Gà Việt với gà Mỹ giá rẻ: Cuộc chơi sòng phẳng
Để cạnh tranh với gà nhập khẩu giá rẻ, ngành chăn nuôi trong nước cần có sản phẩm đạt sản lượng, chất lượng cao và giá thành thấp.
Tại tỉnh Đồng Nai – thủ phủ của ngành chăn nuôi cả nước, nhiều tuần qua giá gà giảm sâu khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Gần đây, thông tin thịt đùi gà đông lạnh nhập từ Mỹ với giá siêu rẻ, chỉ từ 7.000 đồng/kg càng khiến người chăn nuôi thêm hoang mang, lo ngại ngành chăn nuôi gà trong nước sẽ sớm bị triệt hạ.
Trong câu chuyện giá gà giảm sâu tại Đồng Nai vừa qua, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại gà siêu rẻ từ Mỹ và một số nước được nhập vào Việt Nam.
Thông tin thịt đùi gà đông lạnh nhập từ Mỹ với giá siêu rẻ khiến người chăn nuôi hoang mang. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo ông Võ Thanh Duy, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình, đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1, TP HCM, nếu gà nhập có chất lượng tương đương thì không thể nào có giá rẻ như thế và nếu có thì chắc chắn là “có vấn đề”.
“Kỹ thuật chăn nuôi gà của Việt Nam không hề thua kém so với nước Mỹ và nhiều quốc gia khác nên nói rằng, người nuôi gà Mỹ có thể giảm giá thành tới mức đùi gà bán ra giá 7.000 đồng/kg là không tưởng. Thực tế giá đùi gà ở Mỹ cũng không hề rẻ, khoảng 3USD/kg, tức khoảng hơn 60.000 đồng, nên cần đặt dấu hỏi cho chất lượng loại thịt siêu rẻ nhập vào nước ta”, ông Duy cho biết.
Khẳng định không ngại đương đầu với gà nhập ngoại, ông Duy cho rằng, khi đã bước vào sân chơi của thế giới Việt Nam phải hòa nhập. Doanh nghiệp chăn nuôi cần phải đầu tư trang thiết bị chuồng trại hiện đại, nâng cao sản lượng gà thịt. Đặc biệt, cần nâng cao và đảm bảo chất lượng gà, khi thành phẩm 1 kg gà thịt với giá thành thấp nhất, lúc đó mới có thể cạnh tranh được với công ty nước ngoài.
Như vậy có thể thấy, người chăn nuôi gà trong nước, kể cả người chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ nếu thiết lập được quy trình chăn nuôi chuẩn, giá thành sản xuất thấp nhưng tạo ra sản phẩm sạch, không tồn dư kháng sinh, chất cấm, miễn nhiễm với dịch bệnh thì không có lý do gì phải “sợ” gà nhập khẩu.
Đồng quan điểm này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai - ông Trần Văn Quang cho rằng, nếu người chăn nuôi gà xây dựng được chuỗi liên kết với quy mô lớn, hoàn chỉnh từ chăn nuôi, giết mổ, phân phối thì việc cạnh tranh sòng phẳng với gà nhập là hoàn toàn có thể.
“ Hiện nay chúng ta đang mở cửa thị trường và chúng ta chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng. Nếu chúng ta không có liên doanh, liên kết để tạo thành đối trọng cạnh tranh thì không tồn tại được. Để giải quyết vấn đề này thì các doanh nghiệp phải đầu tư với quy mô lớn, cắt giảm chi phí sản xuất, đầu tư khoa học kỹ thuật mới có thể cạnh tranh được”, ông Quang nói.
Câu chuyện giá gà Mỹ vẫn chưa có hồi kết, nhưng đã là một lời cảnh tỉnh đối với người chăn nuôi trước sức ép cạnh tranh. Giá gà cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác ở Đồng Nai trong thời gian vừa qua phải hứng chịu hậu quả không nhỏ của những “cơn bão mất giá”, từ việc mất cân đối cung cầu, thông tin dịch bệnh, nay lại thêm thông tin gà siêu rẻ khiến người chăn nuôi đã khó lại càng thêm khó.
Trong khi nước ta đã tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại, nghĩa là sẽ có các làn sóng sản phẩm từ nước ngoài ồ ạt tràn vào, thì người chăn nuôi cũng cần chủ động sẵn sàng cạnh tranh trong một cuộc chơi sòng phẳng, bằng kinh nghiệm và kỹ thuật của một quốc gia có thế mạnh về chăn nuôi./.
Theo VOV