Điện Biên

Nâng cao công tác phòng cháy, chữa cháy

Thứ Bảy, 09/09/2017, 08:40 [GMT+7]

Điện Biên TV – Hai năm qua (2015-2017) trên địa bàn tỉnh Điện Biên sảy ra 62 vụ cháy, nổ, làm chết 2 người, thiệt hại về tài sản khoảng 8,79 tỷ đồng. Các vụ cháy có chiều hướng gia tăng tập trung nhiều là các địa bàn đô thị hóa nhanh, khu dân cư tập trung.

Qua 02 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp với các lực lượng và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa; kịp thời chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ các vụ cháy, nổ hạn chế thiệt hại về người và tài sản, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà cao tầng, chợ và cháy rừng gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội.

1
Vụ cháy Nhà Thiếu nhi tỉnh Điện Biên vào ngày 14/6,

 

Theo đánh của Bộ Công an, năm 2016 tình hình cháy, nổ trên cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Theo thống kê, đã xảy ra 3006 vụ cháy, trong đó có 1229 vụ cháy tại các cơ sở, 1290 vụ cháy nhà dân, 169 vụ cháy phương tiện giao thông, và 318 vụ cháy rừng, làm chết 98 người, bị thương 180 người, thiệt hại về tài sản trị giá ước tính trên 1240 tỷ đồng và 1800 ha rừng

Tại tỉnh Điện Biên cháy có chiều hướng gia tăng tập trung nhiều là các địa bàn đô thị hóa nhanh, khu dân cư tập trung. Trong 2 năm đã sảy ra 62 vụ cháy, nổ, làm chết 2 người, thiệt hại về tài sản khoảng 8,79 tỷ đồng. Điển hình như vụ cháy Nhà Thiếu nhi tỉnh Điện Biên vào ngày 14/6, do thời tiết nắng nóng, thêm vào đó trong Nhà văn hóa có nhiều chất liệu dễ bắt lửa như: xốp ở trần nhà, ghế ngồi bằng đệm mút… khiến đám cháy lan nhanh và bùng phát dữ dội. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi nhiều trang thiết bị như: bàn, ghế, loa, đài, ghế ngồi, trần nhà, khung cửa kính… thiệt hại ước tính khoảng 4 tỷ đồng. Hay vụ cháy rừng tại khu vực bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng vào ngày 11/4/2016 tổng diện tích khu vực bị cháy hàng trăm héc ta, mức độ thiệt hại khoảng 30%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nhưng chủ yếu vẫn là ý thức PCCC của một bộ phận cán bộ, người dân chưa cao, còn chủ quan, bất cẩn trong sử dụng nguồn nhiệt, hệ thống điện. Mặt khác, cơ sở hạ tầng, nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các khu dân cư chưa đồng bộ, hệ thống giao thông nhỏ hẹp nếu xảy ra cháy việc tiếp cận chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Để thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân trong công tác PCCN, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào quần chúng PCCC. Chú trọng nâng cao công tác tuyên truyền các kiến thức về PCCC, tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho hàng ngàn lượt người thuộc lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng; trên 15 nghìn hộ kinh doanh trên địa bàn ký cam kết đảm bảo an toàn về PCCN 

1
Trong 2 năm đã sảy ra 62 vụ cháy, nổ, làm chết 2 người, thiệt hại về tài sản khoảng 8,79 tỷ đồng

 

Tuy nhiên công tác PCCC trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định, Các vụ cháy có chiều hướng gia tăng mà chủ yếu do nguyên nhân chủ quan gây lên. Một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chưa nhận rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong phòng cháy, chữa cháy.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo được ý thức thường trực về phòng ngừa cháy, nổ trong các tầng lớp nhân dân; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn chưa sâu rộng.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy còn thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ; phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các điều kiện hạ tầng bảo đảm chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Với phương châm “Phòng cháy hơn chữa cháy”, các ngành chức năng cần đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm tạo sự chuyển biến trong ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp PCCC, nâng cao kiến thức cơ bản về PCCC, từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác PCCC góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 

 

Hương Trà

.