Cấp ủy ở đâu khi địa bàn xảy ra "điểm nóng": Bài học lấy dân làm gốc

Thứ Bảy, 03/11/2018, 09:15 [GMT+7]

Ở đâu cấp ủy, chính quyền gần dân, nắm được tâm tư của dân, chủ động đối thoại, kịp thời khắc phục sửa chữa thì nơi đó hóa giải được những khúc mắc.
 
Trong các phần trước của loạt phóng sự “Cấp ủy ở đâu khi địa bàn xảy ra điểm nóng”, phóng viên VOV đã đề cập nguyên nhân cũng như vai trò của các cấp ủy cơ sở khi địa bàn xảy ra “điểm nóng” như Đồng Tâm-Mỹ Đức, Hà Nội; thành phố Phan Thiết, thị trấn Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận.

Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền gần dân, lấy dân làm gốc, nắm được tâm tư nguyện vọng của dân, chủ động đối thoại với dân, kịp thời khắc phục sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm thì nơi đó hóa giải được những khúc mắc, mâu thuẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát “điểm nóng”. Đây cũng chính là nội dung được đề cập trong bài viết cuối của loạt phóng sự này, với nhan đề “Gần dân, lấy dân làm gốc- Bài học không bao giờ cũ”.
 

1
“Gần dân, lấy dân làm gốc- Bài học không bao giờ cũ” (Ảnh minh họa)


Cách đây gần 2 năm, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cũng tiềm ẩn nguy cơ “dậy sóng”, khi những kẻ xấu vin vào sự cố môi trường biển do Công ty Formosa gây ra để lôi kéo, kích động một bộ phận người dân gây áp lực, chống phá chính quyền. Thế nhưng, mưu đồ đó đã không qua được tai mắt của quần chúng nhân dân. “Điểm nóng” Kỳ Anh không thể “bùng phát” từ sức sống, hiệu quả của những buổi sinh hoạt chi bộ như thế này.

Các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, đều đặn này không chỉ diễn ra tại phường Kỳ Phương mà là hoạt động thường xuyên của các cấp ủy cơ sở trên địa bàn thị xã Kỳ Anh. Hàng tháng, các bí thư chi bộ cơ sở luôn có cuộc họp giao ban với cấp ủy, lãnh đạo cốt cán địa phương để quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng… cũng như lên phương án chỉ đạo, giải quyết mọi khúc mắc, khó khăn về đời sống của người dân trên địa bàn.

Bà Bùi Thị Thảo, trú tại phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh nhớ lại, sau sự cố môi trường biển, một số đối tượng xấu xúi giục người dân tụ tập đông người, nhằm mục đích gây rối, chống phá, nhưng người dân đã không nghe theo. Bởi, mưu đồ của chúng đã bị cấp ủy, chính quyền và người dân phát hiện, theo dõi nắm bắt.

"Chúng tôi được nghe mọi thông tin, chính sách thông qua loa đài, các cuộc họp, sinh hoạt, rồi có khi có những sự việc quan trọng thì chúng tôi được đưa các văn bản đến tận nhà. Chính vì thế mà hiểu được mọi chủ trương, chính sách đúng đắn của địa phương. Người dân chúng tôi được nghe thông tin như thế cảm thấy rất gắn bó chính quyền, nên các phần tử xấu không thể lôi kéo, kích động”, bà Thảo chia sẻ.

Hà Tĩnh là địa bàn khởi phát sự cố môi trường biển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc, trên tinh thần chặt chẽ, khách quan, dân chủ, đúng quy định của pháp luật, với sự tham gia trực tiếp của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp trong thống kê, xác định bồi thường thiệt hại. Nơi nào còn có kiến nghị, thắc mắc của người dân thì nơi đó được chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời.

Ông Nguyễn Đình Hải, Bí thư Thị ủy Thị xã Kỳ Anh cho biết, bên cạnh việc chia sẻ, đối thoại với người dân về những khó khăn sau sự cố môi trường biển, tìm các biện pháp để sớm ổn định cuộc sống cho ngư dân, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chủ động theo sát các đối tượng có âm mưu, thủ đoạn chống đối, lợi dụng vụ việc để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Theo ông, đây là sự cố chưa có tiền lệ, nếu chủ quan, lơ là, không giải quyết đúng đắn và kịp thời thì rất dễ tạo thành “điểm nóng”.

Cho nên, theo ông Nguyễn Đình Hải, phải có sự chuẩn bị trước trong vấn đề tuyên truyền vận động, về với cơ sở, về với người dân và phải biết đâu là điểm bắt đầu để có giải pháp cho phù hợp. Từ từ từng bước,  người dân nhận thấy rằng có niềm tin, có chỗ dựa để giảm dần việc bị kích động và giảm dần những đòi hỏi mà luật pháp không cho phép.

Cũng như ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đầu năm 2012, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát “điểm nóng” về an ninh trật tự mà nguyên nhân bắt nguồn từ tranh chấp đất đai giữa người dân hai thôn Tư Sản và Lưu Thượng. Có thời điểm, hàng trăm người dân với băng rôn, khẩu hiệu đã tụ tập trước cổng UBND xã gây sức ép với cấp ủy, chính quyền địa phương. Và dù đã rất cố gắng để ổn định tình hình, nhưng lãnh đạo xã Phú Túc vẫn không thể chèo lái con thuyền vượt qua cơn sóng lớn này.

Xác định thực trạng bế tắc là do cấp ủy cơ sở yếu kém, “mất sức chiến đấu” và xa hơn là ngăn chặn nguy cơ hình thành “điểm nóng” đẩy sự việc đi quá xa, Huyện ủy Phú Xuyên đã có quyết định thay đổi người đứng đầu cấp ủy Đảng xã Phú Túc. Theo đó, Trưởng Ban dân vận Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa được luân chuyển, điều động làm Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc.

Tuy là một cán bộ nữ, trẻ tuổi, lại chưa qua công tác cơ sở, nhưng với năng lực và trọng trách với nhân dân, bầu nhiệt huyết của người trẻ, sau hơn một năm sát cánh cùng cán bộ và nhân dân địa phương, bà Phạm Hải Hoa đã hóa giải thành công khúc mắc, mâu thuẫn của người dân hai thôn Tư Sản và Lưu Thượng. Người dân hai thôn đã tự phá dỡ bờ bao để chính quyền phân chia lại ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa.

Nhìn nhận tình hình xã Phú Túc 6 năm trước, ông Lại Văn Thâu, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Xuyên cho rằng, việc luân chuyển, điều động Trưởng ban Dân vận Phạm Hải Hoa về làm Bí thư Đảng ủy xã là quyết định đúng đắn, kịp thời của Ban Thường vụ Huyện ủy. Quyết định đó không chỉ gỡ nút thắt nguy cơ bùng phát “điểm nóng” Phú Túc, mà còn giúp cho một cán bộ trẻ như Phạm Hải Hoa có điều kiện cọ xát với thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh công tác. Sau 2 năm luân chuyển, với sự trưởng thành vượt bậc, bà Phạm Hải Hoa đã được bổ nhiệm chức danh Phó Bí thư Huyện ủy cuối năm 2014, đến nay là Bí thư Huyện ủy huyện Phú Xuyên.

Ông Lại Văn Thâu cũng cho rằng nếu như Ban thường vụ Huyện ủy Phú Xuyên không kịp thời thì không biết diễn biến sẽ như thế nào, có thể không lường được. Có những lúc cao điểm, có đến 400-500 người kéo nhau đi từ thôn này tới thôn khác. Nếu không phản ứng kịp thời tình hình lúc đó chắc chắn hai thôn trở nên đấu đầu nhau thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Nhưng sau khi đồng chí Phạm Hải Hoa về đã thể hiện các bước dân chủ, công khai, bàn bạc nên Phú Túc đi vào thế ổn định tốt”

Ngược thời gian hơn 20 năm về trước, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những người có công lớn trong việc giải quyết “điểm nóng” Thái Bình. Ông kể, trong thời gian xảy ra khiếu kiện tập thể mang tính biểu tình tại huyện Quỳnh Phụ và một số địa phương khác, ông đã về Thái Bình trên 50 lần, vào “tâm điểm nóng” để trực tiếp nói chuyện, ghi nhận tâm tư nguyện vọng của người dân. Theo ông, bài học lớn nhất trong xử lý “điểm nóng” là phải gần dân, hiểu dân, tìm hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để nắm tình hình, hiểu sự việc và giải quyết đúng đắn, kịp thời.

“Những chỗ khó khăn cần phải xuất hiện nhất định phải xuất hiện, có xuất hiện phải hiểu được dân. Với địch còn phải xuất hiện để chỉ đạo để đánh, huống chi đây là dân. Dân có sai thì cũng là dân của mình, phải gần họ mới biết người ta sai cái gì. Họ nghĩ sai thì mình phải uốn nắn. Người ta nói đúng thì mình phải nghe, tiếp thu, né làm sao được. Lãnh đạo chung chung, xa rời dân thì không được”, ông Duyệt nêu quan điểm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, từ thực tiễn ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội; thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và một số địa phương khác cho thấy, giải pháp ngăn ngừa cũng như xử lý “điểm nóng” là công tác kiểm tra giám sát của Đảng phải được thực hiện nghiêm túc. Cần xử lý sự việc khi còn ở mức độ nhỏ. Nếu phát hiện sai phạm phải chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là những người giữ vai trò chủ chốt, đồng thời kiên quyết luân chuyển, điều động, kỷ luật người đứng đầu cấp ủy Đảng ở cơ sở khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

“Kinh nghiệm xây dựng tổ chức Đảng yếu kém thành tổ chức Đảng vững mạnh là phải căn cứ vào cụ thể. Có nơi chỉ cần điều động Bí thư nơi khác làm Bí thư Đảng ủy xã thì tình hình thay đổi. Nhưng có nơi điều 1 người không được thì phải có giải pháp khác. Cho nên cái chung nhất là xây dựng toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó tổ chức đảng giữ được vai trò hạt nhân lãnh đạo. Thứ hai vai trò cấp trên. Xã yếu mà huyện mạnh thì huyện chỉ đạo kịp thời, huyện không chỉ đạo được thì cả tỉnh, Trung ương vào cuộc”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông bày tỏ.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, gần dân, sâu sát với tình hình; có quyết tâm và sự thống nhất cao từ Trung ương đến cơ sở; kiên trì, cầu thị lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của dân thì không chỉ không còn “đất” cho “điểm nóng”, mà ngược lại, càng làm tăng thêm sức mạnh của hệ thống chính trị, niềm tin vào Đảng và Nhà nước của nhân dân.

Qua các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự tại một số địa phương thời gian qua cho thấy, lòng tin, niềm tin giữa cấp ủy, chính quyền, mặt trận và người dân phải được xây dựng bằng những việc làm cụ thể. Đồng Tâm-Mỹ Đức, Hà Nội; thành phố Phan Thiết, thị trấn Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận và một số nơi khác sẽ không hình thành “điểm nóng”, bùng phát hành động cực đoan nếu cấp ủy, chính quyền địa phương đủ mạnh và quy chế dân chủ cơ sở “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện nghiêm túc; mọi khúc mắc, kiến nghị của người dân được quan tâm giải quyết kịp thời.

“Điểm nóng” đã xảy ra ở Đồng Tâm-Mỹ Đức; thành phố Phan Thiết, thị trấn Phan Rí Cửa, và kinh nghiệm hóa giải nguy cơ bùng phát tại Phú Túc, huyện Phú Xuyên; thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh sẽ là bài học cần thiết cho tổ chức Đảng các cấp, từ Trung ương đến địa phương. “Gần dân, lấy dân làm gốc. Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh” - Bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng căn dặn không bao giờ cũ”./.

 

 

Theo VOV

.