Trồng rừng phòng hộ:

"Điệp khúc" không đạt

Thứ Hai, 15/06/2015, 15:16 [GMT+7]
Điện Biên TV - Từ năm 2012 đến nay, chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ của tỉnh đều không đạt. Thậm chí năm 2014 trên địa bàn huyện Điện Biên, Mường Chà… không trồng được một mét vuông đất rừng, đó là chưa kể đến chất lượng rừng. Nguyên nhân được xác định do thiếu đất và suất đầu tư trồng rừng phòng hộ quá thấp nên người dân, chính quyền xã không mấy mặn mà với việc trồng rừng mới.
 
Người dân không mặn mà
 
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đánh giá về kết quả tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng cuối tháng 5 vừa qua cho thấy, diện tích trồng rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh những năm sau luôn thấp hơn năm trước. Điển hình năm 2012, toàn tỉnh trồng được 160ha rừng phòng hộ (đạt 65% kế hoạch), năm 2013 trồng được 115ha (đạt 17,6% kế hoạch) thế nhưng đến năm 2014 diện tích trồng rừng mới giảm còn 101ha (chỉ đạt 34,2% kế hoạch đề ra).
x
Cán bộ xã Na Sang, huyện Mường Chà chỉ cho  phóng viên diện tích đất bỏ trống nhưng vẫn không thể trồng rừng do đã được quy hoạch theo các dự án khác từ trước. 

 

Để làm rõ vấn đề, chúng tôi trực tiếp đến các địa phương hiện đang khó khăn trong công tác trồng rừng. Ông Trần Văn Thại - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Đầu năm 2014, Ban được UBND huyện giao trồng 96ha rừng phòng hộ. Ban đã tổ chức triển khai, vận động người dân các xã: Mường Tùng, Huổi Lèng, Mường Mươn, Na Sang... thực hiện, nhưng đến tháng 7 mới giao vốn nên trong năm vừa qua không thực hiện được trồng rừng mới theo kế hoạch giao. Cũng theo ông Thại, bên cạnh việc giao vốn muộn, thì nhiều nơi người dân cũng chưa mặn mà với việc trồng rừng. Bởi suất đầu tư trồng rừng phòng hộ rất thấp, 15 triệu đồng/ha trong vòng 4 năm nên chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Theo tính toán người dân khi nhận trồng rừng sẽ được 60 ngàn đồng tiền công/ngày (gồm: phát luống, đào hố, vận chuyển, trồng cây...); trong khi đó công đi làm thuê ít nhất từ 100 - 150 ngàn đồng/ngày. Năm 2014, bản Huổi Xuân, xã Na Sang được giao chỉ tiêu trồng 40ha rừng phòng hộ. Chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền xuống các hộ, nhưng dân bản Huổi Xuân kiên quyết giữ đất không cho trồng, vì cho rằng đó là diện tích nương luân canh. Nếu trồng rừng, sẽ không còn đất để sản xuất lương thực. Anh Hờ A Ly - Trưởng bản Huổi Xuân cho biết: Bà con dân bản không nhận trồng rừng và cũng không đồng ý cho dân ở các bản khác đến trồng. Từ trước đến nay, dân bản bám đất, bám rừng để mưu sinh thì nay đất là của dân, dân muốn để trồng lương thực...
 
Tương tự việc triển khai trồng rừng phòng hộ ở huyện Điện Biên cũng không khả quan hơn. Đáng chú ý là những bản phản đối quyết liệt nhất lại là nơi có gia đình của lãnh đạo xã như xã Mường Pồn, Hẹ Muông... Chị Cà Thị Hương, bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông cho biết: “Gia đình sống dựa vào đất nương, nếu trồng rừng thì hết đất canh tác. Bởi thời gian đầu tư dài, ngoài bỏ công cũng cần phải có vốn để mua vật tư. Biết là huyện đang vận động dân trồng rừng nhưng chúng tôi chưa thật sự muốn tham gia...”.
 
Ngược lại có nơi người dân mong muốn được trồng rừng thì diện tích đất đăng ký lại không trong quy hoạch trồng rừng. Như tại bản Na Sản, xã Na Tông (huyện Điện Biên) một số hộ dân có nhu cầu đăng ký trồng rừng nhưng sau khi khảo sát thực địa thì khu đất các hộ dân đăng ký lại thuộc tiểu khu 780, trạng thái rừng IA, đất rừng sản xuất và đất nương. Hai loại đất này không nằm trong kế hoạch trồng rừng của Ban quản lý dự án rừng phòng hộ huyện Điện Biên. Không chỉ riêng người dân 2 huyện Mường Chà, Điện Biên phản đối trồng rừng mà hầu hết các hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng không đồng đình với lý do: trồng rừng sẽ mất đất sản xuất nông nghiệp, trồng rừng không bằng làm nương...
 
Nói về việc khó khăn trong công tác trồng rừng, ông Hà Lương Hồng, Giám đốc Ban quản lý dự án rừng phòng hộ huyện Điện Biên cho rằng: Với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha rừng trong 4 năm khó thu hút người dân mặn mà với việc trồng rừng. Theo ông Hồng, những nơi diện tích đồi núi thuận lợi, gần nhà, gần bản thì người dân đã canh tác sản xuất hết, chỉ còn lại nơi địa hình khó khăn, chia cắt bởi sông suối, độ dốc lớn. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ rừng của bà con dân bản chưa cao, hàng ngày người dân thả rông trâu, bò, dê ăn cụt ngọn cây hoặc giẫm đạp làm chết cây giống mới trồng... Chính vì những lý do nêu trên mà diện tích trồng rừng hàng năm trên địa bàn thấp, độ che phủ rừng chưa đạt kế hoạch đề ra. Có thể nói, việc người dân chưa mặn mà với việc trồng rừng cũng chỉ bởi không đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người trồng rừng.
 
Đất trống... nhưng không thể trồng
 
Theo kế hoạch năm 2015 toàn tỉnh trồng 1.270ha rừng phòng hộ. Tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo và Mường Chà (trên 50% diện tích). Song để thực hiện được cần phải sự ủng hộ của chính quyền, người dân và nhất là phải có quỹ đất để trồng. Thế nhưng những nơi đất trống hiện tại là đất nương của dân, phần còn lại đang bị chồng chéo, vướng mắc giữa các dự án này, đầu tư kia, do đó mới xảy ra tình trạng: có đất nhưng không thể trồng rừng.
v
Một góc rừng bản Nậm Pan 1, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé hết thời gian khoanh nuôi tái sinh nhưng không được bảo vệ, người dân phá bỏ để làm nương.

 

Ông Trần Văn Thại, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà cho biết: Năm 2015, đơn vị đã tổ chức đi khảo sát thiết kế tại một số xã trên địa bàn, song chưa thể sắp xếp được đất trồng rừng. Tại xã Sa Lông có 40 đơn xin trồng rừng, nhưng không thể thiết kế dự án trồng rừng vào đây, vì diện tích đã được quy hoạch thực hiện dự án của Chương trình 327, 661 được đầu tư từ nhiều năm trước, nhưng thực tế đến nay vẫn là đất trống. Các dự án trồng rừng 327, 661 triển khai trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay, với diện tích hàng trăm héc ta rừng. Tuy nhiên, hầu hết những dự án này chưa được nghiệm thu quyết toán; hồ sơ chứng từ qua thời gian thất lạc, nhiều diện tích thực tế hiện nay lại không có rừng vì nhiều lý do khác nhau. Do đó, trên cùng một diện tích, không thể được đầu tư 2 lần vì lần đầu còn chưa nghiệm thu, quyết toán xong. Vì mới xảy ra nghịch lý là, còn đất trống nhưng không thể quy hoạch để trồng rừng bởi trên hồ sơ của cơ quan quản lý thì đó là rừng phòng hộ, là dự án đang đầu tư và chưa được nghiệm thu, quyết toán. Bên cạnh đó, các dự án trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng chỉ có thời hạn trong 5 năm. Tuy nhiên, sau khi hết 5 năm những diện tích khoanh nuôi tái sinh nếu không được đầu tư bảo vệ tiếp sẽ trở thành vô chủ, người dân nghiễm nhiên chặt phá làm nương. Do đó, để đạt được kế hoạch đề ra, thì các cơ quan chức năng cần phải gắn liền việc trồng rừng với đời sống của người dân. Đồng thời cần phải nghiệm thu, quyết toán nhanh chóng các dự án đầu tư trước để có quỹ đất phát triển rừng./.
 
 
Văn Tâm
 
 
.