Nghị quyết trúng, đúng hướng tạo động lực ngay từ cơ sở

Thứ Năm, 17/11/2016, 17:21 [GMT+7]

Điện Biên TV - “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020” đã phát huy được hiệu quả và tạo được động lực mạnh mẽ cho công tác phát triển đảng ngay từ cơ sở.

Ngày 23/5/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết Chuyên đề số 04-NQ/TU về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020” (gọi tắt là Nghị quyết 04). Đây là Nghị quyết được kế thừa và phát huy kết quả đạt được của Nghị quyết 08 về “Xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ đảng, giai đoạn 2012-2015”. Sau một thời gian triển khai, thực hiện Nghị quyết 04 đã phát huy được hiệu quả và tạo được động lực mạnh mẽ cho công tác phát triển đảng ngay từ cơ sở.

1
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII xác định mục tiêu chủ yếu đến năm 2020: Hằng năm, có 45-50% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; kết nạp 2.000 đảng viên; giảm 15-20%/ năm số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ...

 

Thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 “Hằng năm, có 45-50% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; kết nạp 2.000 đảng viên; giảm 15-20%/ năm số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ”.

Để cụ thể hóa mục tiêu đó, Nghị quyết 04 và hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Nghị quyết đã đi đúng hứơng trong công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ đảng ở cơ sở. Do vậy, các huyện, thị, thành ủy đã bám sát vào Nghị quyết để xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình ở địa phương; chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc tiến hành rà soát, đánh giá lại thực trạng đội ngũ đảng viên, các tổ chức đảng hiện có ở thôn, bản và những nơi chưa có đảng viên, chưa có tổ chức đảng để xác định rõ nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong quá trình thực hiện. Hầu hết các cấp ủy đảng ở cơ sở đã tập trung rà soát, đánh giá thực trạng nguồn và tình hình đội ngũ đảng viên, tổ chức đảng để cụ thể hóa chỉ tiêu phấn đấu, lấy việc thực hiện chỉ tiêu kết nạp đảng viên ở thôn, bản làm tiêu chuẩn để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng hằng năm.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đã có sự linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04, như chỉ đạo lồng ghép, điều chỉnh các nội dung triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, chỉ thị của Tỉnh ủy về xây dựng cơ sở; kết hợp việc đẩy mạnh công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới và phân công, kiểm tra, hướng dẫn đảng viên thực hiện nhiệm vụ được giao; điều chuyển, phân công lại nhiệm vụ cho đảng viên, cấp ủy viên, nhất là ở những thôn, bản nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên, những địa bàn dân cư nơi còn “trắng” tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Với cách làm này, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04 có nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả cao, góp phần tạo sức mạnh lãnh đạo của Đảng ở địa phương cơ sở.

Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, đảng bộ các huyện, thị, thành phố và các đảng bộ cơ sở, các cấp ủy đã chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng, nhất là ở địa bàn dân cư, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn…; thông qua các đợt phát động phong trào thi đua yêu nước thiết thực lựa chọn điển hình tiên tiến, tiêu biểu giới thiệu với cấp ủy, chi bộ đưa vào nguồn, bồi dưỡng. Nhiều cấp ủy cơ sở đã khắc phục được tình trạng trông chờ, ỷ lại sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, bước đầu có sự chủ động trong triển khai, chú trọng tập trung thực hiện nhiệm vụ.

1
Các đảng viên người dân tộc thiểu số bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) luôn phát huy vai trò tuyên truyền vận động nhân dân ở cơ sở.

 

Sau một thời gian triển khai, thực hiện Nghị quyết 04 đã phát huy được hiệu quả và tạo được động lực mạnh mẽ cho công tác phát triển đảng ngay từ cơ sở. Kết quả từ đầu năm đến nay, toàn Đảng bộ kết nạp được 1.873 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt 93,65% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 04 đề ra. Về thành lập TCCSĐ và tổ chức đảng, đã tiến hành sắp xếp, kiện toàn và sáp nhập một số TCCSĐ phù hợp với thực tế của các địa phương, đơn vị. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 821 đơn vị cơ sở (tăng 2,44% so với thời điểm ban hành Nghị quyết), trong đó 638 đơn vị cơ sở đã có TCCSĐ, chiếm 77,71% (tăng 0,79%); đơn vị cơ sở chưa có TCCSĐ giảm từ 191 (chiếm 23,27%) xuống còn 183 (chiếm 22,28%).

Toàn tỉnh hiện có 1.813 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó số đã có tổ chức đảng 1.417 (tăng 0,83%); còn 396 thôn, bản chưa có tổ chức đảng, chiếm 21,84%, trong đó số thôn, bản “trắng” đảng viên giảm từ 95 bản xuống còn 71 bản; xóa được 24 bản “trắng” đảng viên so với thời điểm ban hành Nghị quyết.

Đồng chí Nguyễn Quang Sáng, TUV, Bí thư huyện ủy Mường Nhé cho biết: “Để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 04 và nội dung hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển đảng ở những bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; thành lập tổ giúp việc Ban chỉ đạo, tập trung khảo sát tình hình tổ chức đảng, đảng viên, nhất là những xã còn nhiều bản “trắng” đảng viên, trên cơ sở đó đề ra chủ trương, giải pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng lộ trình để tổ chức thực hiện. Kết quả từ đầu năm đến nay đã kết nạp được 112/154 đảng viên mới ở các đảng bộ xã, xóa được 20/38 bản “trắng” đảng viên. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% thôn, bản đều có đảng viên”.

1
Tổng kết lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng tại TP Điện Biên Phủ.

 

Theo đánh giá bước đầu từ cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết cho thấy Nghị quyết 04 đã trúng và đi đúng hướng tạo động lực mạnh mẽ cho công tác phát triển đảng ngay từ cơ sở, kết quả rõ nét nhất là số lượng tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên ngày càng tăng và phân bổ ngày càng rộng; thu hẹp dần các cơ quan, đơn vị, thôn bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Đảng trên từng lĩnh vực, từng loại hình, từng địa bàn, khu dân cư, vùng dân tộc thiểu số. Vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng đã được nâng lên và có nhiều tiến bộ.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cơ sở tiếp tục được khẳng đinh, đổi mới. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng tiếp tục được nâng lên, thể hiện rõ nhất là trong triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tạo sự chuyển biến về chất trong hoạt động Chi bộ ở cơ sở./.
 


Phong Lâm

.