hồ chứa nước Nậm Ngám, hơn 100 hộ dân ở 2 bản: Nậm Ngám A và Phiêng Ngám sinh sống trong vùng ngập lòng hồ phải di chuyển ra bản tái định cư; nhường nơi ở, đất ruộng cho lòng hồ. Những ngày đầu, nhiều người dân bị mất đất sản xuất nên tỏ ra hoang mang vì không biết phải làm nghề gì để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, từ khi hồ chứa nước Nậm Ngám hoàn thành và đưa vào trữ nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với chính quyền địa phương đã hỗ trợ thả cá xuống hồ tạo sinh kế cho bà con nên mọi người cũng yên tâm hơn. Đến nay, dưới lòng hồ có nhiều cá lớn nên các thành viên trong tổ hợp tác đã “chung tay, góp sức” chế tạo chiếc thuyền sắt gắn động cơ thay cho những con thuyền độc mộc để thuận tiện cho việc khai thác, đánh bắt thủy sản và phát triển du lịch; tạo cơ hội phát triển kinh tế cho người dân.

c
Các thành viên trong Tổ hợp tác đồng quản lý hồ chứa nước Nậm Ngám khởi động chiếc thuyền mới

 

Mặc dù đã xế chiều nhưng chúng tôi vẫn nhận lời mời của các thành viên trong Tổ hợp tác đồng quản lý hồ chứa nước Nậm Ngám để lênh đênh trên chiếc thuyền mới, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Chiếc thuyền chở tối đa 20 người nhưng ai ai cũng muốn được lên thuyền trải nghiệm, hòa mình với cảnh vật và sóng nước hữu tình. Thuyền nổ máy và xuôi dần về hướng các nguồn nước; chênh vênh bên triền đồi thấp có dãy sa mộc vươn cao khiến bất cứ ai cũng có cảm giác như bắt đầu vào thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai) mờ sương. Hướng mắt về phía mặt hồ gợn sóng, ông Sùng A Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhi tâm sự: Khi hồ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân thường sử dụng những chiếc thuyền độc mộc để làm nghề chài lưới nhằm “cải thiện” bữa ăn gia đình. Nay bà con đã đầu tư, chế tạo thuyền sắt gắn máy và hướng tới còn mua sắm thêm lưới đánh cá to, phục vụ việc đánh cá với số lượng lớn hơn, đây là điều kiện thuận lợi nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Với diện tích mặt hồ rộng và nhiều khe nước, suối đầu nguồn chảy vào cung cấp lượng nước dồi dào, hồ Nậm Ngám sẽ là một ngư trường giàu tiềm năng, không chỉ phục vụ khai thác, đánh bắt thuỷ sản mà còn gắn với việc phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch.

Được biết, trước đây, tổ hợp tác đã triển khai mô hình nuôi cá lồng thử nghiệm trong khu vực lòng hồ song do sự thiếu thống nhất về công tác quản lý của các hộ tham gia, khiến mô hình ngừng lại sau 2 vụ nuôi thử nghiệm. Với điều kiện sinh thái phù hợp, nếu được quan tâm, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ con giống thì việc tiếp tục nuôi cá lồng theo quy mô hộ gia đình sẽ là hướng phát triển kinh tế tốt cho người dân địa phương. Khi lòng hồ được đầu tư khai thác tốt không chỉ thuận lợi cho chăn nuôi thủy sản mà du lịch cũng hứa hẹn cho thu nhập cao. Hiện nay, lòng hồ Nậm Ngám có rất nhiều cá to mà địa điểm này cách TP. Điện Biên Phủ chỉ hơn 10km nên những dịp nghỉ lễ dài, nhiều du khách thường lên đây câu cá giải trí và ngắm cảnh. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, nếu được đầu tư đúng mức, lòng hồ Nậm Ngám có cơ hội rất lớn để phát triển du lịch; đồng thời gắn với phát huy truyền thống, giữ gìn nét văn hóa bản sắc các dân tộc. Qua đó, sẽ giúp địa phương tiến nhanh trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo./.

 

Phạm Quang
 

.