Đấu giá biển số xe: Phải xác định được biển số xe là tài sản

Thứ Sáu, 21/04/2017, 09:56 [GMT+7]

Bộ Công an vừa tổ chức họp lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành về dự thảo đề cương Đề án đấu giá biển số xe ô tô.
 
Bộ Công an đã khởi động xây dựng Đề án đấu giá biển số xe. Vậy, sau khi đấu giá thành công một biển số xe nào đó, người trúng đấu giá có được quyền bán lại, cho, biếu, tặng? Khi mua xe mới, có được quyền gắn biển đã trúng đấu giá trước đó?

Có thể làm thí điểm

Bộ Công an vừa tổ chức họp lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành về dự thảo đề cương Đề án đấu giá biển số xe ô tô. Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến.
 

1
 Để đưa biển số xe ra đấu giá, việc đầu tiên và bắt buộc phải xác định được biển số xe là tài sản.

 

Trong đó có ý kiến coi biển số xe là tài sản nhưng chủ xe chỉ có quyền sử dụng, không có quyền định đoạt (cho, tặng, bán biển số xe cho người khác); không có quyền chiếm hữu (giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác).

Biển số xe trúng đấu giá là tài sản dưới dạng “quyền tài sản” nhưng phải thực hiện theo nguyên tắc quản lý phương tiện của pháp luật hiện hành: Mỗi biển số gắn với 1 xe; Khi chuyển nhượng xe, biển số đó được cơ quan công an làm thủ tục cùng với xe.

Trong khi đó, một chuyên gia pháp luật cho biết, theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, để đưa biển số xe ra đấu giá, việc đầu tiên và bắt buộc phải xác định được biển số xe là tài sản.

Tuy nhiên, quyền tài sản lại bao gồm cả quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Khi đó, biển số sẽ thành tài sản cá nhân, không còn là giấy tờ, tài liệu của cơ quan Nhà nước nên chủ sở hữu có thể cho, tặng, bán biển xe đó cho người khác. Điều này sẽ làm thay đổi nguyên tắc quản lý phương tiện hiện hành.

“Đây là vấn đề phức tạp, còn tranh cãi về pháp lý vì nó liên quan đến quản lý về hành chính, trật tự. Nếu giao cho dân quyền định đoạt như thế có thể sẽ phá vỡ quản lý về cấp biển số xe. Hiện vẫn đang lấy ý kiến, đang tính toán, chưa thể chốt lại. Nhưng quan điểm chung là không thể quy định việc người dân có quyền cho, biếu, tặng biển. Tinh thần chung là làm sao quản lý tốt được việc đó. Để làm được có thể phải sửa luật, trước khi sửa luật cũng cần thí điểm để xem tính hiệu quả”, vị chuyên gia cho hay./.

 

Theo VOV

.