Cần thận trọng khi mở rộng diện tích trồng cây mắc ca

Thứ Tư, 22/06/2016, 19:21 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng, phát triển đến năm 2030. Diện tích quy hoạch đã được rút xuống chỉ là gần 10.000 ha thay vì 220.000 ha như công bố trước đây.

c
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã trồng được gần 800 ha cây mắc ca, tập trung chủ yếu ở huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo

 

Mặc dù chưa có quy hoạch cụ thể nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã trồng được gần 800 ha cây mắc ca, tập trung chủ yếu ở huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo. Toàn bộ diện tích này là do người dân tự mua giống trồng tự phát.

Theo như quy hoạch cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì diện tích trồng tập trung toàn vùng Tây Bắc 1.800 ha, vùng Tây Nguyên 550 ha. Số diện tích còn lại được trồng xen canh với cây trồng khác như cà phê, chè.

Thực tế, mắc ca là cây dài ngày, mới nhập về Việt Nam và là cây trồng lấy hạt làm thực phẩm. Do vậy, việc xem xét kỹ từ kết quả khảo nghiệm về điều kiện thổ nhưỡng ở các vùng miền; Quá trình từ thu hoạch, chế biến, bảo quản để bảo đảm chất lượng hạt, nghiên cứu thị trường làm sao phát triển bền vững là rất cần thiết.

Việc trồng cây mắc ca tự phát như hiện nay tại một số địa phương trong tỉnh nguy cơ rủi ro là rất cao, khi mà đầu ra của sản phẩm chưa có, vùng nguyên liệu chưa được quy hoạch.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng quy hoạch nên chưa có định hướng về chế biến, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người trồng. Chính vì vậy, việc phát triển cây mắc ca cần phải có các bước đi thận trọng và được tính toán kỹ lưỡng khi đưa vào trồng và phát triển với diện tích lớn như hiện nay./.

 

Tuấn Trung - Tiến Dũng
 

.