Điện Biên TV - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã có 74 vụ tự tử bằng lá ngón, làm 23 người chết, số còn lại may mắn được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Điều đáng nói ở đây là, các cấp, ngành của huyện vẫn chưa tìm ra biện pháp nào để đẩy lùi được tình trạng nói trên.
Cây lá ngón mọc hoang dại trên mảnh đất Điện Biên Đông |
Cây lá ngón là loại cây mọc hoang dại, có sức sống mãnh liệt, khả năng tái sinh cao và khó thể diệt trừ tận gốc. Đến xã Phì Nhừ những ngày giữa tháng 10, chúng tôi đến thăm gia đình chị Thào Thị Bầu - nạn nhân không may chết vì tự tử lá ngón.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đất 2 gian mái lá xập xệ, anh Hờ Sá chồng nạn nhân vẫn đang tiếc nuối người vợ trẻ mới mất trong nước mắt. Anh Sá tâm sự: “Đã gần 1 năm trôi qua, nhưng sự ra đi đột ngột của người vợ vẫn còn ám ảnh trong tâm trí anh và gia đình, mặc dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng do vợ anh ăn quá nhiều nên khi đến trạm y tế đã có biểu hiện bất tỉnh, tỷ lệ sống rất thấp.
Nguyên nhân được biết chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng lời qua tiếng lại với nhau, vợ anh đã dại dột tìm đến cái chết bằng cây lá ngón, để lại cho anh nỗi đau xót tột cùng. Vợ anh Hờ Sá không phải là trường hợp duy nhất ở xã Phì Nhừ tìm đến cái chết bằng cây lá ngón mà nhiều gia đình ở huyện Điện Biên Đông cũng đồng cảnh ngộ chia ly tan nát vì ăn lá ngón. Mỗi năm, ở đây, có cả chục người tự tử bằng lá ngón
Không chỉ riêng ở xã Phì Nhừ, ở các xã như: Keo Lôm, Noong U, Sa Dung, Tìa Dình cũng xảy ra nhiều vụ tự tử bằng lá ngón. Từ những mâu thuẫn rất đơn giản như vợ chồng cãi nhau, quan hệ tình cảm bị ngăn cản, mẹ con bất đồng quan điểm, anh em không có tiếng nói chung.v.v. đã dẫn đến hàng chục cái chết thương tâm bằng “lá ngón”.
Bác Sỹ CKI Nguyễn Văn Minh- Giám đốc Trung tâm y tế huyện Điện Biên Đông cho biết: “Điện Biên Đông 4 năm liên tiếp những vấn đề nổi cộm về sức khỏe nhất gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân đó là tự tử bằng lá ngón, trong đó tự tử bằng lá ngón đang là vấn đề nhức nhối mà toàn huyện đã quan tâm, rất nhiều dự án, rất nhiều tổ chức chính trị- xã hội, các ban ngành đã vào cuộc, đặc biệt từ tỉnh cũng giúp huyện về vấn nạn tự tử lá ngón. Qua các giải pháp can thiệp vào thì tỷ lệ sử dụng lá ngón đã có sự hiểu biết hơn và không còn tình trạng dùng đến lần thứ 2, thứ 3”
Để hạn chế, tiến tới chấm dứt hoàn toàn vấn nạn tự tử bằng lá ngón ở Điện Biên Đông vấn đề then chốt quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn nhận thức rõ về tác hại của cây lá ngón và biết tự kiềm chế bản thân khi có bức xúc trong cuộc sống. Có như vậy, những cái chết thương tâm bằng lá ngón mới dần được đẩy lùi và tránh xa./.
Thúy Hằng