Điện Biên

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo

Thứ Ba, 04/09/2018, 17:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Năm học 2018 - 2019, Bộ GD - ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và thực hiện tốt vệ sinh trường học. Trên cơ sở đó ngành giáo dục – đào tạo tỉnh Điện Biên đã linh hoạt, sáng tạo triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho năm học mới.

Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 529 trường, hơn 7.300 lớp với tổng số gần 190.000 học sinh thuộc các cấp học. Trên cơ sở đúc kết những kết quả đạt được từ việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản của năm học 2017 - 2018 và những thành tựu của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh ta đã đạt được. 

Năm học 2018 - 2019 ngành GD&ĐT tiếp tục quyết tâm thực hiện có hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản, áp dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện, đặc thù riêng của địa tỉnh. Tập trung đẩy mạnh thực hiện quy hoạch trường, lớp gắn với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

2
Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 529 trường, hơn 7.300 lớp với tổng số gần 190.000 học sinh thuộc các cấp học. ảnh KT

 

Có chính sách linh hoạt về đào tạo, bồi dưỡng và kế hoạch tuyển dụng giáo viên các cấp, tránh thừa thiếu cục bộ và bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non, tiểu học, giáo dục hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Giải pháp đầu tiên là chỉ đạo xây dựng kế hoạch năm học mới, đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng huyện; các trường xây dựng kế hoạch phù hợp, đây là kim chỉ nam, là chương trình hành động, yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của cả năm học. Tập trung bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.

Qua việc kiểm tra năng lực cán bộ quản lý, giáo viên sẽ tập trung bồi dưỡng những vấn đề giáo viên thiếu, yếu. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, quan tâm đặc biệt việc xây dựng và điều hành kế hoạch. Chỉ đạo tốt việc xây dựng nền nếp kỷ cương, trường học để duy trì hoạt động dạy và học; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh thực hiện các biện pháp huy động học sinh ra lớp, nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần. Trong đó, chú trọng linh hoạt khung kế hoạch thời gian năm học, bố trí lịch nghỉ phù hợp với từng địa phương; nâng cao vai trò già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong công tác tuyên truyền; làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh.
 
Là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng Điện Biên tự hào khi nhìn lại những thành tựu giáo dục của năm học 2017 - 2018. Về  tỉ lệ huy động đối với trẻ mầm non từ dưới 36 tháng tuổi. Hiện có 97% trẻ mầm non được ăn bán trú tại trường đạt; 96% trẻ đi học chuyên cần. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, đã quan tâm, tạo điều kiện và có nhiều giải pháp đồng bộ như làm lớp học ba cứng, trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ một phần, dân đóng góp ngày công, đất, và một phần kinh phí, nhờ đó mà tỉ lệ huy động trẻ dưới 36 tháng tuổi ổn định và tăng so với những năm học trước đây.

Khi điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nhu cầu, ngành đã chủ động sắp xếp tăng số trẻ/lớp một cách hợp lý để tiết kiệm biên chế, tiết kiệm cơ sở vật chất, quan tâm phát triển loại hình trường, lớp mầm non ngoài công lập. Các nhà trường tăng cường việc tuyên truyền, vận động để tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường dưới nhiều hình thức nhằm tăng tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần và giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Thực hiện phong trào thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020, cấp học Mầm non đã triển khai thực hiện hiệu quả, sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

2
Đối với giáo dục tiểu học tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, linh hoạt vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với đối tượng học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai. ảnh KT

 

 
Đối với giáo dục tiểu học; Sở tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy và học, linh hoạt vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với đối tượng học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai; gắn đổi mới phương pháp với đổi mới hình thức, tổ chức lớp học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua việc tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Tập trung tăng cường công tác quản lí, chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học theo quan điểm phát triển năng lực; đổi mới tổ chức lớp học gắn với việc phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của học sinh. Tạo cơ hội để cán bộ, giáo viên phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp sáng kiến kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đổi mới phương pháp qua việc nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, chủ động đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học hàng tuần và xây dựng các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học các môn học. Đổi mới công tác quản lý được chú trọng, coi việc đổi mới quản lý là mấu chốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Các đơn vị vận dụng linh hoạt phù hợp với tình hình giáo dục của địa phương.  Hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động trong nhà trường. 100% các trường căn cứ hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, kế hoạch dạy học cả ngày, kế hoạch sinh hoạt chuyên đề, kế hoạch hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, chương trình và kế hoạch dạy tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc đảm bảo phù hợp với thực tiễn giáo dục nhà trường. Năm học 2018-2019, tỉnh ta tiếp tục thực hiện dạy Chương trình Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục tại 136 trường, 376 lớp với hơn 8.000 học sinh. Duy trì Mô hình trường học mới Việt Nam tại 68 trường và mở rộng tại 86 trường đủ điều kiện với gần 1.900 lớp, hơn 40.700 học sinh lớp.
 
Với các trường THCS, tập trung nâng cao chất lượng lớp 6 và lớp 9, trong đó chú trọng chất lượng các môn Toán, Văn, Sử và Tiếng Anh cho các em học sinh; xây dựng chương trình, khung nội dung học tập theo định hướng dạy học có chủ đề, ưu tiên tăng thời lượng thực hành giúp học sinh rèn kĩ năng làm bài, trình bày ý tưởng, thể hiện quan điểm, nhận thức của bản thân hướng tới phát triển năng lực người học một cách hiệu quả nhất.

Biên chế lại thời gian năm học đối với lớp 9, ưu tiên việc đảm bảo thời gian cần thiết cho ôn tập, thi học kì I, học kì II và cuối năm. Xây dựng lại các quy định - quy chế thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; thi đua khen thưởng kỉ luật; tổ chức các hoạt động trong nhà trường; các quy định về tổ chức các hoạt động bán trú theo hướng thiết thực, hiệu quả, đảm bảo.

Tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt bán trú phù hợp và khoa học và rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh. Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỉ lệ chuyên cần, đồng thời tuyên truyền tới Nhân dân trong địa bàn tạo sự chuyển biến nhận thức về nâng cao chất lượng giáo dục.

Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra đối với các trường. Xây dựng phong trào giáo dục; có chế tài xử phạt vi phạm đồng thời gắn với  hình thức thi đua, khen thưởng theo thứ tự ưu tiên, theo lĩnh vực và gắn với hiệu quả công việc được giao, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.   
 
Đối với bậc THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tập trung xây dựng, điều chỉnh chương trình cho phù hợp với đối tượng học sinh. Ðồng thời đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng việc dạy học bám sát đối tượng, theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; xây dựng các chuyên đề, hệ thống câu hỏi trắc nghiệm để đảm bảo song hành giữa dạy học và ôn tập kiến thức. Chủ động nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường sinh hoạt chuyên đề theo hướng nghiên cứu bài học, chủ động dự giờ, kiểm tra tiết học của giáo viên để tư vấn trao đổi kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.

Các trường tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề; tham gia sinh hoạt cụm chuyên môn; tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Một trong những biện pháp thiết thực là việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Từ đó giúp đánh giá thực chất năng lực học sinh để có biện pháp giảng dạy phù hợp cho các nhóm đối tượng, tăng cường công tác phụ đạo cho học sinh yếu kém, theo nguyện vọng đăng ký của các em.

1
Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá từ nội dung đến hình thức tổ chức, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. ảnh KT

 

Tổ chức tốt các hoạt động bổ trợ cho học sinh, như: Giao lưu rèn luyện kỹ năng sống; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hoạt động ngoại khóa nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện. Một trong những giải pháp được Ngành giáo dục – đào tạo đẩy mạnh thực hiện đó là nâng cao chất lượng giáo dục vùng ĐBKK, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện đổi mới chương trình, nội dung giáo dục các cấp học; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá từ nội dung đến hình thức tổ chức, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Tăng quyền tự chủ, chịu trách nhiệm về nội dung giảng dạy, chất lượng giảng dạy, kế hoạch giảng dạy tới từng giáo viên. Theo đó, các đơn vị giáo dục tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, trong đó thể hiện rõ nhiệm vụ, trách nhiệm phụ trách bản về huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỉ lệ chuyên cần gắn với việc đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức cuối năm. Xây dựng lại phân phối chương trình, khung nội dung ôn tập theo định hướng dạy học theo chủ đề, ưu tiên tăng thời lượng thực hành giúp học sinh rèn kĩ năng làm bài, trình bày ý tưởng, thể hiện quan điểm, nhận thức của bản thân hướng tới phát triển năng lực người học một cách hiệu quả nhất.
 
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo vững tin bước vào năm học mới với quyết tâm cao nhất , hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đã đặt ra, quyết tâm gặt hái thêm nhiều thành công trong năm học 2018 - 2019, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục - Đào tạo, xây dựng hình ảnh của ngành Giáo dục – đào tạo trước Nhân dân, tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội./.

 

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.