"Chủ động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt ngay nếu xuất hiện dịch bệnh"

Thứ Sáu, 14/09/2018, 15:57 [GMT+7]
Điện Biên TV - “Yêu cầu tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi. Cần đóng cửa, vệ sinh tiêu độc các chợ có dịch bệnh; tiêu hủy đàn lợn nếu bị nhiễm bệnh; chủ động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt ngay nếu xuất hiện dịch bệnh. Bởi nếu để dịch bệnh lây lan, hậu quả sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn” đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam sáng 14/9.
 
s
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị.

 

Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh về tình trạng diễn biến phức tạp của dịch bệnh. "Do vậy trước hết là phòng, sau đó là chống. Nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành chăn nuôi, thu nhập và đời sống của người nông dân. Các địa phương phải hành động quyết liệt, không được chủ quan với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Cần nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời cung cấp cho địa phương, người dân và hộ chăn nuôi, từ đó tổ chức các biện pháp hành động. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Giám sát chặt chẽ, không để lây nhiễm qua đường biên giới.

“Yêu cầu tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi. Cần đóng cửa, vệ sinh tiêu độc các chợ có dịch bệnh; tiêu hủy đàn lợn nếu bị nhiễm bệnh; chủ động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt ngay nếu xuất hiện dịch bệnh. Bởi nếu để dịch bệnh lây lan, hậu quả sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn”

s
 Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

 

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Trung Quốc cũng đã ra thông báo có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang, với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam khẳng định, bệnh dịch tả châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Tuy nhiên, khả năng tồn tại của virus dịch tả lợn Châu Phi cao hơn nhiều so với vius gây cúm hoặc lợn tai xanh. Cụ thể, loại virus này có khả năng tồn tại trong thịt động lạnh vô thời hạn; trong sản phẩm mỡ khô 1 năm; trong máu, thịt muối, xúc xích, nội tạng 3 tháng; trong phân, đất hơn 1 tuần.

“Bản thân virus dịch tả lợn Châu Phi lây lan rất chậm trong cùng trại chăn nuôi tuy nhiên nếu đã mắc bệnh lợn sẽ chết gần như 100%. Điều này cũng có nghĩa ngay cả  khi có virus bệnh xâm nhập, lợn cũng chỉ chết rải rác chứ không phải đồng loạt như những dịch bệnh khác”, vị đại diện cho hay.

Điểm cầu tỉnh Điện Biên
Điểm cầu tỉnh Điện Biên.

 

Thực tế các nước đã từng có dịch cho thấy, bệnh dịch tả châu Phi lây lan chủ yếu do yếu tố con người tác động như: vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh hoặc nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác... Hơn nữa, hiện chưa có vaccine, thuốc điều trị dịch bệnh này. Vì vậy, phòng bệnh là chính. Trong trường hợp xét nghiệm mẫu, nếu phát hiện lợn mắc bệnh, hoặc nghi mắc bệnh cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan, không điều trị bệnh lợn nhiễm bệnh.

Cũng để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh, giảm thiểu thiệt hại cho ngành Chăn nuôi. UBND tỉnh Điện Biên vừa có công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh./.

 
 
 
 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
.