Điện Biên

Vai trò Đảng viên ở thôn, bản góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở

Thứ Ba, 07/11/2017, 18:03 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian qua, việc tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, nhất là các thôn, bản chưa có chi bộ, chưa có Đảng viên trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng đặc biệt quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt là vai trò của Đảng viên ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, có 130 xã, phường, thị trấn, trong đó có 29 xã biên giới; 101 xã và 1.146/1.813 thôn, bản, tổ dân phố đặc biệt khó khăn, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống với gần 55 vạn dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 44,82%, chủ yếu tập trung ở các xã thuộc khu vực biên giới. Đầu nhiệm kỳ (2015-2020), toàn tỉnh vẫn còn 95 bản “trắng” đảng viên, 328/1.813 thôn bản chưa có chi bộ.

1
Đồng chí Lâm Văn Năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Đảng bộ xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ về tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh (ảnh tư liệu)

 

Vượt lên những khó khăn và thách thức đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XIII) đã ban hành Nghị quyết số 04 về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020”.

Trong đó phấn đấu hằng năm kết nạp 2.000 đảng viên; giảm 15-20% số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; giảm từ 20% trở lên số trường học, trạm y tế chưa có chi bộ. Trên tinh thần đó, các huyện, thị, thành đã cụ thể hoá các kế hoạch, nghị quyết chuyên đề, các chương trình đề án về phát triển đảng viên, tập trung vào những thôn, bản chưa có đảng viên, còn ít đảng viên để thành lập chi bộ thôn, bản.

Theo đó, từ đầu năm 2016 đến nay, 130 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã kết nạp được 2.894 đảng viên mới; nâng cấp 01 chi bộ cơ sở thành đảng bộ cơ sở và thành lập mới 121 chi bộ thôn, bản; xóa được 55 thôn, bản “trắng” đảng viên; thu hẹp khoảng cách bản “trắng” đảng viên từ 95 bản xuống còn 40/1.813 bản; giảm số thôn, bản chưa có chi bộ, đảng viên phải sinh hoạt ghép từ 328 bản xuống còn 204 bản.

Số đảng viên mới kết nạp từ đầu năm 2016 đến nay đều tăng, nhất là tỷ lệ đảng viên là đoàn viên, nữ, người DTTS, nông dân, trí thức ngày càng được chú trọng, góp phần làm thay đổi cơ cấu đội ngũ đảng viên và từng bước thu hẹp số thôn, bản, trường học, trạm y tế chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tỷ lệ thôn, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên vẫn còn cao, toàn tỉnh vẫn còn 204 thôn, bản chưa có chi bộ độc lập, do vậy đảng viên đang phải sinh hoạt ghép, có nơi phải ghép từ 4 đến 5 bản để thành 1 chi bộ. Công tác phát triển đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, toàn tỉnh vẫn còn 40 thôn, bản chưa có đảng viên; trên 200 thôn, bản nhiều năm liền chưa kết nạp được đảng viên mới; 101 thôn, bản có 2 đảng viên; 133 thôn, bản chỉ có 1 đảng viên.

Nhiều thôn, bản có số lượng đảng viên ít, chưa tạo được nguồn kết nạp nên ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo của TCCSĐ, ảnh hưởng đến việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất công tác lãnh đạo và chỉ đạo, vân động nhân dân các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở những nơi này.

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác phát triển đảng viên ở cơ sở là do công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên mới là nông dân, người DTTS ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là nhận thức về vai trò, vị trí của đảng viên ở chi bộ thôn, bản chưa được quan tâm đúng mức; một số cấp uỷ đảng chưa có sự quan tâm đến công tác phát triển đảng viên mới, xây dựng chi bộ ở địa bàn dân cư.

Chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội còn nhiều hạn chế; công tác tạo nguồn phát triển đảng viên còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều bản có số dân ít, sống không tập trung, qua rà soát, thống kê cho thấy toàn tỉnh hiện có 49 thôn, bản có dưới 30 hộ; 22 thôn, bản có dưới 20 hộ dân. Thậm chí có nơi chỉ có trên 10 hộ dân như bản Nậm Vì Mông, xã Nậm Vì; bản Tả Cố Ky, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé); bản Nậm Chua, xã Chà Tở (Nậm Pồ)... Tổng số thôn, bản có 3 đảng viên trở lên chiếm gần 60%, phải ghép với số thôn, bản chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ.

Đồng chí Lâm Văn Năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Xác định tăng cường Đảng viên ở thôn, bản là để củng cố xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Do đó, việc rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị cần được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; cần chú trọng các khâu và tập trung đổi mới, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh.

Thời gian tới, Ban tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cho Ban thường vụ tỉnh ủy, chỉ đạo các cấp ủy đảng tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhận thức về Đảng cho quần chúng, nhất là đoàn viên thanh niên, người DTTS; tạo niềm tin và động cơ để quần chúng tích cực tham gia xây dựng Đảng và phấn đấu vào Đảng.

Hai là, cùng với tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở là tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với làm tốt công tác đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên, nhằm đánh giá đúng thực chất năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, khắc phục cách làm hình thức, chiếu lệ, thành tích chủ nghĩa.

Ba là, tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020”. Đảng bộ lấy hiệu quả công tác phát triển đảng viên và xây dựng chi bộ thôn, bản là tiêu chí quan trọng trong đánh giá chất lượng TCCSĐ, đảng viên và đánh giá chất lượng hằng năm.

Bốn là, phấn đấu hằng năm giảm 15-20% số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; giảm từ 20% trở lên số trường học, trạm y tế chưa có chi bộ. Các cấp uỷ chủ động tạo nguồn và kết nạp đảng viên mới, bằng việc chú trọng quan tâm sâu sát đến các quần chúng là người DTTS, lực lượng đoàn viên, bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các thôn bản như: Trưởng thôn, bản; Trưởng các đoàn thể, công an viên, dân quân, y tế thôn bản…

Năm là, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, được cụ thể hóa từ sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định, để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nâng cao năng lực, sức chiến đấu của TCCSĐ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Điện Biên./.

 

CTV - Phong Lâm

.