"Hạt vàng" Điện Biên

Thứ Tư, 09/11/2016, 10:09 [GMT+7]

 Điện Biên TV - Điện Biên Phủ có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn nhất vùng Tây Bắc, đây chính là vùng đất sản sinh ra hạt gạo thơm ngon nức tiếng. Thương hiệu gạo Điện Biên  được người dân cả nước biết đến, đã và đang được người dân vùng lòng chảo Điện Biên tự hào gìn giữ suốt nhiều thập niên qua.  

Điện Biên vùng Biên viễn của tổ quốc, không chỉ là nơi gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nơi đây còn có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn và bằng phẳng, là một trong 4 cánh đồng rộng lớn nhất vùng Tây Bắc. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt, đây chính là nơi sản sinh ra gạo Điện Biên thơm ngon nức tiếng.

Gạo Điện Biên là sản phẩm chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, gồm hai loại gạo IR64 và Bắc thơm số 7. Hai loại gạo này được duy trì sản xuất tại khu vực lòng chảo Mường Thanh từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước trở về đây. Xây dựng và gìn giữ gạo Điện Biên thương hiệu, sản phẩm đặc biệt của cánh đồng Mường Thanh trong suốt 3 thập niên qua, là các cơ quan chuyên môn của tỉnh cùng bà con nông dân huyện Điện Biên.

1
Cánh đồng Mường Thanh nơi sản sinh ra gạo Điện Biên thơm ngon nức tiếng.

 
Điện Biên là địa danh ra đời từ năm 1841, thời Thiệu Trị. Đây là vùng đất nằm trên khu vực biên giới Tây Bắc của tổ quốc, có địa hình phức tạp với nhiều dãy núi cao, xen kẽ là các thung lung nhỏ và hẹp. Trong số hàng trăm thung lũng ấy, rộng lớn và bằng phẳng nhất là lòng chảo Điện Biên Phủ, có diện tích khoảng 150.000 ha. Nằm trong vùng lòng chảo Điện Biên Phủ là cánh đồng Mường Thanh rộng lớn nhất vùng Tây Bắc, có chiều dài trên 20km, chiều rộng trung bình 6km, tổng diện tích sản xuất lúa nước hơn 4.000 ha. Đây chính là vùng đất sản sinh ra gạo Điện Biên thơm ngon nức tiếng. Thương hiệu Gạo Điện Biên  được người dân cả nước biết đến, đã và đang được người dân vùng lòng chảo Điện Biên tự hào gìn giữ suốt nhiều thập niên qua.   

Gạo Điện Biên thơm ngon nức tiếng chính là hai loại gạo IR64 và gạo Bắc thơm số 7, được sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh. Hai giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7, chọn lọc từ tập đoàn giống nhập nội, được Bộ NN&PTNT công nhận là giống chính thức tại Việt Nam vào các năm 1986 và 1998. Đã có hàng chục giống lúa được đưa vào trồng thử nghiệm trên cánh đồng Mường Thanh cùng IR64 và Bắc thơm số 7, nhưng suốt từ năm 1986 đến nay, chỉ có hai giống lúa này được người dân chấp nhận, gieo trồng ổn định về diện tích.

Sản lượng và chất lượng gạo IR64 và Bắc thơm số 7 cũng luôn ổn định, có tính cạnh tranh cao trên thị trường so với các loại gạo khác. Trong cơ cấu sản xuất lúa gạo ở khu vực lòng chảo Điện Biên, lúa IR64 chiếm từ 15 đến 20%, còn lúa Bắc thơm số 7 chiếm từ 60% đến 70%. Nông dân Điện Biên chọn hai giống lúa này làm giống chủ lực trong sản xuất, bởi đặc tính giống lúa phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng và đặc điểm chất lượng hạt gạo.

Tuy nhiên chất lượng đặc thù của chúng khi được gieo trồng tại lòng chảo Điện Biên, mới là cái làm nên thương hiệu gạo Điện Biên nức tiếng. Thực tế sản xuất hai loại lúa IR64 và Bắc thơm số 7 tại Điện Biên cho thấy, dù là loại lúa có phổ thích nghi rộng hay hẹp, thì  chỉ ở lòng chảo Điện Biên mới sản xuất được loại gạo có chất lượng đặc thù. 

1
Gạo Điện Biên thơm ngon nức tiếng chính là hai loại gạo IR64 và Bắc thơm số 7

 

Hạt gạo Mường Thanh luôn có sự khác biệt so với gạo được gieo trồng ở các vùng đất khác, là do màu mỡ của rừng già, núi cao khắp nơi chảy vào thung lũng. Tinh túy đất trời hội tụ trong từng thớ đất đã tạo nên hạt gạo dẻo thơm không ở đâu có được. Vùng lòng chảo Điện Biên với diện tích trên 16.100 ha, tồn tại nhiều loại đất khác nhau, người dân sản xuất lúa trên 2 nhóm đất chính là đất phù sa và đất đỏ vàng. Chất lượng đất trồng lúa ở đây rất thuận lợi cho cây lúa phát triển, với hàm lượng chất hữu cơ, đạm, lân ở mức độ từ trung bình đến giàu.

Bên cạnh chất đất là điều kiện khí hậu vùng lòng chảo với nhiệt độ trung bình 22,40C – 23,160C ; mùa đông ít khi có sương muối và băng giá. Dù có mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm, nhưng nhờ có Đại thủy nông Nậm Rốm và hệ thống các hồ chứa trên đầu nguồn, lúa trên cánh đồng Mường Thanh không bao giờ bị thiếu nước. Những yếu tố thuận lợi về đất đai, nguồn nước, khí hậu, chính là yếu tố làm nên sự dẻo thơm và hương vị đặc biệt cho gạo Điện Biên.

Toàn bộ khu vực rộng gần 10 ha chỉ trồng giống lúa Bắc thơm số 7. Quy trình sản xuất giống siêu nguyên chủng bắt buộc người sản xuất phải thực hiện việc loại tạp trong từng giai đoạn khác nhau. Những hạt giống siêu nguyên chủng được chọn lựa tại đây sẽ được tiếp tục đưa vào quy trình sản xuất giống nguyên chủng, giống xác nhận và đưa vào sản xuất đại trà.

Mỗi năm Trại giống lúa Điện Biên sản xuất được khoảng 400 tấn giống lúa nguyên chủng và giống xác nhận, phục vụ gieo cấy tại khu vực lòng chảo Điện Biên. Bắc thơm số 7 cùng với IR64 là hai giống lúa được Công ty giống nông nghiệp Điện Biên khảo nghiệm, phát triển từ những năm 1985 – 1990, nay đã trở thành các giống lúa chính đưa vào sản xuất lúa gạo thương hiệu Điện Biên.

Để xây dựng được thương hiệu lúa gạo Điện Biên chất lượng cao, trong suốt 30 năm qua, những người làm công tác nghiên cứu, khảo nghiệm và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất lúa gạo của Điện Biên, đã dày công tìm hiểu và thực hiện các biện pháp duy trì, phục tráng và nhân giống lúa nguyên chủng. Thời gian không làm cho họ nản lòng, ngược lại thương hiệu gạo Điện Biên ngày càng đứng vững trên thị trường cho thấy nỗ lực của họ đã được đền đáp.
  
Hiện nay Trại giống lúa Điện Biên còn liên kết sản xuất giống xác nhận với nông dân ở các xã trong vùng lòng chảo Điện Biên, giúp nâng cao thu nhập cho bà con, và khẳng định vai trò nông dân Điện Biên là chủ nhân của thương hiệu gạo Điện Biên.

Mỗi năm Trại giống lúa Điện Biên sản xuất được khoảng 400 tấn giống lúa nguyên chủng và giống xác nhận, phục vụ gieo cấy tại khu vực lòng chảo Điện Biên. Để đảm bảo cung ứng giống chất lượng cao cho vùng lòng chảo và các địa phương khác trên toàn tỉnh, Trại giống lúa Điện Biên đã liên kết sản xuất giống xác nhận với nông dân ở các xã Thanh An, Thanh Chăn, Thanh Yên. Thanh Chăn là xã có diện tích sản xuất giống xác nhận lớn nhất trong khu vực. Riêng đội 1 Thanh Chăn có tới 21 ha sản xuất giống xác nhận, liên kết với Trại giống lúa Điện Biên. Nông dân Điện Biên giờ đây không chỉ là chủ nhân của thương hiệu gạo Điện Biên, mà còn trở thành những người có vai trò quan trọng duy trì và phục tráng giống lúa siêu nguyên chủng chất lượng cao.

1
Gạo Điện Biên trở thành thương hiệu đặc sản khi du khách tới thăm mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng

 

Cánh đồng Mường Thanh với nhiều ưu đãi của tự nhiên ban tặng đã sản xuất ra loại gạo chất lượng cao. Nhờ vậy mà nông dân trong vùng đã có cuộc sống ngày càng ổn định nhờ canh tác lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, để thương hiệu gạo Điện Biên được bảo vệ, cần có chế tài cụ thể.

Với nhiều nỗ lực của địa phương và các ngành chuyên môn, năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3340 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00043 cho sản phẩm gạo Điện Biên nổi tiếng. Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này. Đây là cơ sở để tỉnh tiến hành các bước tiếp theo, xúc tiến huy động các doanh nghiệp địa phương, kết hợp với nông dân, các cơ sở chế biến trong việc phát triển, khai thác chỉ dẫn địa lý.

Đồng thời định hướng, tập huấn cho các hộ nông dân tham gia sản xuất gạo chất lượng cao phải đảm bảo áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, phát huy tính tự chủ, tránh trông chờ ỷ lại vào các cơ quan chức năng. Nông dân là những người nắm bắt rõ nhất về điều kiện tự nhiên, kỹ thuật canh tác, và những khó khăn trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy họ là người có vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng sản phẩm, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo nên thương hiệu gạo “Điện Biên” bền vững.
     
Đặc sản gạo Điện Biên không chỉ đơn thuần là phẩm vật trời cho, mà còn là kết tinh từ tâm huyết và sự kiên trì lao động của con người. Hơn 30 năm qua gạo Điện Biên đã trở thành hàng hóa có mặt ở Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Sẽ còn rất nhiều việc mà địa phương cùng với người nông dân và các doanh nghiệp Điện Biên cần phải làm, để thương hiệu gạo Điện Biên được giữ gìn, phát triển trong 30 năm qua đứng vững trên thị trường, mang dẻo thơm góp phần mình vào tinh hoa hạt gạo Việt Nam.
                                                            

 

Minh Giang – Anh Tuấn

.