Cảnh báo tình trạng giả danh bác sĩ để bán thuốc qua mạng

Thứ Sáu, 16/07/2021, 11:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Giả mạo uy tín, hình ảnh của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên để quảng cáo, tư vấn bán thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc qua mạng cho người bện,h đang là thủ đoạn mà một số đối tượng xấu thực hiện để trục lợi. Ðây là hành vi vi phạm, gây tổn hại về sức khỏe cũng như kinh tế của người bệnh bị pháp luật nghiêm cấm.

Bà P. T. L., trú tại tổ 3, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ là nạn nhân của vụ lừa đảo, bán thuốc xương khớp qua mạng. Qua cuộc điện thoại, đối tượng tự xưng danh là bác sĩ Đặng Thị Mai, công tác tại Khoa Xương khớp Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên. Đồng thời, tư vấn, giới thiệu chương trình ưu đãi thuốc Khớp an vương của Kho bào chế và nghiên cứu y học cổ truyền Hà Nội có địa chỉ số 2, đường Trần Phú, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Mỗi lọ Khớp an vương có giá 1,2 triệu đồng khi ưu đãi giảm chỉ còn 600.000 đồng/lọ. Đặc biệt, đối tượng giả danh bác sĩ lại biết tường tận từ ngày khám bệnh cụ thể cũng như tình trạng bệnh của bệnh nhân để tư vấn bán thuốc.

1
Lọ thuốc Khớp an vương mà nạn nhân nhận được. Tuy nhiên khi tìm kiếm trên mạng lại không có bất kỳ sản phẩm nào trùng khớp với sản phẩm như các đối tượng quảng cáo.

“Họ biết chính xác ngày tôi đi khám bệnh. Khi tôi nhận được thuốc, tôi gọi điện thoại thì họ nghe máy nhưng giờ gọi họ không nghe máy nữa.” – bà L. cho biết.

Ðể xác minh, làm rõ vấn đề, phóng viên đã làm việc với ông Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên được biết: Bệnh viện không có ai là bác sĩ Đặng Thị Mai như đã nêu trên và cũng không có Khoa Xương khớp; đồng thời, bệnh viện cũng không có hình thức khám, tư vấn qua điện thoại, không bán thuốc, thực phẩm chức năng qua các trang mạng.

“Thực tế, trong thời gian qua đã có không ít trường hợp bị các đối tượng gọi điện giả danh bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để môi giới bán thuốc không rõ nguồn gốc và mang tới bệnh viện để tham khảo ý kiến bác sĩ.” – bác sĩ Trần Đức Nghĩa nói.

Bằng thao tác nhỏ gõ cụm từ khóa “Khớp an vương” trên công cụ tìm kiếm Google thì chỉ chưa đầy 1 giây đã có trên 3 triệu kết quả, song không hề có bất kỳ thông tin, hình ảnh nào trùng khớp với sản phẩm như các đối tượng quảng cáo. Gọi điện thoại đến số người tư vấn bán thuốc giả danh bác sĩ Mai, thì đối tượng quanh co, không thừa nhận và trả lời đây chỉ là số hotline.

1
Hóa đơn bán hàng.

Trở lại với trường hợp nạn nhân P.T.L., vì sao thông tin bệnh nhân đi khám bệnh ngày 1/6/2021 lại bị lộ lọt ra ngoài để các đối tượng xấu tiếp cận để quảng cáo bán thuốc qua mạng, bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Nguyên nhân lộ lọt thông tin có thể là các đối tượng nắm bắt được thông tin bệnh nhân qua sổ kê đơn hay biên lai kê chi phí sau khi ra viện. Khi bệnh nhân đến khám, thông tin bệnh nhân được bảo mật, chỉ có cán bộ bệnh viện được biết, các cá nhân bên ngoài không thể biết được thông tin này.”

Việc giả danh bác sĩ để bán thuốc qua mạng không chỉ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của những người hành nghề y chân chính mà còn tiềm ẩn nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh khi sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không đảm bảo chất lượng. Trước thực tế trên, người dân cần cẩn trọng trước thủ đoạn quảng cáo, tư vấn bán thuốc qua mạng không qua thăm khám cận lâm sàng để tránh “tiền mất tật mang”.

 

 

Hoàng Út - Minh Hòa/DIENBIENTV.VN
 

.