Điện Biên

Gian nan xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ

Thứ Sáu, 11/08/2017, 07:36 [GMT+7]

Điện Biên TV – Theo kết quả khảo sát mù chữ, tái mù chữ Hội viên phụ nữ, hiện nay tỉnh Điện Biên có trên 30 ngàn hội viên phụ nữ mù chữ chiếm 32%  tổng số hội viên trong toàn tỉnh.

Tình trạng hội viên phụ nữ mù chữ vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên, đặc biệt tại địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống và tương lai người phụ nữ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội nói chung của địa phương. 

Lớp học xóa mù chữ ban đêm tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (ảnh KT)
Lớp học xóa mù chữ ban đêm tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (ảnh KT)


Có thể nói, đến nay tỷ lệ phụ nữ miền núi, đồng bào dân tộc mù chữ vẫn cao bởi nhiều nguyên nhân. Trước tiên do nhận thức về việc học tập còn hạn chế, một số chị em tự ti, an phận, không biết tiếng phổ thông ngại tham gia các lớp xóa mù chữ, đời sống của đại bộ phận người dân còn khó khăn phải lo kiếm cái ăn cái mặc nên chị em không có điều kiện tham gia các lớp học xóa mù.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên số chị em phụ nữ mù chữ tập trung nhiều ở phụ nữ Mông, do điều kiện đi học của người dân, đặc biệt là phụ nữ còn khó khăn. Bên cạnh đó ở miền núi, đồng bào các dân tộc chủ yếu sống bằng nương rẫy, kinh tế mang nặng tính tự cung, tự cấp.  

Mặt khác, người dân vùng cao luôn sống trong môi trường biệt lập, gần như khép kín trong không gian nơi ở và nơi làm việc, kỹ thuật canh tác mang nặng tính chất kinh nghiệm di truyền từ đời này sang đời khác ít biến đổi.

Xã hội vùng cao gần như ngưng đọng cả về mặt thời gian, biệt lập cả về mặt không gian. Nhu cầu giao tiếp ít, đời sống văn hoá còn thấp. Vì vậy nhu cầu dùng chữ của đồng bào dân tộc vùng cao còn hạn chế, nhiều nơi chưa hình thành nhu cầu dùng chữ, và điều kiện đáp ứng nhu cầu đó cũng lại vô cùng khó khăn. Đấy là nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình trạng mù chữ và tái mù chữ khá phổ biến ở vùng cao và đối tượng là chị em phụ nữ.

Để phụ nữ và trẻ em gái có được sự phát triển và không trở thành “gánh nặng” của xã hội thì vấn đề xóa mù chữ thực sự là nhiệm vụ cấp bách và đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Việc xoá mù chữ cho chị em phụ nữ hiệu quả thì cần phải có những giải pháp hiệu quả, gắn liền với nhu cầu người học, có tác dụng thiết thực với người học

Thực tế cũng cho thấy, đối tượng mù chữ thường có điều kiện kinh tế khó khăn, bản thân đều là lực lượng lao động chính trong gia đình nên thời gian tham gia học tập không có. Bên cạnh đó, nhiều nơi phụ nữ không thể tự quyết được cuộc sống của bản thân, việc tham gia vào các tổ chức đoàn thể hay tham lớp học đều phụ thuộc vào sự đồng ý của người chồng. Vì vậy, để tổ chức những lớp học xóa mù cho chị em, bên cạnh công tác tuyên truyền đả thông tư tưởng cho người chồng thì chính quyền địa phương cũng cần có sự hỗ trợ về phương tiện học tập từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho chị em phụ nữ yên tâm tham gia các lớp học xóa mù chữ.

Xóa mù cho chị em phụ nữ  không chỉ là giải phóng phụ nữ thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu mà góp phần vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Vì vậy, công tác xóa mù cho phụ nữ và trẻ em hiện nay vẫn đang được các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên luôn quan tâm và coi đây như nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

 

Hương Trà
 

.