Mường Nhé nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc

Thứ Bảy, 13/04/2019, 14:59 [GMT+7]

Điện Biên TV - Huyện Mường Nhé có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Ở xã Sín Thầu ai cũng biết nghệ nhân ưu tú Pờ Dần Xinh là người hiện lưu giữ nhiều đầu sách ghi chép về đời sống, phong tục tập quán của dân tộc Hà Nhì. Ông Xinh chia sẻ, từ ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, ông đã sưu tầm những câu chuyện kể truyền miệng của người Hà Nhì, những phong tục tập quán tốt đẹp, những câu hát, điệu lý Hà Nhì cổ.v.v... Bên cạnh đó, ông Xinh đã truyền dạy cho nhiều người thực hành nghi lễ truyền thống của dân tộc mình.

Ông Pờ Dần Xinh cùng Bộ đội Biên phòng xem Quyết định của Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa dân gian năm 2016.
Ông Pờ Dần Xinh cùng Bộ đội Biên phòng xem Quyết định của Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa dân gian năm 2016. ảnh KT

 

Ông Pờ Dần Xinh, Bản Tả Khố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết: Để tiếp tục phát huy và bảo tồn bản sắc dân tộc thì cấp ủy Đảng, chính quyền và mỗi gia đình phải luôn luôn giữ gìn bản sắc của mình. Trên tinh thần đó thì trong những ngày lễ ngày tết mọi người, con cháu trong gia đình mình phải mặc các bộ quần áo trang phục của mình để anh em bạn bè, du khách đến chơi cảm nhận được màu sắc riêng của mình. Việc này cũng thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mỗi người, dòng họ để giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Dân tộc Hà Nhì sinh sống lâu đời ở vùng núi cao Mường Nhé có nền văn hóa đa dạng, đậm bản sắc với lời ca tiếng hát, điệu múa, nhạc cụ, trò chơi, văn học dân gian phản ánh lịch sử chinh phục tự nhiên và cuộc sống lao động, đấu tranh; thể hiện ước mơ hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh đó là các lễ hội mang sắc thái độc đáo, giàu tính cộng đồng, nhân văn và tinh thần thượng võ. Đó là Lễ cúng bản “Gạ ma thú”; Tết cơm mới “Hồ sự chà”; Lễ cầu mưa, cầu mùa; Lễ hội cúng rừng.v.v... Phần lớn lễ hội được tổ chức vào đầu năm, với quan niệm đây là thời điểm trời đất giao hòa, vạn vật bừng lên sức sống, con người được nghỉ ngơi sau một năm dài trước khi bắt tay vào lao động sản xuất trong năm mới.

Ông Lỳ Á Thành, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết: Bà con chúng tôi không thể bỏ được việc giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống dân tộc mình là nhiệm vụ đầu tiên đối với bà con dân tộc Hà Nhì phải duy trì. Tùy từng thời điểm, như dịp này có cúng bản và các dịp sau có nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào vẫn được duy trì, phát huy và nhân rộng ra. Hiện nay cả 7 bản của xã đều duy trì và giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình mang ý nghĩa bản sắc dân tộc.

Tín ngưỡng thờ thần rừng, thần nước của người Hà Nhì như một sợi dây tâm linh truyền qua nhiều thế hệ.
Lễ cúng rừng của người Hà Nhì, đây là tín ngưỡng thờ thần rừng, thần nước của người Hà Nhì như một sợi dây tâm linh truyền qua nhiều thế hệ. ảnh KT


Còn đối với người Cống tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé được biết đến là tộc người có đời sống tinh thần khá đa dạng thông qua các phong tục tập quán, lễ hội và những nét văn hóa phi vật thể phong phú như các bài hát dân ca, hát đối giao duyên, hát ru con, hát đi hái măng rừng, hát mừng lên nhà mới hay hát trong lễ cúng tổ tiên.v.v...

Ngoài các nét văn hóa phi vật thể, đến nay trang phục truyền thống của đồng bào Cống cũng đã được người dân trong bản có ý thức giữ gìn. Để giữ gìn và lưu tryền trang phục truyền thống của dân tộc mình những nghệ nhân, người lớn tuổi trong bản vẫn tự tay sưu tầm và thêu dệt, dạy bảo con cháu làm theo.

Bà Lò Thị Ý, Bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé cho biết: Các cháu thế hệ trẻ bây giờ thì truyền thống của dân tộc Cống mình không am hiểu nhiều, cho nên tôi dù có tuổi vẫn cố gắng dạy bảo cho các cháu múa hát dân ca, đối đáp; dạy cho các cháu phong tục tập quán của dân tộc mình để các cháu sau này hiểu hơn không mất phong tục tập quán của dân tộc Cống.

Huyện Mường Nhé có trên 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gồm: Mông, Thái, Hà Nhì, Kháng, Cống.v.v... Mỗi dân tộc có những tập quán sinh hoạt riêng, tạo nên nét văn hóa riêng biệt của từng tộc người. Nổi bật là người Hà Nhì thì rất yêu thích các điệu múa, người Mông thích múa khèn, người Cống lại mê hát đối.

Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay, những luồng văn hóa khác nhau xâm nhập vào đời sống Nhân dân đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo nguy cơ mai một, biến dạng bản sắc văn hóa của dân tộc.

1
Chuẩn bị lễ vật để cúng trong lễ Gạ Ma Thú của đồng bào dân tộc Hà Nhì. ảnh KT

 

Trước tình hình đó, huyện Mường Nhé đã phục dựng lại các nghi lễ truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn như: Tết Hoa của dân tộc Cống, Cúng bản của người Hà Nhì, Si La,v.v... mang đậm nét văn hóa dân tộc địa phương. Các lễ hội đã tạo không khí phấn khởi trong Nhân dân, thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia.

Bà Pờ Diệu Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Huyện Mường Nhé có 10 dân tộc cùng sinh sống và mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng, độc đáo và góp phần cho việc đa sắc dân tộc của địa phương. Trong những năm qua công tác bảo tồn, phát huy các bản sắc truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện rất được quan tâm.

Thực hiện theo Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển con người văn hóa tỉnh Điện Biên trong việc đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh thì huyện Mường Nhé cũng ban hành chương trình hành động  và UBND huyện cũng xây dựng kế hoạch phát huy, bảo tồn di sản phi vật thể trên địa bàn gắn với phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2018-2020 và được đông đảo Nhân dân trên địa bàn huyện hưởng ứng.

Bên cạnh các hoạt động gìn giữ văn hóa cổ truyền của các dân tộc, thì các phong trào nghệ thuật quần chúng, các câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ cũng được mở rộng hơn về quy mô và chất lượng hoạt động. Các đội văn nghệ quần chúng của các cơ quan, đơn vị, các bản trong huyện được hình thành ngày càng nhiều.

Các hội thi, liên hoan văn nghệ được huyện tổ chức thường xuyên hơn, trong đó chú trọng các tiết mục dân ca đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống và phát huy, giữ vững bản sắc văn hóa, thuần phong, mỹ tục mang tính đặc thù của từng vùng miền, từng dân tộc. Một tín hiệu đáng mừng, đầu năm 2019 hai Lễ hội là Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa) của người Cống ở bản Nậm Kè, xã Nậm Kè; Gạ Ma Thú (Cúng bản) của người Hà Nhì ở các xã Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn và Chung Chải được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Kết quả này, góp phần khơi dậy niềm tự hào và lòng quyết tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Lời ca, điệu múa, những giá trị văn hóa truyền thống đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện Mường Nhé tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân./.

 

 

Hoàng Hảo/DIENBIENTV.VN

.