Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở Huổi Lèng

Thứ Bảy, 01/04/2017, 14:37 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tiếp tục thực Chỉ thị số 13 của Ban bí thư Trung ương Đảng, khóa 12 về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Đảng bộ xã Huổi Lèng huyện Mường Chà, triển khai sâu rộng tới các tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò công tác lãnh đạo  trong việc nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng mới.

1
ảng bộ xã Huổi Lèng huyện Mường Chà phát huy vai trò công tác lãnh đạo  trong việc nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng mới.

 

Xã Huổi Lèng có 7 bản với 549 hộ, hơn 3.200 nhân khẩu. Chủ rừng là cộng đồng thôn bản và hộ gia đình. Các hộ trên địa bàn được giao quản lý bảo vệ trên 5000 ha. Năm 2016, các hộ được nhận trên 758 triệu đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Nguồn hỗ trợ này, là chính sách lớn của Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng tác động đối với đời sống của người dân, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục phát triển rừng tạo cho người dân sống bằng nghề rừng có thêm thu nhập, hạn chế những yếu tố bất lợi, tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, nâng cao chất lượng rừng.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng

Cùng với những chính sách đó, Đảng bộ xã quán triệt triển khai nhiều chủ trương của Đảng về công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nhất là Chỉ thị số 13 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng cho các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ xã, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn nắm bắt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Để mọi người thấy được rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống con người, sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đảng bộ xã giao nhiệm vụ cho các đồng chí đảng ủy viên phụ trách từng địa bàn dân cư, tăng cường công tác lãnh đạo, tuyên truyền phổ biến chủ trương mới của Đảng về công tác quản lý bảo vệ rừng tới từng chi bộ và người dân.  

1
Lực lượng Kiểm lâm huyện Mường Chà tích cực bảo vệ rừng trên địa bàn

 
Cán bộ kiểm lâm địa bàn thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao là người gần dân, sát dân đưa chủ trương của Đảng, các văn bản của Nhà nước, Luật bảo vệ rừng tới người dân, giúp chính quyền xã xây dựng các phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thống kê, kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn; Kiểm tra hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật; hướng dẫn và giám sát các chủ rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, vận động cộng đồng thực hiện pháp luật, quy ước bảo vệ và phát triển rừng.

Trong những tháng đầu năm nay, cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền triển khai có hiệu quả các Chỉ thị của Đảng các cấp. Hoạt động này, tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ kiểm lâm với cộng đồng thôn bản.

Cán bộ biết dựa vào dân, dựa vào chính quyền nắm bắt kịp thời thông tin ở cơ sở, để có các giải pháp giải quyết các tình huống nảy sinh tại cơ sở hợp lý đúng quy định. Cán bộ Kiểm lâm địa bàn và người dân ở đây nêu cao trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản ở địa bàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.  
 
Những việc làm cụ thể thiết thực từ Nghị quyết của Đảng.

Đảng bộ xã có 12 chi bộ, trong đó 5 chi bộ trường học và cơ quan, 7 chi bộ nông thôn. Các chi bộ xác định công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương và coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 

Chi bộ cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành nghị quyết chuyên đề của chi bộ, các đồng chí trong cấp ủy và đảng viên là những người nêu gương trong công tác quản lý, tăng cường công tác bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất; trồng rừng mới, tái sinh rừng tự nhiên; nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với rừng sản xuất; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng suy thoái rừng. Các đồng chí cấp ủy chi bộ nêu gương trong việc nói và làm để đồng chí và quần chúng nhìn thấy làm theo.  

Bản Trung Dình có gần 900 ha rừng với 2 loại rừng sản xuất và rừng  phòng hộ. Bản có hơn 100 hộ dân chia thành 2 nhóm chủ rừng, là nhóm chủ rừng hộ gia đình và nhóm cộng đồng thôn bản. Đã từ nhiều năm nay, người dân trong bản coi rừng là tài sản quý của mỗi gia đình. Khu rừng ở gần nhà nào, thì nhà ấy có trách nhiệm quản lý bảo vệ. Còn khu vực rừng xa nơi dân cư, đã được giao cho công đồng thôn bản và nhóm hộ quản lý, mọi người đều nhận thức được sự cần thiết của việc bảo vệ, phát triển rừng là điều kiện để phát triển sản xuất, kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Hiện tại, trên 80% số hộ trong bản trồng cây Cọ Khiết - cây chủ thả cánh kiến phát triển kinh tế từ rừng. Trồng loại cây này, không tốn nhiều công sức, trồng xung quanh nhà, trồng trên đồi núi nơi có độ dốc cao, trồng tập trung thành rừng phòng hộ, rừng sản xuất trên đất nương rẫy bạc màu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Sau khi trồng được từ 5 đến 6 năm, khi cây Cọ Khiết phát triển có nhiều tán, các hộ tiến hành thả cánh kiến. Hộ trong bản có ít nhất cũng vài trăm mét, đến vài ha, có hộ trồng nhiều tới 5 ha. Mỗi ha trồng được 1.600 cây. Bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 10 đến 15 kg cánh kiến/năm.

Nếu năm nào được mùa, các hộ có nhiều diện tích thu được từ 1 đến 2 tấn cánh kiến, bán được giá cũng thu về cho gia đình từ 1 đến vài trăm triệu đồng/ năm. Như gia đình ông Hạng A Dính là một ví dụ. Theo cách làm đó, trồng cây Cọ Khiết vừa có kinh tế, giữ được rừng, tạo cho môi trường sinh thái trong lành.

Phong trào trồng rừng sản xuất, giữ rừng phòng hộ ở đây ngày một phát triển. Gia đình ông Hạng Súa Lồng, trưởng bản Trung Dình cũng có 2 ha cây Cọ Khiết. Ông cho biết: Diện tích này, trồng được 7 năm rồi năm nay bắt đầu nuôi thả được cánh kiến. Gia đình ông nhận quản lý bảo vệ 5 ha diện tích rừng, những cây thổ lộ, cây dẻ, cây dổi, cây lát, cây vối thuốc … có đường kính bằng nửa người ôm, cao hơn chục mét, tán cây toả bóng mát cả khu rừng. Những cây to lớn như thế này, đang hàng ngày giữ đất, giữ nước tô thêm màu xanh cho rừng của Trung Dình và Huổi Lèng phát triển. Trao đổi với ông về công tác giữ rừng ở đây, ông tâm sự: Mình là trưởng bản, là đảng viên gương mẫu trong mọi hoạt động công tác thì nói người dân mới tin và làm theo.

1
Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng ở 2 bản Huổi Toóng II và Trống Dình, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà

 

Chi bộ bản Trung Dình có 13 đảng viên, các đảng viên đều nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc tuyên truyền vận động người dân chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định quản lý bảo vệ rừng.

Như đảng viên Mùa Thị Chứ, là chi hội trưởng chi hội phụ nữ của bản, ngoài việc gương mẫu trong việc làm, trong công tác tuyên truyền các hoạt động phong trào của Hội phụ nữ các cấp, chị lồng ghép tuyên truyền cách giữ rừng, trồng rừng mới, kể những câu chuyện điển hình về giữ rừng ở các địa phương khác để chị em hiểu biết được giá trị của rừng, rừng đem lại nhiều lợi ích cho con người, bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chính người dân.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị xã Huổi Lèng đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cụ thể hóa chủ trương của Đảng các cấp về tăng cường công tác lãnh đạo quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; để mỗi người dân trên địa bàn thực sự coi rừng là tài sản quí. Rừng phát triển bảo vệ đất, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; mang lại sự no ấm cho con người, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển./.
 

 

Hoàng Liên

.