Tủa Chùa

Khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm chè búp khô

Thứ Hai, 07/11/2016, 15:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với mức tồn đọng chè búp khô năm 2015 là 4,5 tấn và sản lượng chè khô năm 2016 ước đạt 13 tấn, với mức tiêu thu như hiện nay, dự báo năm 2016 sẽ tồn đọng 9 tấn chè búp khô không có đầu ra.

Huyện Tủa Chùa hiện có trên 570 ha chè, trong đó có gần 8.400 cây chè cổ thụ, nhiều cây đã hàng trăm năm tuổi với sản lượng chè búp tươi thu hái đạt gần 90 tấn trên năm. Chất lượng chè Tủa Chùa ở đây với hương vị đặc biệt tự nhiên, được sản xuất theo quy trình chất lượng đảm bảo an toàn không sử dụng hóa chất. Song hiện nay đầu ra của sản phẩm chè Tủa Chùa vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
   

1
Huyện Tủa Chùa hiện có trên 570 ha chè, trong đó có gần 8.400 cây chè cổ thụ.

 

Các diện tích chè tập trung chủ yếu ở 4 xã Sín Chải, Tả Phình, Tả Sìn Thàng và Sính Phình. Gia đình bà Giàng Thị Sớ ở bản Ta Pao, xã Sính Phình là một trong những hộ có diện tích chè nhiều nhất của xã, với diện tích gần 3 ha chè, mỗi năm từ chè gia đình bà có nguồn thu trên 30 triệu đồng, cây chè đã gắn liền với cuộc sống của gia đình bà.

Với cách hái truyền thống khi chè lên búp, có 1 tôm 2 lá hái mang về sao tay khô lên rồi tiêu thụ ra thị trường. Không chỉ gia đình bà Sớ mà sản phẩm chè của các hộ trong huyện cũng được bà con trồng thu hái không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun, nên chè hoàn toàn sạch và chất lượng cao hơn, dù được sản xuất theo phương pháp thủ công hay công nghệ hiện đại cũng không làm mất đi chất lượng vốn có của nó.
Bà Giàng Thị Sớ chia sẻ "Gia đình tôi có gần 3ha chè, mỗi năm cho thu hái đã mang lại cho thu nhập gia đình từ 25 đến 30 triệu đồng. Không chỉ gia đình tôi mà bà con dân bản ở đây trước đây cuộc sống khó khăn lắm, nhưng nay trồng chè thì bán lấy tiền để mua đồ dùng và sách vở cho con cái đi học, cuộc sống ổn định. Cây chè cũng là một phần cho công tác xoá đói giảm nghèo nên chúng tôi  phải chăm sóc tốt. Tuy nhiên hiện nay khi bán chè khô vẫn còn khó khăn lắm.  "

1
Dự báo năm 2016 lượng chè sẽ tồn đọng 9 tấn chè búp khô không có đầu ra

 

Cây chè nói chung, chè Tuyết shan cổ thụ nói riêng đã được Tỉnh, huyện Tủa Chùa qui hoạch thành vùng, và coi đây là một trong những cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Những năm qua chè Tuyết Shan Tủa Chùa được đánh giá cao về hương vị, chất lượng của chè cây cao.

Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm chè Tuyết shan Tủa Chùa lại chưa thực sự có chỗ đứng bền vững trên thị trường; sản phẩm chè thành phẩm còn tồn đọng rất nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là giá bán còn cao, hiện chè hộp cây cao có giá 400 ngàn đồng/kg; chè không đóng gói 180 ngàn đồng/kg. Các cơ sở sản xuất, sao, chế biến dây truyền sản xuất, phân loại đóng gói còn lạc hậu, mẫu mã chưa thu hút người tiêu dùng. đặc biệt là khâu tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm còn hạn chế, do đó người tiêu dùng còn thờ ơ với sản phẩm này.

Hiện tại trong kho của Chi nhánh Trạm giống nông nghiệp Tủa Chùa, Công ty cổ phần giống nông nghiệp Điện Biên đang tồn đọng  4,5 tấn chè của năm 2015 và năm 2016 sản lượng chè khô ước đạt 13 tấn, với mức tiêu thu như hiện tại dự báo năm 2016 sẽ tồn đọng 9 tấn chè búp khô. Do vậy, để tiêu thụ được số chè tồn kho này, hiện nay huyện Tủa Chùa đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiến tới quảng bá sản phẩm chè.
 
Nhu cầu sử dụng chè trên thị trường là rất lớn, chính vì vậy hiện nay huyện Tủa Chùa đang tích cực duy trì, bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong việc quan tâm chăm sóc, thu hái và sản xuất chè theo đúng quy trình kỹ thuật để chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm. Huyện Tủa Chùa đã và đang nỗ lực cùng các cấp, ngành liên quan và người dân tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm chè Tủa Chùa./.

 

Thái Thanh- Ngọc Hải

.