Vụ không khởi tố cựu lãnh đạo Vinaconex: Nguy cơ tạo tiền lệ xấu

Thứ Ba, 02/08/2016, 09:12 [GMT+7]

Theo phân tích của luật sư, nếu đủ căn cứ, viê%3ḅc xử lý hình sự đối với ông Phí Thái Bình hay bất kỳ ai có liên quan trong vụ án là chuyê%3ḅn bình thường.

Việc lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa yêu cầu kiểm tra, xem xét lại vụ việc "không khởi tố lãnh đạo Vinaconex" có liên quan vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" làm 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

1
Đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ, đơn vị chủ quản chỉ khắc phục xử lý sự cố mà không có biện pháp tổng thể. Ảnh: Internet

 

Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) công bố kết luận điều tra bổ sung, xác định sau 18 lần vỡ đường ống nước đã gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex đã phải bỏ ra 13,4 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa, 177.000 hộ dân không được cấp nước trong thời gian 343 giờ...

Ngoài 9 bị can đã khởi tố, cơ quan điều tra cũng xác định một số thành viên Hội đồng quản trị của Tổng công ty Vinaconex gồm các ông Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT, sau này là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Nguyễn Văn Tuân, Tổng Giám đốc, Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chăm (đều là thành viên HĐQT) có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.

Cụ thể, theo kết luận của cơ quan điều tra, những người này đã ra quyết định thay đổi vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực gây nên hậu quả trên là có dấu hiệu phạm tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", theo điều 229 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại cho rằng những người này vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, không có vụ lợi nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dư luận cho rằng kết luận của cơ quan điều tra không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của một số lãnh đạo của Vinaconex, trong đó có ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, sau này làm Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, có thể bỏ lọt tội phạm cũng như tạo ra tiền lệ xấu khi xử lý các vụ án tương tự.

Chia sẻ quan điểm với phóng viên VOV.VN, luật sư Nguyễn Phú Thắng (Công ty Luật Intercode, Đoàn LS TP Hà Nội) ủng hộ chỉ đạo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, khẳng định sự vào cuộc của lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao là cần thiết và đáp ứng kịp thời với mong mỏi của đại đa số quần chúng nhân dân.

Cũng theo luật sư Nguyễn Phú Thắng, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nguyên lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty Vinaconex là các ông Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chăm với lý do “những người này vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, không có vụ lợi, đóng góp lớn cho ngành xây dựng” là không chính xác bởi 3 lý do:

Thứ nhất, những lý do nêu trên không đủ căn cứ để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo Nghị quyết 144/2016/QH13 của Quốc hội dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự 2015; khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 (được áp dụng ngay). Theo đó Nghị quyết hướng dẫn áp dụng ngay các điều luật của Bộ luật Hình sự 2015 có lợi cho người phạm tội. Tuy nhiên trong vụ án được đánh giá gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra nhiều lần, liên tục, có rất nhiều khách thể, đối tượng bị ảnh hưởng (177.000 hộ dân), nên cần phải khởi tố bổ sung những người này.

Thứ hai, những lý do Cơ quan điều tra chỉ ra đều là những quy định nêu tại Điều 46 Bộ luật Hình sự 2003 sửa đổi năm 2009, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 và là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi Tòa án lượng hình, chỉ Tòa án mới có thẩm quyền xem xét, đánh giá và quyết định áp dụng khi xét xử.

Thứ ba, với vai trò rất quan trọng ở các mức độ khác nhau trong dự án ngàn tỷ đồng, những lãnh đạo chủ chốt nêu trên của Vinaconex không thể phủ nhận trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thực thi công vụ để không xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vừa qua. Việc không xem xét trách nhiệm hình sự của những nhân vật này sẽ có nguy cơ tạo tiền lệ rất xấu trong hoạt động tố tụng, khiến việc truy tố và xét xử vụ án thiếu khách quan, không triệt để, không nhận được sự đồng thuận của người dân. Và việc không truy cứu trách nhiệm của những đối tượng này cũng sẽ không công bằng với các bị can khác trong vụ án này đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng nêu rõ, nguyên tắc xuyên suốt của các Bộ luật Hình sự Việt Nam qua các thời kỳ, đó là “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; và “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”. Vì vậy, nếu có đủ căn cứ, thì việc xử lý hình sự đối với ông Phí Thái Bình cũng như bất kỳ ai có liên quan khác là chuyện hết sức bình thường./.

 

Theo VOV
 

.