Điện Biên Đông: Mô hình trường học mới VNEN ở xã Noong U - khó khăn cho học sinh khi tiếp cận kiến thức

Thứ Tư, 11/11/2015, 10:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc áp dụng Mô hình học mới VNEN cho học sinhTHCS, năm học này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông đã lựa chọn, triển khai thí điểm mô hình tại 3 trường THCS trên địa bàn các xã Noong U, Na Son và Thị trấn. Sau hơn 2 tháng triển khai, Mô hình trường học mới đã bộc lộ nhiều hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số.

s
Sau hơn 2 tháng triển khai, Mô hình trường học mới tại 3 trường THCS trên địa bàn các xã Noong U, Na Son và Thị trấn đã bộc lộ nhiều hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số

 

Thực hiện Mô hình trường học mới VNEN, Trường PTDTBT Trung học cơ sở xã Noong U, huyện Điện Biên Đông đã áp dụng ở 2 lớp 6 với 70 học sinh. Sau hơn 2 tháng triển khai mô hình trường học mới đã giúp học sinh mạnh dạn, chủ động hơn trong giao tiếp và tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên đối với những học sinh có học lực trung bình và yếu thì phương pháp dạy học mới này càng tăng tính rụt rè, thụ động, gây khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức.

Với điều kiện ở một xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều như Noong U, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề còn chậm nếu không có sự giảng dạy, hướng dẫn của cán bộ giáo viên thì học sinh sẽ không nắm bắt được kiến thức. Mặt khác, phương tiện đồ dùng dạy học chưa được trang bị đầy đủ và tài liệu hướng dẫn cho giáo viên chưa đồng nhất đã gây khó khăn cho nhà trường trong việc triển khai thí điểm mô hình trường học mới.

Cô giáo Nguyễn Thị Loan - Giáo viên trường PTDTBTTHCS xã Noong U, huyện Điện Biên Đông cho biết: Hoạt động nhóm một số em học sinh có học lực khá hoạt động rất tốt bên cạnh đó một số em học lực trung bình, yếu hoạt động không tốt, học chưa phát huy hết khả năng của mình. Đặc biệt về nhà các em lại không ôn luyện chủ yếu giúp gia đình làm việc nhà chính vì thế điểm số gần đây các em yếu hơn so với năm ngoái

s
Trường PTDTBTTHCS xã Noong U - Điện Biên Đông được chọn làm thí điểm Mô hình trường học mới VNEN nhưng đạt kết quả không cao bởi vì ngoài việc học tập trên lớp, về nhà các em còn trao đổi, tiếp thu thêm kiến thức xã hội từ phụ huynh. Nhưng đa số các bậc phụ huynh nơi đây đều thiếu hiểu biết, không đảm bảo các điều kiện để áp dụng việc học tập ở nhà của các em.

 

Mô hình trường học VNEN là mô hình học mới, lấy phương pháp dạy hướng vào phát triển con người, biến hoạt động giáo dục của nhà trường thành hoạt động tự giáo dục của học sinh. Với phương pháp dạy học này, học sinh sẽ tích cực, chủ động, sáng tạo hơn, giáo viên là người hướng dẫn hỗ trợ giúp đỡ khi học sinh gặp khó khăn. Thế nhưng trên thực tế, việc triển khai mô hình học mới này chỉ phù hợp với những trường có điều kiện, trình độ dân trí đồng đều. Bởi ngoài việc học tập trên lớp, về nhà các em còn trao đổi, tiếp thu thêm kiến thức xã hội từ phụ huynh. Nhưng đa số các bậc phụ huynh nơi đây đều thiếu hiểu biết, không đảm bảo các điều kiện để áp dụng việc học tập ở nhà của các em.

Thầy giáo Đỗ Hồng Dương - Hiệu trưởng Trường PTDTBTTHCS xã Noong U - Điện Biên Đông cho hay: Trong quá trình thực hiện Mô hình trường học mới VNEN có 5 chủ đề và hình thức dạy học, ở trường các thầy cô chỉ dạy được 3 hoạt động còn lại 2 hoạt động chính về nhà. Thực tế cho thấy cộng đồng và xã hội ở vùng cao gặp rất nhiều khó khăn phụ huynh học sinh trình độ dân trí thấp Chính vì thế Mô hình trường học mới VNEN không đạt hiệu quả cao

Thời gian tới, để thực hiện Mô hình VNEN từng bước phát huy hiệu quả trong việc nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong các môn học, tập thể giáo viên Trường PTDTBT Trung học cơ sở xã Noong U đã thực hiện sinh hoạt theo tổ, nhóm chuyên môn. Đồng thời, tổ chức dạy học, dự giờ, rút kinh nghiệm để từng bước áp dụng có hiệu quả mô hình học mới đã  triển khai tại trường./.

 


 Hoàng Út - Tuấn Trung

.