"Cán bộ mắc sai phạm dù khéo che đậy cũng khó qua được mắt dân"

Thứ Hai, 26/03/2018, 08:38 [GMT+7]

"Khi người cán bộ mua thêm một căn nhà, một miếng đất, liệu anh ta có thể che giấu tất cả những người trong cùng khu dân cư?"
 
 Tài sản của cán bộ phải được dân giám sát

Nói về yêu cầu tất yếu phải minh bạch hóa tài sản của cán bộ, ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng minh bạch tài sản, công khai để dân biết là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống tham nhũng. Khi tài sản của người cán bộ đã công khai thì dân sẽ cùng giám sát. Những thông tin người dân cung cấp luôn rất cần thiết để cơ quan chức năng tìm hiểu sâu hơn.

Ông Thưởng cho rằng: với sự phát triển xã hội, cả về khoa học kỹ thuật lẫn sự vận động của nền thị trường hiện nay, bản chất người cán bộ không dễ để nhìn nhận. Nhiều cán bộ bề ngoài không có biểu hiện gì, nhưng đằng sau có thể là kẻ  tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng. "Khi nào cán bộ, đảng viên bộc lộ ra những ưu, khuyết cụ thể thì người ta mới đánh giá được, còn khi những điều đó bị "lẩn" đi, bị che giấu đi thì sẽ rất khó phát hiện"-Ông Thưởng nói.
 

1
Ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.


Theo ông Thưởng, mọi việc làm của người cán bộ, nhân dân đều biết hết. Khi người cán bộ tham nhũng, liệu anh ta có thể che giấu mọi người trong cùng một cơ quan?. Khi người cán bộ mua thêm một căn nhà, một miếng đất, liệu anh ta có thể che giấu tất cả những người trong cùng khu dân cư? không thể che giấu được. Cho nên Đảng, Nhà nước phải dựa vào nhân dân. Dựa vào dân cũng là nguyên tắc, yếu tố quan trọng trong việc quản lý đất nước.

"Để khơi gợi, phát huy tiềm lực toàn dân, người cán bộ phải sát dân, thường xuyên nghe tiếng nói của nhân dân. Không phải thụ động nghe, người cán bộ phải khơi gợi nhân dân để người ta phát biểu ý kiến. Phải xuống với nhân dân, đến từng chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm việc của người dân để nhân dân thể hiện ý kiến đóng góp của họ"- ông Lê Quang Thưởng nói.

"Phải kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu"

Nói về việc kiểm soát quyền lực và vai trò của nhân dân trong kiểm soát quyền lực, ông Lù Văn Que-Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương cho rằng phải kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu. Quyền lực là của dân giao cho, khi cán bộ lạm dụng quyền lực được giao thì sẽ dễ dẫn đến các hành vi tư lợi, đi ngược lại lợi ích chung. Ông Que cho rằng "phải kiểm soát được quyền lực và xử lý nghiêm những người lạm quyền".
 

1
Ông Lù Văn Que-Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương.


Theo ông Que, người dân "nghìn tai, nghìn mắt", người cán bộ khi có sai phạm dù có khéo che đậy thì cũng khó lòng qua mắt được người dân. "Người dân người ta biết hết đấy, nhà này là của ông này, khu đất này là của bà kia, dân biết cả đấy"- ông Lù Văn Que nói.   

Nhân dân ta từ xưa đến nay rất độ lượng, khoan dung. Khi người cán bộ mắc sai lầm, hãy biết tự nhìn nhận lại bản thân và việc làm của mình để sửa chữa, người cán bộ đó chắc chắn sẽ thu phục được lòng người.

Nói về vai trò của người cán bộ trong khơi gợi sức dân hướng đến mục tiêu chung, ông Lù Văn Que cho rằng "dân có tin vào Đảng thì mọi việc Đảng làm sẽ thành công, vì vậy phải làm cho nhân dân tin tưởng vào Đảng. Bản thân người cán bộ phải thực sự gương mẫu, phải hội đủ uy tín, trí tuệ thì người dân mới tin tưởng làm theo". Cũng theo ông Que, Đảng phải có cơ chế bảo vệ hữu hiệu người dân đứng lên khiếu nại, tố cáo./.

 

 

Theo VOV

.