Đại biểu tâm huyết với Đề án phát triển kinh tế Hợp tác xã tỉnh Điện Biên

Thứ Sáu, 17/06/2016, 18:43 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng 17/6, UBND tỉnh tiếp tục các nội dung của kỳ họp thường kỳ tháng 6 - lần 1. Một trong những nội dung được kỳ họp quan tâm, đề cập nhiều trong ngày làm việc thứ 2 là Đề án phát triển kinh tế Hợp tác xã tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Đề án được xây dựng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể, nâng tỷ trọng kinh tế tập thể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đề án cũng là yếu tố thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc: thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể"; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động kinh tế tập thể ở tỉnh trong thời gian qua. Bên lề kỳ họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn cũng đã đề cập đến vấn đề này.

Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Phải nói là trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Điện Biên rất quan tâm đến vấn đề phát triển hợp tác xã và tổ hợp tác, cụ thể là kinh tế tập thể. Nhưng những năm vừa qua, sự phát triển về số lượng cũng như chất lượng của các hợp tác xã và các tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Từ đó, phát triển hợp tác xã còn nhiều vấn đề phải bàn. Vì vậy, UBND tỉnh đã quyết định xây dựng Đề án để nâng cao vai trò cũng như phát huy sức mạnh của hợp tác xã trong thời gian tới."

h
Đại biểu tham gia góp ý xây dựng vào Đề án phát triển kinh tế Hợp tác xã tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

 

Mục tiêu của Đề án đến năm 2020, tỉnh phấn đấu đưa kinh tế tập thể chiếm 2% trong tổng sản phẩm của tỉnh; thành lập mới 100 hợp tác xã; quy mô vốn mỗi hợp tác xã đạt trên 1,8 tỷ đồng/năm, doanh thu của tổ hợp tác đạt 150 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho trên 24 nghìn lao động và nhiều chỉ tiêu cụ thể khác. Đề án sẽ được triển khai thực hiện bằng các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương và vốn hợp tác xã với tổng giá trị dự toán là trên 42 tỷ đồng.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến tham gia bổ sung để hoàn thiện Đề án, trong đó tập trung đưa ra các giải pháp trong việc: bố trí nguồn vốn; xây dựng cơ sở hạ tầng; bố trí đất đai; hình thành, kiện toàn tổ chức hoạt động và các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

Bà Trần Bích Cảnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: "Có 3 giải pháp tôi cảm thấy rất tâm đắc của Đề án gồm: Thứ nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để khuyến khích kinh tế tập thể phát triển; thứ hai là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thứ ba là đẩy mạnh công tác xây dựng các hợp tác xã điển hình tiên tiến."

Những giải pháp nêu trên sẽ là điều kiện tốt để dần nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động các hợp tác xã, hướng tới xây dựng và chuyển đổi các hợp tác xã theo mô hình kiểu mới. Khi đó, các hợp tác xã là một trong những cơ sở tốt để tỉnh thực hiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đồng thời tạo cơ hội tăng thu nhập cho xã viên hợp tác xã.

Đề án cũng đã xây dựng chi tiết về những cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động cho các hợp tác xã như: đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; thành lập mới hợp tác xã; phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ về đất đai; vốn, giống và xúc tiến thương mại.

Để các chính sách được triển khai, áp dụng cũng đòi hỏi các hợp tác xã phải đảm bảo được các điều kiện về thủ tục trong tiếp cận với các hoạt động tín dụng. Theo đồng chí Mùa A Sơn, ngân sách Trung ương, tỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu về vốn theo dự toán của Đề án. Tuy nhiên, các hợp tác xã cũng cần chủ động thực hiện các giải pháp thu hút vốn từ bên ngoài để tạo đà phát triển.

Cũng trong ngày thứ 2 của kỳ họp, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến đối với: Danh mục bổ sung Dự án cần thu hồi đất và Dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ vào các mục đích khác trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hiện toàn tỉnh có 91 dự án cần thu hồi đất được bổ sung, với trên 320 ha. Số Dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ vào mục đích khác cần bổ sung gồm 38 Dự án với tổng diện tích trên 240ha.

Các đại biểu cũng cho ý kiến bổ sung thêm gần chục danh mục Dự án cần thu hồi đất và Dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ vào mục đích khác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia để trình Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận./.

 

Lê Dung - Minh Hòa
 

.