Cây Sa nhân trên đất bản Lồng

Thứ Hai, 26/09/2016, 16:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, giá thành sản phẩm cao, đầu ra ổn định, hiện nay cây sa nhân đã trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân bản Lồng xã Tỏa Tình huyện Tuần giáo

Vài năm trước đây,  anh Mùa A Tòng- Bản Lồng- xã Tỏa Tình huyện Tuần giáo đã trồng xen gần 4 ha cây sa nhân  dưới tán cây táo mèo và Đào lai. Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình anh có thêm thu nhập vài chục triệu đồng. Việc trồng xen này có nhiều lợi ích, vừa có tác dụng chống xói mòn, giữ ẩm cho đất, còn táo mèo và Đào lai tạo bóng mát cho sa nhân phát triển. Nhờ vậy, trên một diện tích đất, gia đình anh Tòng có 2 nguồn thu nhập, kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt.

Theo số liệu thống kê, huyện Tuần giáo hiện có trên 40 ha cây sa nhân  trong đó, chỉ tính riêng tại bản Lồng, diện tích trồng loaị cây thảo dược này đã chiếm tới gần 30 ha, số diện tích sa nhân còn lại được bà con nông dân trồng dải rác tại 1 số bản khác thuộc xã  Tỏa Tình và Tênh phông

1
Huyện Tuần giáo hiện có trên 40 ha cây sa nhân

 

Trồng sa nhân chỉ mất 3 năm đầu làm cỏ, những năm sau đó, cây mọc lan kín mặt đất nên gần như cả năm không mất công chăm sóc, chỉ đến thu quả khi đến mùa. Sa nhân trồng tại đây chủ yếu là loại sa nhân quả xanh, dễ trồng, thích hợp với đất và khí hậu của vùng, Do giá thành cao, số lượng không nhiều nên các thương lái thường đến tận nơi thu mua hoặc đặt hàng các gia đình trồng sa nhân ngay từ đầu năm.

Năm nay, giá sa nhân khô cao hơn so với các năm trước từ 100 - 200.000 đồng/kg. Sa nhân khô đầu mùa bán được giá 730.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, nhưng nhiều thương lái đến tận nơi vẫn không mua được vì số lượng rất ít. Đến thời điểm hiện tại, giá quả khô vẫn còn từ 650.000 - 700.000 đồng/kg. Nhờ trồng Sa nhân nên đã có không ít hộ gia đình tại bản Lồng đã thoát nghèo và trở nên khá giả

Năm 2015, do rét đậm, rét hại kéo dài nên diện tích trồng cây Sa nhân của bà con bản Lồng đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Để giúp bà con nông dân sớm khắc phục hậu quả, ngay sau khi xảy ra rét đạm rét hại, huyện Tuần giáo đã chỉ đạo các ban, ngành có liên quan bằng nhiều giải pháp giúp đỡ người dân bản Lồng và những gia đình trồng Sa nhân sớm khắc phục hậu quả ro thiên tai gây ra

Hiện nay, trồng sa nhân là 1 trong những hướng phát triển kinh tế có hiệu quả tại Tỏa Tình. Một trong những ưu điểm lớn của cây sa nhân là có thể trồng dưới tán rừng thưa, rất thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế của bà con nông dân, vừa là cây trồng đem lại thu nhập, vừa giúp bảo vệ rừng.

Do giá sa nhân hiện đang ở mức cao và ít tốn công chăm sóc nên hiện nay, người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh đã tự phát trồng trồng và mở rộng diện tích cây Sa nhân. Theo ông Lò văn Hoàn- Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh cho biết: Sa Nhân là loại cây khó tính, đòi hỏi rất nhiều điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng, không phải địa phương nào cũng đủ điều kiện để trồng Sa nhân, vì vậy người dân khi có nhu cầu trồng cây Sa nhân cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp để tránh gặp phải những rủi do đáng tiếc có thể xẩy ra./.


                                                             

Phạm Hải

 

.